Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

SAY NO TO "MADE IN CHINA" ! (2)


 Hoan hô loạt 3 bài của Người Lao Động về tẩy chay hàng Tàu Cộng từ thực phẩm đến công nghệ tin học. Còn bài về dùng thức ăn để tái chế lại thành món ăn cho thực khách cho thấy kiểu cách làm ăn của tụi Tàu từ trong nước tụi nó ra cho tới nước khác. Doanh nhân Tàu chỉ biết có tiền thôi, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy.
     NP

Ngó lơ hàng Trung Quốc

 http://nld.com.vn/20130206103432169p0c1014/ngo-lo-hang-trung-quoc.htm
Thứ Tư, 06/02/2013 22:42

Tết năm nay, lần đầu tiên, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm của Trung Quốc bị người tiêu dùng quay lưng, thậm chí tẩy chay

Sau hàng loạt cảnh báo về chất lượng hàng hóa Trung Quốc (TQ), người tiêu dùng dần quay lưng với các sản phẩm có xuất xứ từ nước này. Xu hướng chê hàng TQ càng thể hiện rõ trong những ngày cận Tết – thời điểm mà những năm trước, hàng loại này bán đắt như tôm tươi.
Không có chỗ!
Từ mấy tháng nay, lượng hàng TQ về chợ đầu mối TPHCM giảm dần và ngày càng giảm sâu. Đến thời điểm này, dù cận Tết nhưng lượng hàng TQ về chợ thấp kỷ lục: giảm đến 30% - 40% so với trước đây.
Rất ít người tiêu dùng chọn mua trái cây Trung Quốc. Ảnh: HỒNG THÚY
Nếu trước đây, rau củ TQ chiếm 10% -20% tổng lượng hàng về chợ, trái cây TQ chiếm 30% lượng trái cây ngoại thì hiện tại, mỗi đêm chỉ khoảng 100-110 tấn rau củ TQ về chợ (chiếm 7% - 8% tổng lượng rau củ, trái cây giảm chỉ còn 20%. Dù vậy, sức mua những mặt hàng này vẫn rất thấp.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - TPHCM, cho biết dịp Tết, trái cây TQ có bom, lê, cam, dưa kim cô nương, dưa Tân Cương, dưa lưới, hồng khô, lựu... Trong khi nhiều loại trái cây Việt Nam bắt đầu nhích giá từ tuần trước thì hàng TQ vẫn không tăng và bán rất chậm.
Tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6 - TPHCM) - nơi tập trung các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo TQ - tình hình diễn ra cũng tương tự. Từ đầu tháng 1-2013, tiểu thương rục rịch nhận chào mẫu, nhập hàng bán Tết nhưng không có chỗ cho hàng TQ. Theo bà Ứng Thị Liên, trưởng ngành hàng bánh kẹo, năm nay, bánh mứt, kẹo TQ  rất khó bán. Tết năm nay, buôn bán khó khăn, tiểu thương không dám mạo hiểm nhập hàng TQ vì lỡ bị phát hiện, lập biên bản tịch thu hoặc tiêu thụ không trôi thì khổ. Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu như thời điểm năm 2007-2008, tỉ lệ bánh kẹo TQ - nội địa khoảng 40% - 60% thì nay, hàng TQ chỉ còn khoảng 10%.
Bán hàng Trung Quốc “cho vui”
Không chỉ tiểu thương chợ đầu mối giảm nhập hàng TQ mà các siêu thị cũng hạn chế bán hàng này. Tại các siêu thị Co.opmart, BigC…, hàng Việt Nam đã chiếm đến 90%. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết siêu thị này cam kết không bán thực phẩm TQ. Hai năm nay, Co.opmart đã ngưng bán trái cây TQ mà chủ yếu phân phối hàng nội địa (chiếm 90% - 95%) và một số loại trái cây nhập từ Mỹ, New Zealand, Úc…
“Chủ trương của chúng tôi là không bán hàng không  bảo đảm chất lượng. Cuối năm 2012, gà dai, gà thải loại từ TQ, Hàn Quốc nhập về nhiều, các hệ thống siêu thị khác bán rất chạy, khách hàng thắc mắc vì sao Co.op không bán nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết không nhập hàng này vì không yên tâm về chất lượng” - ông Nhân nói.
Tại các hệ thống BigC, Lotte Mart…, trái cây, thực phẩm TQ chiếm tỉ lệ rất nhỏ và được kiểm soát nghiêm ngặt về chứng từ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại các chợ ở TPHCM như Vườn Chuối (quận 3), An Đông (quận 5), Thị Nghè (Bình Thạnh)…, trái cây TQ bày bán lẫn với trái cây nội và hàng nhập từ New Zealand, Úc. Tuy nhiên, các tiểu thương cho biết chủ yếu bày hàng  TQ “cho vui” chứ ít ai mua.  Với mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, tình trạng tương tự cũng diễn ra. “Khách đi chợ, lựa hàng, câu đầu tiên hỏi là “hàng này của Việt Nam hay TQ sản xuất?” rồi mới nhìn tới nhãn mác, hỏi giá, ăn thử. Hàng nào không có nhãn mác rõ ràng thì rất khó bán” - một tiểu thương bán bánh mứt ở chợ An Đông cho hay.
Không chỉ chê hàng TQ, nhiều người tiêu dùng còn tẩy chay hàng không nhãn mác, bao bì, không  bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phải dạt về vùng ven
Không tiêu thụ được ở nội thành, các siêu thị, cửa hàng lớn nên bánh kẹo, thực phẩm, trái cây, rau củ TQ chủ yếu đổ về các chợ vùng ven, chợ tự phát, hàng gánh lề đường và các tỉnh. Xung quanh chợ Nhị Thiên Đường (quận 8 - TPHCM), trái cây TQ được đổ đống bán quanh năm, mùa nào trái nấy và người mua tấp nập. Nhiều công nhân lao động, người có thu nhập thấp…, dù biết hàng TQ có nguy cơ chứa nhiều chất độc hại, không an toàn cho sức khỏe nhưng vẫn bấm bụng mua vì giá rẻ.
ĐÔNG NGHI 

