Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

CHÓ NGAO TÂY TẠNG

-->
CHÓ NGAO TÂY TẠNG
Mực - ngao Tạng của mình đây
  Đọc Mật mã Tây Tạng, xem online về cơn sốt chó ngao Tây Tạng ở Trung quốc mình cũng tò mò và ham lắm. Thế rồi nhận được món quà đầu năm của gia đình cựu vương Mustang: một chú chó ngao Tây Tạng thuần chủng.

  Năm ngoái, mình mua một con ngựa bạch Mustang ở Pokhara, từ đàn ngựa của gia đình cựu vương Jigme-dpal-bar Bista, vị vua cuối cùng của Mustang. Chế độ cộng hòa của Nepal đã bãi bỏ vương quyền của họ Bista 4 năm nay nhưng dân chúng Mustang trong thâm tâm vẫn tôn kính vị vua thực sự của họ. Cựu vương nay đã rất cao tuổi và phần lớn thời gian chỉ sống ở ngôi thành cổ của họ tộc trên cao nguyên Mustang. Mình chưa được gặp Ngài, vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo của cả vùng Lo (Mustang). Tuy nhiên, sau khi mua ngựa mình có lân la nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử văn hóa của Mustang, vì thế đã dẫn đến việc gặp gỡ và kết thân với cựu Thái tử Mustang Jigme S.P. Bista, hiện đang sống tại Boudhanath Stupa, Kathmandu. Cựu Thái tử và mình rất kết nhau ở cái ý tưởng làm những chuyến du hành lên cao nguyên Mustang bằng ngựa như những đoàn caravan xa xưa. Dự án này đã khởi động và sẽ thành hiện thực trong một thời gian không xa.
Với cựu Thái tử Jigme S.P. Bista
  
Mấy tháng rồi không liên lạc với ông vì bận rộn chuyện đi Ấn Độ, bỗng nhiên mấy hôm trước nhận được điện thoại từ Mustang. Ông bảo mình xuống Pokhara gặp mấy anh chàng cao bồi của ông, ông có gửi cho mình món quà nhỏ mừng năm mới. Hàng năm, người Mustang đều lùa ngựa từ cao nguyên xuống Pokhara để tránh rét và vỗ béo. Đây là dịp tốt để có thể chọn mua những con ngựa tốt nhất thuộc giống Mustang. Mình chạy vội xuống Pokhara, gặp lại anh chàng cao bồi Bishnu. Anh cười híp cả mắt chạy về phòng trọ mang ra cho mình một cục đen thui như một cuộn len. Mình nhận lấy…A ha, một cún con ngao Tạng thuần chủng. Sướng mê. 

    Mới có hơn tháng tuổi mà cún cân nặng những 2 ký. Đầu bư, chồ vồ  như trái bưởi năm roi kềnh càng trên bộ khung hứa hẹn sẽ rất hầm hố (đầu bư bự tổ chảng là đặc điểm riêng của loài này). Lông dài và dầy, sáng bóng, đen tuyền. Mắt nhỏ (so với cái đầu chứ thực sự không nhỏ so với các giống chó khác) sáng tinh anh. Bé xíu mà không biết sợ là gì. Khi mình bồng chú đi về, dọc đường có mấy con chó cỏ bày đặt xồ ra sủa nhặng xị, cún con ngao Tạng của mình không hề rúc vào người mình mà vươn đầu xuống chẩu mỏ sủa lại he he.. .  
   Ở Nepal, giống chó này được gọi là Bhote Kukur nghĩa là chó Tây Tạng. Dân Mông Cổ gọi nó là "bankhar", chó tuần vệ.  Người Tây Tạng  gọi chúng là Do-khyi, chó-bị-cột vì chúng là những con chó thường được cột bên ngoài nhà ở làm kẻ canh gác. Khi trekking lên các vùng núi cao, bạn sẽ được căn dặn rằng phải rất cảnh giác với giống Bhote này, ở nơi hoang dã chúng còn nguy hiểm hơn cả chó sói vì đặc tính trung thành đến mức mù quáng chỉ biết có một người chủ duy nhất và hung hăng tấn công bất cứ người lạ nào. Giang hồ mệnh danh chúng là“Sư tử núi tuyết” hay “chúa tể của thảo nguyên”, “to hơn chó sói, mạnh hơn báo hoa và nhanh hơn hươu nai”, “loại mãnh thú bá chủ của thảo nguyên Tây Tạng, nơi mà chỉ duy nhất con người có thể khắc chế và làm chúng phục tùng”...

