Mình đến Nepal từ vào tháng 8/2005, vào thời điểm
cuộc nội chiến giữa cộng sản Maoist và quân đội Hoàng gia Nepal lên
đến đỉnh điểm. Thế nhưng điếc không sợ súng nên chỉ 03 tháng sau là
dám liều mạng thuê một con Yamaha Enticer 125cc lượn một vòng miền
trung Nepal để...cầu nguyện hòa bình cho đất nước này.
Nên biết nước
Nepal hình chữ nhật, chỉ có phía Nam địa hình tương đối bằng phẳng
mới có một xa lộ Đông –Tây (East-West Higway) dài trên dưới 1000km là
mạch máu chính xuyên suốt đất nước. Ở khoảng chính giữa xa lộ này
có một thị trấn ngã ba là Bharatpur, từ đây mới có một con đường
Bắc-Nam vượt qua dãi Terai cao 3000m để lên Kathmandu sau đó chạy thẳng
lên biên giới với Tibet tại Khasa. Từ Bharatpur lên Kathmandu chừng 160km,
là đường dễ đi nhất từ biên giới India lên Kathmandu.
Tác giả ở cổng chào TP Pokhara trong chuyến đi bằng moto vòng quanh miền trung Nepal năm 2005 "Vì Hòa Bình cho Nepal" |
Năm 2005, mình
chạy xe moto từ Kathmandu vòng qua Gorkha thăm cố cung nơi phát tích của
triều đại phong kiến cuối cùng của Nepal (Shah)- 120km. Ngày kế từ
Gorkha đi Pokhara-120km. Ngày kế nữa từ Pokhara đổ đèo xuôi xuống Butwal
rồi đi Lumbini – 300km. Nghỉ ở đấy 1 ngày, ngày thứ tư từ Lumbini chạy
thẳng về Kathmandu theo đường vòng qua ngã Hetauda-400km. Túm lại 4
ngày chạy gần 1000km mà mới chỉ làm được một vòng ở "khúc
giữa" của Nepal thôi. Thời chiến tranh nên cứ 20 hoặc 50km là có một
trạm gác (check-point), tất cả các hành khách phải xuống xe đi bộ qua
để lính xét thân thể và hành lý xách tay, còn xe hơi các loại
thì bò qua một đoạn đường hình chữ chi sau đó lính khám xét coi có
chất nổ không. Đi xe bus từ Lumbini lên Kathmandu (360km) ngày ấy phải
mất 15-16 giờ. Còn đi moto như mình thì phải tắt máy dẫn bộ mỗi khi
gặp check-point. Kể từ ngày ấy đến nay, năm nào mình cũng có năm bảy
chuyến phóng moto từ Kathmandu xuống vùng biên giới India; thường xuyên
nhất là Kathmandu-Lumbini (350km x 2=700km). Về hai cực Đông, Tây do đặc
điểm địa lý của hệ thống đường hình chữ T ngược nên khó có thể đi
"một vòng" hoàn hảo quanh Nepal. Chỉ có thể từ Kathmandu
xuống Bharatpur rồi từ đó chọn Đông hoặc Tây mỗi chiều 600km , vị chi
là 1200km đi về; làm xong một hướng là bã cả người làm sao đi tiếp
hướng ngược lại? Cho nên suốt 8 năm mình chỉ mới đi tới Janakpur ở
hướng đông và Nepalgunj ở hướng Tây, mỗi chiều chừng 300km tính từ
Bharatpur.
Hôm rồi có 1 fan
của Cheap (bí danh này do một mẹ trên web trẻ thơ đặt cho Huyền Chip
chứ không phải mình :D) ca ngợi cô nhóc này đi xe máy vòng quanh Nepal.
Tò mò quá, mình tìm ebook Xách ba_o lên và đi để xem thử làm thế
nào Cheap đi vòng quanh Nepal bằng xe máy hầu học tập kinh nghiệm.
Cheap đã quăng bom
quá đáng khi khẳng định rằng: "lái xe vòng quanh một đất nước mà tỷ
lệ tử vong trên đường cao nhất nhì thế giới này (chỉ cạnh tranh với Việt Nam
mình)." Xin nói rõ dù đường xá ở đấy rất tệ, tài xế lái ẩu
tả nhưng số lượng tai nạn xe cộ ở đây cực kỳ thấp, một tháng trung
bình 1 vụ và có vụ nào là lên báo vụ đó (hiếm quá mà).
Cheap kể vụ cô
nàng đi "vòng quanh Nepal bằng xe máy" trong các chương
56-57-58.