Vi phạm chủ quyền, bị tẩy chay

 http://nld.com.vn/20130206090123999p0c1038/vi-pham-chu-quyen-bi-tay-chay.htm
Thứ Tư, 06/02/2013 21:40

Game Chinh Đồ, trang mạng Baidu Trà đá quán... và mới đây nhất là WeChat - ứng dụng chat, nhắn tin, đàm thoại miễn phí trên di động do Công ty Tencent của Trung Quốc cung cấp - đã bị người dùng Việt Nam phản ứng dữ dội


Ứng dụng chat, nhắn tin, đàm thoại miễn phí trên di động có tên WeChat phiên bản tiếng Việt đã cung cấp dữ liệu bản đồ Việt Nam nhưng cố tình ẩn thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi lại đưa bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào phiên bản tiếng Trung. Điều này đã khiến người dùng Việt Nam hết sức bức xúc trong những ngày gần đây.
Nguy cơ tiềm ẩn
Hàng loạt người dùng Việt Nam trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhất là các bạn trẻ, đã bày tỏ phản ứng bằng cách kêu gọi tẩy chay, không sử dụng WeChat. Đông đảo người dùng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Cộng đồng mạng và người dùng di động Việt Nam kêu gọi tẩy chay WeChat trên nhiều mạng xã hội
Mới đây, WeChat Việt Nam đã phát đi một thông cáo báo chí khẳng định việc ứng dụng này ẩn thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên bản đồ là “không đúng sự thật”. WeChat cho rằng họ luôn tôn trọng tính chính xác của bản đồ thế giới và vẫn hiển thị tên của 2 quần đảo Việt Nam trên biển Đông.
WeChat lý giải bản đồ hiện nay mà ứng dụng này đang dùng là do Google cung cấp; rằng người sử dụng có thể kiểm tra thông tin bằng cách đăng nhập WeChat, chọn tab “Location - vị trí” và sử dụng chức năng “Zoom - phóng to”. Khi đó, 2 quần đảo của Việt Nam dưới tên quốc tế “Paracel Islands - Hoàng Sa” và “Spartly Islands - Trường Sa” sẽ được tìm thấy trên màn hình.
Theo đại diện nhà cung cấp WeChat, việc này đã được thử nghiệm trên một số tài khoản của người dùng tại Việt Nam và được xác nhận là chính xác. Tuy nhiên, WeChat lại không giải thích về hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” trong phiên bản tiếng Trung của ứng dụng này.
Trước đó, cuối năm 2012, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết các dịch vụ OTT (Over the top content) giúp nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí qua mạng WiFi, 3G như Viber, WhatsApp, WeChat… là nguy cơ tiềm ẩn đối với các doanh nghiệp viễn thông. Các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng bởi những công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh nhiều dịch vụ khác ngoài viễn thông.
Theo ông Hùng, các cuộc gọi, tin nhắn miễn phí qua mạng WiFi, 3G này sẽ rất khó quản lý về mặt an ninh. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết sắp tới, cục sẽ tổ chức hội thảo để đưa ra chính sách quản lý phù hợp với các dịch vụ nêu trên.
Đâu chỉ WeChat!
Vào tháng 7-2012, trang mạng Baidu Trà đá quán của Baidu Trung Quốc đã bị cộng đồng mạng Việt Nam lên án dữ dội. Nhiều nghi vấn xung quanh các dịch vụ của Baidu tại Việt Nam đã được dư luận yêu cầu làm rõ. Sau đó, bất chấp dư luận phản ứng, Baidu vẫn âm thầm cung cấp thêm rất nhiều dịch vụ khác trên mạng internet Việt Nam nhưng không thông tin gì về giấy phép hoạt động. Nhiều chuyên gia bảo mật mạng sau khi phân tích các sản phẩm của Baidu tại Việt Nam đã cảnh báo mức độ nguy hiểm cao với người dùng nếu sử dụng các sản phẩm này.
Tiếp đó, cuối năm 2012, Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành Quyết định 18/QĐ-PTTH&TTĐT về việc thu hồi quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến Chinh Đồ. Lý do là trò chơi trực tuyến này phát hành không đúng với nội dung, kịch bản đã được phê duyệt, vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Quyết định 18/QĐ-PTTH&TTĐT được đưa ra sau khi nhiều người chơi game phát hiện trong trò chơi Chinh Đồ có bản đồ “đường lưỡi bò”. Bản đồ này do công ty sản xuất game Chinh Đồ của Trung Quốc tự ý chèn vào và đã bị cộng đồng mạng Việt Nam phản đối dữ dội.
Những sự việc nêu trên cho thấy người dùng trong nước luôn tẩy chay quyết liệt các sản phẩm số thể hiện sự vi phạm chủ quyền Việt Nam. “Những sản phẩm này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người dùng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm soát và sớm xử lý dứt khoát” - nhiều người đề xuất. 
Mỹ, Anh từng cảnh báo WeChat
Đầu năm 2012, Lầu Năm Góc đã từng đưa ra một báo cáo khẳng định rằng WeChat “có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc”. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Trung ương Mỹ, ông Mike Rogers, nhận xét “có những mối quan ngại sâu sắc về an ninh quốc gia” đối với WeChat.
Trong khi đó, Adam Segal, một chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Chính phủ Anh, cũng cho rằng WeChat là một trong những dịch vụ tiềm tàng nguy cơ lỗ hổng an ninh mà “đối phương có thể lợi dụng để khai thác, thu thập thông tin tình báo”.

