Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

KỶ NIỆM LUMBINI - 4 : BAO NHIÊU NĂM RỒI CÒN MÃI RA ĐI

Tối qua thấy tin Khánh Ly về nước đến thăm mộ Trịnh chợt nhớ một kỷ niệm ở Lumbini.
Năm 2005, vì còn đang nội chiến Nepal rất nghèo nàn và lạc hậu, đường sá hư hỏng không tu sửa, xe cộ không nhập được xe mới mà phải dùng xe cổ lổ sỉ. Thời ấy từ cửa khẩu Sunauli giáp với India về Bhairawa hay di chuyển trong vùng Lumbini thì phương tiện công cộng phổ biến là các xe UAZ Liên xô. Các xe này thịnh hành thời đó vì gầm cao , máy khỏe, xài diesel và nhất là rẻ tiền. Xe cộ không có nên người ta đu bám chật cứng . Một chiết UAZ bảy chỗ ngồi phải chở hơn hai chục người... bám lủng lẳng hai bên và phía sau xe miễn là có cái mà đi.
Lần ấy, mình lặn lội đi Kapilavastu, 30km từ Lumbini. Đón xe giữa đường nên không có chỗ ngồi, phải bám đàng sau một chiếc UAZ phong trần.


Xe chạy được một đoạn bỗng nghe từ trong xe vang lên giọng ca Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Mình sởn cả da gà. Suốt cả dọc đường dài, mặc kệ dằn sốc ổ gà ổ voi, đầu óc mình cứ mờ ảo sương khói trong những ca từ đau đớn của phận làm người... hết người con gái Việt Nam da vàng đến đại bác ru đêm, hết gia tài của mẹ đến nối vòng tay lớn, hết cát bụi đến khi đất nước tôi thanh bình...

    Không có lời để diễn tả sự cộng hưởng giữa những bài hát phản chiến của Trịnh qua giọng ca Khánh Ly và khung cảnh hoang tàn của một vùng đất đang trong cuộc nội chiến nồi da xáo thịt dữ dội dù cho đó có là vùng đất của các vị Phật! Nghe mà muốn khóc.... thương cho kiếp người trong chiến tranh, thương cho cảnh nồi da xáo thịt vì khác ý thức hệ của anh em cùng Tổ quốc...

Khi xe dừng, tôi mon men hỏi thăm tài xế. Bác tài già người Nepal đen nhẻm, khắc khổ kể là một lần nọ có một anh người châu Á đi bụi trên tuyến đường này. Ảnh đưa cuốn băng cassette nói bác mở nhạc. Khi xe dừng, vì thấy hay quá (dù không hiểu nội dung lời hát) nên bác xin cuốn băng. Giờ đây mỗi lần mở nhạc là bác chỉ mở cuốn băng này, nó nhão nhẹt hết rồi...
Với mình, đấy là kỷ niệm đẹp nhất về âm nhạc ở Lumbini. Và mình cứ tự nhủ rằng, Trịnh và Khánh Ly đã cùng nhau hành hương về thăm quê Phật. Những bài hát của họ không chỉ dành cho quê hương VN yêu dấu ngày nào nát tan dưới bom đạn mà còn băng bó vết thương cho vùng đất Phật đến tận thế kỷ 21 vẫn có kẻ mù quáng lao theo ý thức hệ vô thần cầm súng bắn vào đồng bào, anh em để giành lấy quyền lực.