Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

TẾT TAMANG

-->
TẾT TAMANG

 Hôm nay là Lhochhar (đọc là Lô-sa) Tết của người Tamang, tộc người cổ nhất Nepal. Tộc người đông thứ năm ở Nepal và theo đạo Phật này  có lịch gần giống Âm lịch của Trung quốc và Việt Nam, cũng gọi tên năm theo 12 chi, còn can thì theo ngũ hành: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ. Năm 2012 là năm 2848 theo lịch của người Tamang, năm “Ông Rồng Nước” (Male-Water Dragon).

  “Lho” nghĩa là năm, còn “Chhar” là mới. Có nhiều tộc người gọi Tết của họ là Lhochhar, như Tamang, Sherpa (người Tạng), Gurung, Magar, Thakali, Jirel, Lepcha… Tuy nhiên mỗi tộc người ăn Tết khác thời điểm. Tola Lhochhar của người Gurung thì xảy ra trước một tháng, Sonam Lhochhar thì trùng thời gian, còn Gyalpo Lhochhar của người Tây Tạng thường muộn hơn một tháng so với Tết Nguyên Đán của người Việt mình. Sonam Lhochhar có ý nghĩa cầu mong mùa màng tốt đẹp và một năm suôn sẻ. Theo niềm tin của người bản địa , chính Manjusri (Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát) đã tạo ra lịch và ấn định “Tết” cho vùng đất này.
HỘI XUÂN

MỘT ỨNG VIÊN CỦA MISS TAMANG

DIỄN VIÊN MÚA CỔ TRUYỀN CHỜ LƯỢT DIỄN

TRANH THỦ NGỦ MỘT CHÚT... HE HE

CẢNH NÀY GIỐNG XEM HÁT BỘI Ở VÙNG QUÊ NAM BỘ: CÁC NHÓC TÒ MÒ LÉN VẠCH MÀN CHE XEM TRỘM DIỄN VIÊN...

-->
Ở Kathmandu, Tết Sonam mở đầu bằng một vòng diễu hành với trang phục cổ truyền và cờ ngũ sắc của Phật giáo. Đoàn diễu hành sau khi đi qua các con phố chính thì tập trung về Tundikhel, một sân chơi công cộng ngay giữa trung tâm thủ đô, để bắt đầu các hoạt động náo nhiệt của một hội xuân.
   Người ta dựng một sân khấu ngoài trời với các dàn loa phóng thanh lớn đặt ở  bốn góc sân. Chương trình biểu diễn gồm các bài dân ca và các điệu múa cổ truyền. Tiết mục chính của chương trình Tết là điệu múa “mặt nạ” ( sẽ có một bài riêng về điệu múa này). Theo truyền thống điệu múa này do các lama của tự viện của cộng đồng đảm nhận. Nhưng chương trình ở hội xuân này thì do các diễn viên của một “gánh hát” biểu diễn.

Tết của người Tamang cũng kéo dài hàng tuần (ăn Tết đến hết “mùng” như người Việt mình vậy…he he). Ngày mùng  một họ ăn các món làm bằng chín loại hạt (để lấy hên) và cúng bái các vị thần để xua đuổi ma quỷ.Mùng hai thì đi thăm viếng họ hàng và nhận sự ban phúc lành từ các bậc “tiền bối”. Mùng ba thì tụ tập bạn bè và thân thích tới nhà để ăn uống, đánh bài, đổ xí ngầu. Cũng có nhậu nhưng chỉ là một vài chung nhỏ đủ để hưng phấn múa hát , hiếm khi nhậu tới bến say bí tỉ bê tha như dân Việt (xin lỗi các bác thích nhậu, nhưng mình không thích chuyện uống rượu bia như nước ở Việt Nam mình).

Trong những ngày Tết, các cô gái được ưu tiên nhận ban phúc và lì xì (ừ, dân Nepal cũng có tục lì xì vào dịp Tết). Tết cũng là dịp để phụ nữ diện những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, những bộ nữ trang cầu kỳ nhất. Nepal hơn hẳn Ấn Độ ở điểm này. Ở Ấn Độ, đâu đâu cũng chỉ thấy sari, đẹp nhưng  ngắm hoài cũng nhàm chán. Nepal thì mỗi tộc người có một kiểu trang phục, trang sức riêng không thể lẫn lộn. Vài chục dân tộc lận đấy.

Cũng như tất cả các tộc người của Nepal, người Tamang rất yêu thích âm nhạc và nhảy múa. Khi tiếng nhạc cổ truyền do các nghệ sĩ trên sân khấu vang lên qua các loa phóng thanh cỡ lớn , đám đông chật như nêm trên sân Tundikhel cũng rào rào chuyển động. Rồi tự động từng tốp từng tốp năm mười cô gái uyển chuyển lắc lư thân mình nối nhau thành một vòng tròn nhảy múa. Đám thanh niên thì hào hứng vỗ tay và hô “Hây…Hây..”  bắt nhịp cho các bước chân đang xoay vòng.

 Mình đang đi dọc theo tuyến phố chính để đến sân Tundikhel thì bắt gặp một hình ảnh hết sức lãng mạn. Một anh chàng chừng trên dưới hai mươi mặc áo thổ cẩm trắng, đầu đội mũ thêu, một tay cầm cây đàn đầu ngựa thật đẹp, tay kia khoác eo một thiếu nữ mặc trang phục cổ truyền đỏ rực. Cả hai thong dong đi giữa phố đông chẳng màng tới ai, chuyện trò ríu rít như một đôi chim non. Hình ảnh ngỡ như từ một phim giả tưởng, người xưa lạc vào tương lai. Hình ảnh ngỡ như lạc lõng vì đôi tình nhân lãng mạn kia chỉ có thể xuất hiện ở một thảo nguyên hay vùng núi đồi hoang vắng thơ mộng nào đó chứ không phải ở một nơi phố thị đông đúc của thế kỷ 21. Và cũng giống như một ảo ảnh đôi tình nhân kia tan biến vào đám đông hỗn độn ngay trước cổng vào hội xuân.Mình tìm, nhưng chẳng bao giờ gặp lại...
    Chỉ mong những phong tục cổ truyền của Himalaya đừng bao giờ biến mất như đôi tình nhân lãng mạn kia...
         Kathmandu, Mùng Hai Tết Nhâm Thìn

                Nguyễn Phú


TÓC THẮT BÍM, BỚI VÀ TRANG ĐIỂM THẬT CÔNG PHU


TRANG SỨC ĐẶC TRƯNG CỦA PHỤ NỮ TAMANG

"TẾT" LÀ DỊP ĐỂ CÁC THIẾU NỮ VẬN TRANG PHỤC CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC MÌNH MỘT CÁCH TỰ HÀO























 (Tai nạn nghề nghiệp: Tranh thủ giờ rảnh chạy tới hội xuân của người Tamang. Lụp chụp nên xách camera đi mà không kiểm tra. Chụp hàng trăm tấm hình đến chừng về nhà mới biết không có memory card, chẳng lưu lại được tấm hình nào... May mà còn vớt vát vài tấm bên cái Handycam...)