  Theo giới chuyên môn, ngao Tạng đã hiện hữu cách đây chừng 5.000 năm và được xem là giống chó có bộ gen cổ xưa nhất, tổ tiên của tất cả các giống chó ngao trên thế giới hiện nay và là giống chó bự con nhất (xét cùng chiều cao). Theo tác giả Hà Mã chữ “ngao” trong tiếng Hán dùng chỉ giống chó to lớn giỏi đánh nhau., và cũng theo tác giả này chó chăn cừu châu Âu, chó Berger, chó Saint Bernard đều xuất xứ từ ngao Tạng. Loài ngao Tạng thuần chủng khi trưởng thành phải cao ít nhất 70 cm (đối với chó đực), nặng 60-80kg (có thể nặng hơn 100kg), đầu phẳng, không có nếp nhăn, hình thể cân đối và oai nghi, lông dài-dầy và mềm, lông cổ phải dầy và xù như bờm sư tử, đuôi luôn cuộn cao trên lưng. Chó ngao Tây Tạng có màu đen, đen -nâu, đen -vàng, vàng, hiếm có là màu trắng (tuyết ngao) và hiếm nhất là màu cam (hỏa ngao) - Mật Mã Tây Tạng của Hà Mã còn nói đến con thần khuyển gọi là Tử Kỳ Lân vì màu lông tím sẫm cực đậm. Ngao Tạng trưởng thành rất chậm, phải 3-4 năm mới có khả năng giao phối. Vì mùa rụng lông và giao phối rơi vào mùa Thu, nên chó con thường chào đời khoảng tháng 12 đến tháng Giêng năm sau.
  Có xuất xứ là chó gác gia súc ở Tây Tạng, thân thể khôi vĩ của ngao Tạng giúp chúng có khả năng đương đầu với cả sói và báo tuyết. Là một con chó giữ nhà hoàn hảo với bản tính thông minh nhưng cứng đầu, cảnh giác với người lạ và bản năng canh phòng cao, nó làm cho mọi kẻ xâm nhập từ người tới động vật không dám tới gần khu vực nó canh gác. Người ta còn hài hước như vầy: “Leaving a Tibetan Mastiff outside all night with neighbors nearby is not recommended” – Tạm dịch: Không nên để một con ngao Tạng bên ngoài suốt đêm với những nhà hàng xóm cận kề. ;-D
   Trong lịch sử, chó ngao Tây Tạng được Thành Cát Tư Hãn sử dụng như một vũ khí lợi hại để tiến đánh châu Âu từ thế kỷ thứ 13. Từ đầu thế kỷ 18, sau các cuộc thám hiểm vùng núi Himalaya những con ngao Tạng đã được đem về châu Âu. Chúng trở thành món quà quý dành cho các hoàng tộc: năm 1820, vua George IV được tặng 1 con ngao Tạng; 14 năm sau, vua William IV được tặng một cặp khác; tiếp đến năm 1847, một con chó lớn vùng Tây Tạng cũng được gửi tặng cho hoàng hậu Victoria… Ngày nay, những tỉ phú ở khắp nơi trên thế giới đang có mốt nuôi ngao Tây Tạng.

