Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

TRANH DÂN GIAN MITHILA – TÂM HỒN THƠ MỘNG

“I try to apply colors like words that shape poems, like notes that shape music. ”
- Joan Miro

“Tôi cố gắng ghép các màu sắc [vào bức tranh] giống như các từ tạo nên bài thơ, giống như các nốt tạo nên bản nhạc” Joan Miro- Danh hoạ Tây Ban Nha thế kỷ 20
____________
 Hội hoạ là môn nghệ thuật vô thanh.
Thế nhưng, với những danh hoạ như Joan Miro hay Picasso, tranh vẽ của họ lại rộn vang âm thanh bởi những sắc màu mang đầy “tiếng” của cuộc đời.
Ở Vương quốc Mithila ngày xưa, ngày nay bị chia đôi bởi biên giới hai nước Nepal và Ấn Độ, có một dòng nghệ thuật cổ xưa lại cất tiếng ca hát, mộng mơ như thế trước cả Joan Miro và Picasso nhiều thiên niên kỷ. Dòng tranh dân gian Mithila hay còn gọi là Madhubani, lấy theo tên một làng ngày ngay nằm ở bang Bihar thuộc India.
Ghép từ nhiều trích đoạn của các tranh Mithila
  Ngắm nhìn tranh Mithila, người xem chừng như có thể thấy được những vũ điệu mê hồn của màu và sắc, có thể nghe được tiếng nhạc lạc quan yêu đời của con người và thiên nhiên Ấn Độ và có thể cảm được cái chính xác nhất là “Tâm Hồn Ấn Độ” - Soul of India, mà không một dòng tranh nào của Ấn Độ có thể làm được.
  Ngây thơ và hồn nhiên.
  Tranh Mithila phô bày được cái “bản thể nguyên sơ” của tâm hồn con người. Phô bày được khoảnh khắc đầu tiên con người xúc động trước Cái Đẹp và tìm cách lưu nó lại để thưởng thức.
  Tranh Mithila lại còn phô bày được con đường tiến hoá của nghệ thuật đi từ giản đơn đến phức tạp rồi cuối cùng giản dị hoá trở về với chính mình như thế giới trong đôi mắt trẻ thơ; chỉ còn lại những vần thơ đầy màu sắc lay động cảm xúc của mọi trái tim  yêu Cái Đẹp.
Tôi chạm trán lần đầu với nghệ thuật hội hoạ Mithila một cách rất bất ngờ. Cuối tháng 11 năm 2006, sau khi đã ở Nepal được hơn một năm, tôi mới hội đủ cơ duyên để làm một chuyến phiêu lưu nho nhỏ xuống vùng Nam Nepal giáp giới Ấn Độ. Hồi ấy, cuộc nội chiến Nepal đang đi vào giai đoạn kết thúc và cũng giống như cuối thời gian loạn lạc ở bất cứ nơi đâu chuyện mất trật tự trị an là một hệ luỵ đi kèm cho các cuộc “cách mạng bạo lực”. Huống chi, đó lại là vùng biên giới luôn luôn mở cho bất kỳ người Ấn Độ và Nepal nào qua lại tự do, lại là vùng quân đội Maoist Nepal với sự hỗ trợ của Maoist Ấn Độ hoạt động mạnh mẽ nhất.
 Vì sao tôi “phải” tìm đến tận nơi ấy?
Đơn giản thôi. Visa Official do Bộ Ngoại giao Nepal cấp cho tôi để làm việc tại Nepal trong vòng một năm sắp hết hạn và tôi không biết có thể quay trở lại Nepal được nữa hay không. Tin tức lan truyền một cách hoảng loạn giữa các cư dân của thủ đô Kathmandu rằng Maoist Nepal đang thắng thế tại bàn hoà đàm giữa các phe phái Nepal ở New Delhi. Mọi người cố gắng thu xếp tháo chạy ra khỏi Nepal nếu có thể được. Tôi thầm nghĩ mình cần phải cố gắng hoàn tất thăm viếng nhiều nhất đến mức có thể những địa danh của vương quốc sắp sụp đổ này trước khi phải rời khỏi nó. Lý do duy nhất thúc đẩy tôi phải làm một chuyến đi liều mạng vào vùng đang có chiến sự ấy chính là vì đó là quê hương của một nhân vật đã đi vào lịch sử văn học nghệ thuật thế giới: Nàng Sita. Vâng! Đấy là thành phố Janakpur nổi tiếng nhiều thiên niên kỷ, nơi từng là thủ đô của vua Janaka cai trị vương quốc Mithila, một trong mười vương quốc lớn nhất Tiểu Lục Địa Ấn Độ thời cổ đại. Sử thi Ramayana kể rằng vua Janaka không có con, và trong buổi lễ Tịch Điền trên luống cày của Ngài xuất hiện một bé gái sơ sinh xinh đẹp. Cô bé vì thế có tên là Sita – nghĩa là “luống cày”. Tuy nhiên, người địa phương cho đến ngày nay vẫn cứ âu yếm gọi nàng bằng cái tên “Janaki” reo vang như tiếng lục lạc  đeo nơi cổ chân của các thiếu nữ. Janaki – nghĩa là cô  công chúa con gái vua Janaka, một danh hiệu biến thành tên gọi.
Còn gì quyến rũ hơn đối với một kẻ ham mê phiêu lưu và những câu chuyện huyền ảo khi chạm đến được một trong những địa danh có thực của thần thoại?
Đám cưới Rama và Sita - Tranh Mithila
Thế nên bất chấp tiếng súng của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ vẫn đang rền vang, khi cả hai phe đều cố chiếm lấy thế thượng phong trong ván cờ tàn của bàn cờ chính trị; bất chấp những chuyện truyền miệng về các toán cướp vũ trang chặn xe khách trấn lột mọi người bất kể ngày hay đêm; bất chấp sự bất đồng ngôn ngữ khó có thể vượt qua với một kẻ không biết bất kỳ thứ tiếng chính thức nào của Nepal; tôi đã liều lĩnh leo lên một chuyến xe bus tồi tàn, chật cứng người từ trong xe lên đến trên mui để vượt hơn 500km từ thủ đô Kathmandu xuống vùng bình nguyên Tarai khét lẹt mùi thuốc súng nhằm dự lễ “Vivah Panchami” – Lễ kỷ niệm đám cưới Rama và Sita diễn ra hàng năm ở quê hương của nàng Sita vào một ngày đầu đông năm 2006.
   Chuyến đi ấy đã là một kỷ niệm tuyệt vời khi tôi bị hạ đo ván bởi những bức tranh có phong cách vô cùng hiện đại nhưng cội rễ lâu bền nhiều thiên niên kỷ của vương quốc Mithila cổ đại.
(Chương này nằm trong cuốn Dọc Đường Gió Bụi – Chín Năm ở Nepal . Còn tiếp)