Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

LỄ HỘI NEPAL – NHỊP MÙA BẤT TẬN



NP: Giới thiệu Sách sắp xuất bản : LỄ HỘI NEPAL – NHỊP MÙA BẤT TẬN
Đây là tập hợp những nghiên cứu của Phú Nepal về các lễ hội ở Nepal sau 9 năm trải nghiệm nơi ấy. Hy vọng sách sẽ sớm ra mắt các bạn để giúp mọi người càng thêm yêu một đất nước xinh đẹp thuần hậu. Xin trích đăng một số phần của tập biên khảo này.
_____________
Tựa


Có lẽ hiếm có vùng đất nào lễ hội liên miên bất tuyệt như ở Thung Lũng Kathmandu mà tên gọi thời cổ đại là Nepal Mandala, mỗi năm có thể đến nửa vạn lễ hội lớn nhỏ. Người ta ước tính hầu như mỗi ngày đều có ít nhất vài lễ hội nào đó của công đồng dân cư cỡ xóm/ấp, tuần nào cũng có ít nhất chục lễ hội cấp phường xã và tháng nào cũng có lễ hội cỡ quốc gia.

Suốt dọc dài lịch sử, Thung Lũng Kathmandu luôn giữ vai trò trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của quốc gia ngày nay gọi là Nepal, cái tên vốn xưa kia dùng để chỉ riêng Thung Lũng Kathmandu. Trong thời hiện đại, Kathmandu lại càng phát huy vai trò trung tâm của mình: quảng trường Tundikhel là nơi để các cộng đồng dân tộc tổ chức các lễ hội (Tết) đặc sắc của tộc mình. Với hơn 50  dân tộc, trong đó có gần chục tộc lớn, lễ tết của các dân tộc hầu như diễn ra quanh năm suốt tháng. Người ta có thể chỉ quẩn quanh ở Kathmandu, không cần trèo đèo lội suối đến các vùng sơn cùng thuỷ tận dọc theo dãy Himalaya cũng có thể chứng kiến đủ các lễ tết của các tộc người trong biên giới Nepal.


Về mặt xã hội học, quan sát-tham dự các lễ hội/tết của các tộc người trên một đất nước giúp chúng ta có một cảm nhận rõ nét về hồn tính của đất nước đó. Không gì tốt hơn để có thể thấu hiểu HẠNH PHÚC-NIỀM VUI – những thứ tạo nên sức sống của một tộc người- bằng cách tham dự, chiêm nghiệm các lễ hội của tộc người ấy. Người ta không thể thấu hiểu Hồn Việt nếu chưa trải nghiệm qua Tết Nguyên Đán. Cũng thế, người ta không thể cảm nhận Hồn Nepal nếu chưa trải nghiệm ít nhất vài ba lễ hội như: Dashain (Tết Nepal), Diwali (Tết Ấn Độ), Gunla (Lễ Vu-lan), Holi (Lễ hội Đón Mùa Xuân) …ở Kathmandu.

Về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội ở Nepal thể hiện rõ nét tính giao thoa giữa Hindu và Phật giáo- một đặc trưng của đời sống tinh thần ở Thung lũng Kathmandu. Sự gần gũi của Mật tông Hindu (Tantric) và Mật tông Phật giáo (Vajrayana) cũng như lý tưởng chung sống hài hoà giữa các chúng sinh đã làm cho sự phân biệt rạch ròi đâu là yếu tố Hindu đâu là yếu tố Phật giáo trong lễ hội, đền chùa, sinh hoạt hàng ngày… thật khó khăn; mặc dù người ta vẫn có thể chỉ ra cái nào thuộc về tôn giáo nào. Vì thế, không hề bất ngờ khi thấy các lễ hội ở Thung lũng Kathmandu lúc nào cũng đông nghịt người tham dự bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Với người Nepal nói chung và người ở Thung lũng Kathmandu nói riêng, lễ hội là dịp để mọi người chia sẻ niềm vui, phúc lành với nhau bất kể họ tôn thờ vị thần, phật nào. Đỉnh cao của sự hài hoà tôn giáo ở Thung Lũng Katmandu chính là phong tục thờ phượng Thánh Nữ Đồng Trinh Kumari – một nữ thần tối cao của Hindu giáo trong hình hài một cô gái Sakya (Thích-ca) thuộc về dòng tộc cao nhất Phật giáo. Do vậy, 3 lễ hội quan trọng nhất ở Thung lũng Kathmandu đều gắn liền với sự xuất hiện cũng như giữ vai trò chính yếu nhất trong lễ hội ấy của Thánh nữ Kumari. Đó là các lễ hội Bisket Jatra của thành phố cổ Bhaktapur, Machhendranath Jatra của thành phố cổ Patan và Indra Jatra của thành phố cổ Basantapur (Kathmandu). Trong đó, riêng Machhendranath Jatra có tuổi đời xưa nhất, kéo dài nhất (1 tháng) và được xem là lễ hội Phật giáo. Hai lễ hội còn lại được xem là lễ hội Hindu mặc dù trong nghi thức hành lễ có sự xuất hiện của các thầy tư tế Phật giáo, có xen những nghi thức Phật giáo trong lúc hành lễ và người Phật giáo đi dự hội có tỷ lệ không ít.