-->
-->Text Box:    Trong suy nghĩ của của những đại gia chịu chơi ở Trung Hoa Lục Địa, chó Tây Tạng là biểu tượng cho sự giàu có và quyền quý. Ngoài biệt thự hoành tráng, xe hơi thể thao sang trọng và vợ trẻ đẹp, ngày nay các đại gia tại Trung Quốc phải có thêm một thứ nữa để chứng tỏ đẳng cấp: con chó khủng tai cụp có nguồn gốc từ Tây Tạng. Sau khi vung tiền mua bất động sản tại Australia, những trang phục thời trang đắt tiền tại châu Âu, ngựa nòi Mỹ, giới siêu giàu Trung Quốc coi chó Tây Tạng là biểu tượng mới của vị trí cao cấp trong xã hội. Chó càng to và hung dữ càng tốt. “Bạn có thể gọi chó Tây Tạng là thương hiệu của giới siêu giàu Trung Quốc. Sở hữu chó Tây Tạng sẽ giúp bạn làm tăng uy tín cá nhân và chứng tỏ sự giàu có”, Rupert Hoogewerf, một chuyên gia thuế làm việc tại Thượng Hải chuyên cập nhật danh sách những người giàu nhất Trung Quốc bình luận. 
  Tại Trung Quốc, ngao Tạng được nhiều người coi là linh thú và trong những năm vừa qua nó trở thành thú chơi đặc biệt của giới nhà giàu. Một con ngao trưởng thành thường được bán với giá trên dưới 10.000 USD (khoảng 200 triệu đồng), thậm chí có những con lên tới hơn 100.000 USD (hơn 2 tỉ đồng). Theo báo chí Trung Quốc, cuối năm 2010, một cặp vợ chồng đến từ Tây An đã bỏ ra tới 600.000 USD (khoảng 12 tỉ đồng) để mua một con ngao Tây Tạng thuần chủng có tên là “Dương Tử đệ nhị”. Cặp vợ chồng đại gia này đã dùng tới một đoàn xe hộ tống gồm 20 chiếc Mercedes-Benz và một đội gồm cả trăm người dàn hàng để rước chú ngao về nhà.
Một cô gái cầm biểu ngữ chào mừng dẫn đầu đoàn rước chó. Ảnh: China Daily – Những kẻ “mới giàu” mác in Tung Của.

Đọc mấy thông tin này mình thấy buồn nôn trước thói hợm hĩnh, thất học của bọn trọc phú Tung Của!

     Vào đầu tháng 4/2011, truyền thông khắp thế giới đồng loạt đưa tin: Con chó ngao Tây Tạng có tên Big Splash (tên tiếng Trung là Đông Phương Hồng – tên này chính xác hơn vì màu lông đặc biệt của nó) đã trở thành con thú cưng đắt giá nhất hành tinh khi được một tỉ phú ngành than mua với giá 1,6 triệu USD. Con chó này mới 11 tháng tuổi nhưng đã nặng 81 kg và có bộ lông màu đỏ cam rực rỡ như lửa cháy- màu cực hiếm của loài ngao Tạng.

Đông Phương Hồng -con chó đắt nhất thế giới 1,6 triệu USD

    Đến đây, lại nhớ đến Mật Mã Tây Tạng của Hà Mã. Những chương đầu rất cuốn hút khi tác giả ca ngợi không tiếc lời giống ngao Tạng:

“Mấy nghìn năm nay, cả thế giới đều công nhận, giống chó hình thể lớn nhất, tính cách hung mãnh nhất, gọi là ngao. Đó là đặc sản của đất Tạng chúng tôi, đã tồn tại từ mấy nghìn vạn năm trước, cách đây khoảng hai nghìn năm thì lưu truyền sang Hy Lạp, sau sang đế quốc La Mã, rồi lại do người Slave ở Đông Âu du nhập vào các nước châu Âu, đến nay trong cơ thể các loại chó nổi tiếng thế giới vẫn còn giữ được gien di truyền của giống ngao Tây Tạng - ở Lhasa, và khắp trên đất Tạng, giống chó độc đáo nhất phải tính đến ngao…” Trác Mộc Cường Ba đứng diễn giảng hùng hồn trên sân khấu bài trí lộng lẫy, kể cho các tân khách đến tham quan lịch sử của giống chó ngao Tây Tạng_

