Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

LÁ THƯ NEPAL 16: BÃO THÁNG GIÊNG



14/02/2014: Chiều

Thời tiết năm nay thật là quái đản: lạnh giá kéo dài ... rồi rằm tháng Giêng lại có mưa bão nữa...
Đêm qua mưa lớn suốt đêm. Xui cái là có công việc phải đi Lumbini. Sáng nay dần dà mãi đến 8am mới lên đường. Thế là trong vòng 45 ngày mà mình đã quay về LUMBINI đến 4 chuyến (chỉ có 1 chuyến bằng xe hơi). 300km cách xa Kathmandu.
Xuống đèo Thankot, xe hơi các loại kẹt kéo dài hai chiều hơn hai cây số; hậu quả của việc đóng cửa đèo vào ban đêm để sửa đường. Đi thêm 10 cây số nữa, lại thêm 1 vụ kẹt xe do cua 180o quá gắt xe coach bus và xe tải dập vào nhau, ko có cả chổ cho cả 1 chiếc xe gắn máy nào lách qua. Đi thêm chừng 10 cây số nữa: lại thêm 1 chiếc xe bồn đâm vào vách đá xe cộ các loại phải bò nhích từng phân... chỉ qua có 30km mà mất đứt 2 giờ. Mấy chiếc xe hơi thì còn chờ trên đèo ko biết đến bao giờ mới đi được. Mừng là hôm trước đưa hai bạn Chi-Dung đi không bị thảm cảnh này. Do kẹt xe đường bữa nay vắng teo.
Sau khi qua 2 cái đèo, gần tới Devdha thì mưa bắt đầu. Mưa lớn. Găng tay và giày ướt sũng nước. Dù bên ngoài là 1 bộ áo mưa xịn và trong là áo khoác chống nước thế mà về đến Lumbini phát hiện ra vẫn bị ướt bên trong, chắc nước theo cổ áo chảy xuống. Lạnh cóng. Phải xin một ly nước nóng để sưởi ấm.
Mai chắc chạy về Narayan Ghat trước rồi sáng mốt theo đường Hetauda về Kathmandu.

14/02/2014: Tối
6pm kéo ông Kedar Nepal đi ăn tối. Chạy qua restaurant ở trước cổng Lumbini. Ăn rồi ngồi nói chuyện tới 7pm nghe sấm sét ầm ầm bên ngoài vội chạy về thì không kịp, mưa đã ầm ầm đổ xuống. Hồi đi cả hai chủ quan nên ko mang áo mưa. Dầm mưa về tới nhà của Kedar (cách restaurant có 500m ) mà cả hai ướt như chuột lột. Kẹt cái là hồi sáng đi tính mai về , vả lại ko ngờ mắc mưa thế này nên ko mang theo quần áo để thay. Kedar phải cho mượn 1 bộ đồ. Còn quần áo ướt của mình thì giăng dây dưới nhà bếp , mở quạt suốt đêm nay mong sáng mai nó khô.
Mai còn phải vô xem Lumbini Museum, chắc trưa mới đi được. Mong không có mưa. Mà chắc là phải ngủ lại ở Narayan Ghat 1 đêm rồi, vì đèo Thankot sẽ đóng vào buổi tối.
Thời tiết năm nay thật là quái đản.

15/02/2014: Tối
...sáng sớm ở Lumbini mây kéo vần vũ rồi bắt đầu mưa như thác đổ. Trời lạnh ko chịu nổi. Nhìn các cánh đồng hoa cải rũ rượi trong mưa chắc có nhiều nhà nông Nepal đang rầu thúi ruột: mustard khô gần thu hoạch thế là ướt sũng, hư hết, còn các đồng hoa thì chắc chắn sẽ thụ phấn rất ít, sản lượng sẽ giảm , thu nhập mùa này không khéo sẽ lỗ to. Cứ ra ngồi nhìn trời mưa nghĩ đến đường về KTM mà rầu rĩ, lại vô phòng nằm nướng, rồi lại đi ra ngồi co ro tán gẫu cùng ông Kedar.
Hơn 10am mới tới bảo tàng Nepal cùng ông Nepal. Chụp hình các thứ xong đã 12pm rồi vội vàng về gom đồ đạc mà chạy trốn mưa. Xe chạy về hướng Bhairawa mà nhìn vào kiếng chiếu hậu thấy mây đen đuổi theo phía sau đầy hăm dọa.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

LỊCH DUYỆT GIANG HỒ THÌ PHẢI TRẢ GIÁ


Entry này gửi chung cho vài bạn gần đây email cho mình hỏi thăm về vấn đề du lịch bụi ở Nepal.
BÀI ĐÃ CHỈNH SỬA HOÀN CHỈNH MỜI CÁC BẠN ĐỌC LẠI
    Trước hết mình rất cảm kích sự quan tâm của các bạn đến blog của mình và nhất là về đất nước Nepal xinh đẹp hồn hậu mà mình đã chọn làm quê hương thứ hai. Cám ơn các bạn đã tin tưởng mà liên hệ với mình.
   Đầu tiên xin xác định du lịch là gì .
  “Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization), một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.” (Wikipedia)
   Ngày xưa cũng như bây giờ gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn đè trĩu lên vai mọi người, không phải ai cũng có thể đi chu du đây đó để tham quan, khám phá. Có lẽ những thương buôn xa xưa là những nhà du lịch đầu tiên và đúng nghĩa nhất khi vì công việc họ phải lặn lội tới những xứ sở xa lạ, và họ có đủ điều kiện tài chính để chi trả cho các chuyến hành trình ấy. Tàu có thuật ngữ “lịch duyệt giang hồ” để chỉ những người này. Nhân vật hoàn hảo nhất của mẫu người này là Marco Polo, thương gia người Ý , người đã từ châu Âu đến được triều đình của Hốt Tất Liệt vào thế kỷ 13 và đã để lại bộ du ký nổi tiếng.
   Ngày xưa cũng như bây giờ vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là “TIỀN ĐÂU?” để có thể du hành qua hàng ngàn dặm. Thế giới ngày càng phát triển, phương tiện giao thông ngày càng nhiều và rẻ nhưng sẽ không bao giờ có chuyện bạn có thể đi du lịch đúng nghĩa với cái túi rỗng.
XIN ĐỨNG LÀM BẨN HÌNH ẢNH QUỐC GIA VÀ DÂN TỘC CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀY!

   DU LỊCH BỤI KHÔNG PHẢI LÀ ĐI ĂN MÀY!
   Nhất là ăn mày quốc tế.
   Du lịch bụi là đi du lịch với ngân sách hạn chế, sử dụng dịch vụ ở mức giá phổ thông chứ không phải sử dụng tất cả các dịch vụ miễn phí.
   Có vài bạn gửi mail hỏi mình và nhờ mình tìm giùm chỗ ăn ở miễn phí, xin ở nhờ nhà người địa phương… Mình xin lỗi trước, nhưng nếu đã không có tiền thì bạn lặn lội chi cho xa vậy?