CHÁNH TRUNG

Trung Quốc: "Úm ba la" đồ thừa thành súp thơm ngon

 http://nld.com.vn/2013020510233266p0c1050/trung-quoc-um-ba-la-do-thua-thanh-sup-thom-ngon.htm
Thứ Ba, 05/02/2013 10:59

(NLĐO) - Một bà chủ quán lẩu ở Trung Quốc đã bị bắt sau khi "thử nghiệm" phương pháp sử dụng dầu trong nước lẩu thừa để nấu thành món ăn mới cho thực khách, Tòa án quận Huangpu ngày 4-2 cho biết.


Món lẩu được ưa chuộng ở Trung Quốc trong mùa lạnh. Ảnh: Shanghaidaily
Zheng Pin (38 tuổi) là bà chủ nhà hàng Fula Hotpot ở trung tâm khu buôn bán đường Yandang, Thượng Hải cùng cháu trai đầu bếp của mình bị buộc tội chế biến súp từ dầu thải và nước lẩu thừa độc hại.
Theo cáo trạng, Zheng yêu cầu các nhân viên phục vụ đổ tất cả nước lẩu thừa vào xô nhựa. Sau đó, Zheng lọc dầu ra để tái sử dụng và cho phần nước lẩu vào một xô không gỉ. Số nước súp này được chuyển đến nhà hàng Dingla Hotpot do chồng bà đứng tên.

Được biết, nhà hàng này dùng súp thải từ giữa tháng Sáu đến tháng Bảy năm ngoái. Các công tố viên cho biết Zheng đã gởi đi khoảng 15 kg nước súp mỗi ngày.

Cháu trai của Zheng có nhiệm vụ tái chế nước súp thải bằng cách rất đơn giản: Đun sôi nước lẩu thừa, trộn hành, tỏi, hạt tiêu, ớt, mỳ chính.... để biến nước lẩu thừa thành món súp mới.

Nước lẩu này sau đó sẽ được gởi trả về nhà hàng Fula Hotpot để phục vụ thực khách - những người không hề biết về quy trình “ma giáo” đằng sau nồi lẩu.

Đứng trước tòa, Zheng nói: "Đầu bếp nói rằng đó là một thực tế phổ biến trong ngành công nghiệp lẩu vì nước súp sẽ có mùi vị thơm hơn, ngon hơn”.
Một nhà hàng trên phố Yandang, Thượng Hải. Ảnh: flickr.com

Người phụ nữ này cho biết những năm gần đây, nhà hàng kinh doanh ế ẩm nên bà ta muốn làm món súp ngon hơn để thu hút khách hàng. Zheng cũng thừa nhận việc dùng nước lẩu thải có thể giúp cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Nhà hàng đóng cửa vào ngày 12-7 năm ngoái sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm quận Huangpu phanh phui vụ việc bằng một video quay toàn bộ quá trình vi phạm.

Cả Zheng và người cháu đầu bếp của bà này bị bắt giữ vào ngày 15-7, riêng người chồng thoát tội vì không đủ bằng chứng cho thấy ông này biết được việc vợ và cháu trai làm.

Theo Luật hình sự Trung Quốc, những người sản xuất và buôn bán thực phẩm độc hại có thể phải đối mặt với án tù lên đến 5 năm và bị phạt tiền.

Lê Thoa (Theo Nhật Báo Thượng Hải)