“…hình thể như bò Yak Tây Tạng, đầu sư tử, đường nét như báo con vật phủ kín lông đen trong tấm ảnh, mỗi múi thịt trên cơ thể đều phác thành những đường nét gần như hoàn mỹ, bên trong ẩn chứa sức mạnh vô song, thoạt nhìn tựa như một mũi tên có thể lao vút bất cứ lúc nào, từng động tác không khác gì của một động vật họ mèo đang thủ thế chực vọt đi_ Nhưng ông biết chắc chắn, đây là một động vật họ chó, đầu vuông tai nhỏ, mõm ngắn nhưng miệng há cực rộng, lưng thẳng bụng thon, bốn chân to như cây cột, bất luận là nhìn từ góc độ nào đi nữa thì đây cũng chính là một con chó ngao Tây Tạng đúng tiêu chuẩn. Hơn nữa, không phải là Tạng ngao thông thường, Tạng ngao thông thường không lớn như vậy, không chắc nịch như vậy, không dũng mãnh và điềm tĩnh uy nghi như vậy, nó hiện lên lừng lững, tựa người khổng lồ bằng thép, lẫm liệt khí chất của bậc vương giả, dã tính trời sinh khiến ánh mắt như bao trùm trời đất, vô cùng uy phong lao đi giữa chốn thảo nguyên.._”
   Thế nhưng, chỉ vài chương sau, tác giả đã lộ nguyên hình một kẻ theo chủ nghĩa Đại Hán, dùng hỏa mù xuyên tạc lịch sử Tây Tạng khi cho rằng Tây Tạng chỉ văn minh từ khi công chúa Văn Thành nhà Đường lên Tây Tạng làm dâu, rằng kho báu nghìn năm của Tây Tạng là của hồi môn của cô cống chua ấy… Rồi tác giả sa đà vào những lỗi lầm ngớ ngẩn rất bùn cời về những con người mới chương trước là những tay lão luyện giang hồ, chương sau lại hóa thành kẻ gà mờ trong những chuyến đi thực địa. Có cảm giác như tác giả ăn chưa tiêu những thứ mà anh ta muốn ôm đồm vào bộ truyện hoành tráng ấy. Không ngạc nhiên khi người ta cố tình làm cho tác giả trở thành một con người thần bí! Mình nghĩ đây là sáng tác của một nhóm viết văn giật gân câu khách làm theo đơn đặt hàng chứ không phải một người. Túm lại, mình chỉ lọc lại được có mấy trang nói về thần khuyển ngao Tạng còn những cái kho báu ngàn năm văn hóa Tây Tạng gì gì ẩn chứa một cách tinh vi chủ nghĩa Đại Hán thì vứt.

   Con Mực của mình quả là tuyệt vời. Nó là con cún con mà mình vừa ý nhất cho tới hôm nay. Sáng nay, vừa thả xuống sân, nó đã hiên ngang làm một vòng tuần thám khắp sân vườn quanh nhà như để tìm hiểu lãnh địa mới vậy. Không mè nheo rên rỉ cả đêm như các cún con cùng tuổi mới rời xa mẹ. Đi đứng đĩnh đạc. Và rất sạch sẽ. Đi ị hay tè đều chạy tới chỗ xa nhất có thể tới tính từ chỗ nằm của nó, mà không cần phải huấn luyện gì hết. Những người nuôi ngao Tạng nói là người nuôi phải có lòng đam mê, tình yêu đối với loài này, không thể đối xử với nó theo "quan niệm" chủ - chó xưa nay của người Việt Nam, mà phải coi nó như một người bạn. Mình cũng nghĩ vậy khi thấy con Mực quyến luyến mình đấy nhưng không phải hễ kêu là lon ton chạy tới như mấy cún con khác.

  Ông Jigme S.P. Bista khi đến thăm nhà mình không thấy một con chó nào đã nói : “Anh cần có một con chó. Một con chó thực sự để trông nhà và để làm bạn.” Mình đã không bao giờ nghĩ rằng ông lại quan tâm chăm chút mình đến như thế.   
  Chưa biết con Mực của mình sẽ phát triển như thế nào (lạy trời nó không trở thành béo ú như Đô-Rê-Mon, hay nặng hàng trăm ký..) cũng không hề nghĩ đến việc “chơi” chó kiểng (eo ôi từ này khá nhạy cảm… he he  hổng ham). Càng không màng tới việc sở hữu một con chó đắt tiền. Tuy nhiên, mình biết chắc rằng từ đây mình sẽ có một người bạn trung thành tuyệt đối.

        Mùa rét Kathmandu, 05-01-2012
    
  TB: bật mí xíu xíu, thực ra mình có kiếm được từ cái làng trên núi Pangchase cao 3,000m một chàng tuyết ngao trưởng thành rồi, nặng hơn 30kg, nhưng chưa mang về Kathmandu he he

    (Bài này có tham khảo các bài viết trên Wikipedia, vnexpress, dantri.com, baodatviet.vn, nongnghiep.vn của các tác giả: Thái Dương, Cao Minh, Bảo Nguyên, Trường Sơn, Linh Phạm)