Rước Thánh Nữ Kumari tham dự lễ hội
 Một đặc trưng của lễ hội Nepal là sắc màu và ẩm thực. Lễ hội Nepal hào phóng đãi đằng người dự hội tất cả màu sắc mà nó có được. Sự sặc sỡ của các lễ hội và trang phục của người đi dự hội có thể làm cho người lần đầu tiên chứng kiến hoa cả mắt nhưng càng ngắm càng yêu. Ẩm thực cũng vậy. Mỗi lễ hội thường đi cùng với một loại vật thực chính, có những lễ hội chỉ để tôn vinh một loại bánh đặc biệt chỉ làm vào đúng dịp ấy như Yomari Punima của tộc người Newar ở Kathmandu. Các đặc trưng này có lẽ xuất phát từ đặc điểm của Nepal: nước nông nghiệp. Là một nước nông nghiệp, vì thế các lễ hội của Nepal hầu hết đi theo các mùa khí hậu và thời vụ đồng áng. Trải dài quanh năm giống như các sản vật nông nghiệp mùa nào thức ấy là các lễ hội đáp ứng cho các nhu cầu cấp thiết của sinh hoạt hàng ngày và đồng áng. Khi mùa đông lạnh lẽo u tối vừa tan, người ta có ngay lễ hội Holi tưng bừng sắc màu để chào đón nắng xuân. Khi cái nóng mùa hạ lên tới cực điểm và để bắt đầu vụ mùa mới, người ta có lễ hội Macchendranath Jatra để cầu mưa thuận gió hoà. Khi trời đã sang Thu, mùa đẹp nhất trong năm ở Nepal, và cũng là khi vụ thu hoạch đã kết thúc, người ta hứng khởi rộn ràng “ăn Tết” Dashain kéo dài từ 9 ngày đến nửa tháng. Khi những cơn gió Đông lạnh lẽo bắt đầu luồn vào các ngõ ngách của những căn nhà nhỏ hẹp, người Kathmandu lại cùng nhau chia sẻ những chiếc bánh Yomari thơm ngon với nhau như là sẻ chia sự no ấm cùng nhau trong khi người vùng Tearai giáp biên giới Ấn Độ lại có lễ hội đón chào mặt trời mọc như là sự khẩn cầu hơi ấm và sự bảo vệ của Thần Mặt trời Surya trước những ngày Đông lạnh giá đang lừng lững kéo về.   
     
  Nếu như các nơi khác đo đạc thời gian bằng nhịp mùa đi, bằng tháng ngày thoi đưa thì người Nepal đong đếm chúng bằng các lễ hội miên man bất tận. Điều đó thật tự nhiên ở đất nước được mệnh danh là “nơi số lượng đền chùa nhiều hơn nhà ở và thần linh nhiều hơn dân số”.


MỤC LỤC

  1. Lễ hội Shree Panchami
  2. Lễ hội Maha Shivaratri
  3. Lễ hội Holi
  4. Lễ hội Ghode Jatra and Pishach Chaturdashi
  5. Nepali New Year
  6. Lễ hội Mahatirtha
  7. Lễ Phật đản Buddha Jayanti
  8. Lễ hội Bisket Jatra
  9. Lễ hội Machhendranath Jatra
  10. Lễ hội Ghantakarna
  11. Lễ hội Nag Panchami
  12. Lễ hội Janai Purnima
  13. Lễ hội Gai Jatra
  14. Lễ hội Teej
  15. Lễ hội Indra Jatra
  16. Tết Nepal Vijaya Dashami
  17. Tết India Tihar
  18. Lễ hội Chhatha
  19. Lễ hội Yomari Purnima
  20. Tết của các tộc người bên ngoài Thung Lũng Kathmandu