Thị hiếu xe máy
ở Nepal rất khác Việt Nam. Do địa hình đồi núi, đường dốc lên dốc
xuống nên ở đây 80% là xe moto nam với côn rời( embraya/clutch), dung
tích cylinder từ 100cc trở lên vì thường là moto dành cho đàn ông (phổ biến
là 150cc nên có thím "cống chua Hanoi" trên web trẻ thơ cũng
chém gió là ở Nepal xe phân khối lớn đầy đường). Hai ba năm trở lại
đây, xe ga (scooter) bắt đầu xâm nhập thị trường Nepal nhưng chỉ có các
cô gái và phụ nữ sử dụng, còn đàn ông vẫn chuộng xe số côn rời.
Dành cho dân du lịch thì ở Thamel (khu Tây balo) có 4 điểm cho thuê xe
gắn máy giá từ 500NR tới 1500NR/ngày (5-15USD) , giá cả tùy thuộc
vào dòng xe, phân khối, độ cũ mới… Xin nói ngay và luôn: không hề có
xe gắn máy nào nhãn hiệu là Engine cả! Người thuê thường phải thế
chấp passport và nếu xe hư hỏng hay gặp tai nạn trong khi thuê thì
người thuê phải bồi thường rất nhiều tiền cho chủ xe.
Nói ngay và luôn
Cheap chẳng phải đi xe máy vòng quanh Nepal gì gì… chỉ là "đu
gió" ngồi sau một thằng Tây lái xe bạt mạng… dạng quá giang ấy
mà…
Tai nạn đầu tiên:
"Paxton vừa ra khỏi ngõ đã đâm thẳng vào cột điện. Một nửa lòng bàn tay
anh da trầy trụa, máu nhỏ từ ngón giữa tong tong. Anh lồm cồm bò dậy, mặt nhăn
nhó, tay phủi bụi ở quần, quay vào bảo lũ chúng tôi đang dừng xe xung
quanh." Trời ạ, bất cứ ai đã
từng phượt bằng xe máy thì đều biết rằng không ai có thể lái xe với
một lòng bàn tay trầy trụa máu nhỏ tong tong, nhất là cho cả một
hành trình dài. Tay đổ máu như thế làm sao cầm lái?
Chưa hết! Một
đoạn ngắn sau cô Emilies trượt đá dăm ngã sóng xoài, còn anh chàng ATN
thiếu kinh nghiệm lao đầu vào giữa hai xe tải suýt bị chẹt chết tươi.
Mình có thể đoán
cái đoạn đường ấy là từ Kalanki (cửa ngõ vành đai Ring Road của
Kathmandu) chạy về phía check-point Thankot để ra khỏi Kathmandu. Đây là
đoạn đường nguy hiểm nhất Kathmandu do quá chật (vừa đủ cho hai xe tải
lớn qua mặt nhau) nhưng mật độ xe cộ quá cao (99% xe cộ các loại từ
Terai vào Kathmandu đổ dồn cái cổ chai này). Bái phục bọn liều
mạng này luôn: "phóng xe nhanh hơn bất cứ xe nào gặp trên đường. Hai xe
tải đang đi sát cạnh nhau anh cũng sẵn sàng lạng lách phóng vượt lên trên. Dừng
xe anh không chịu dừng xe như người ta, mà mỗi khi chuẩn bị dừng, anh quay đầu
xe, bóp phanh trước để bánh sau sượt một đường dài như mình hay xem trong phim
hành động." Xe tải xe bus san sát nhau mà nhào đầu vô giữa? Không
bẹp gí giữa hai thành xe hay dưới bánh xe là may mắn lắm đấy! Mà
nếu có tai nạn xảy ra thì rất tội cho các tài xế vô tội kia sẽ bị
liên lụy vì bọn khùng điên tự sát này…
Đường đèo Thankot hẹp chỉ vừa đủ 2 chiếc xe tải. Mấy thằng Tây của Cheap hoặc là quá ngu hoặc là quá điên mới lách vào giữa 2 xe thế này trong khi đường hư hỏng thế này |
Năm 2010 và 2011 đoạn đường là phải làm lại hoàn toàn |
Rất nhiều cua như thế này |
Cua như thế ... dốc như thế ... đố ai dám chạy quá 40km/h |
Đoạn đường này ngay đầu đèo bị hỏng nặng suốt cả năm 2011 |
Và sau khi sửa chữa vào năm 2012 vẫn còn chưa tráng nhựa. Làm sao phóng 100km/h? |
Sau Thankot
check-point là một cung đường đèo hiểm trở hơn … 20km lao dốc từ 2000m
xuống 1000m. Thế mà bọn liều này lại "phóng hết tốc độ vượt qua tất
cả những xe tải, ô tô, xe máy gặp trên đường đi." Sau đó khoe với nhau
phóng được từ 105-112km/h. Chém gió! Chưa kể các góc cua tay áo mỗi
30m thì vào năm 2011 đoạn đường đang phải sửa chữa lớn (nghĩa là đào
lên làm lại hoàn toàn) suốt cả cung đường, rồi mật độ xe cộ dầy
đặc do tắc đường do các xe tải chở nặng hàng hóa lên Kathmandu hay
chết máy ở các con dốc cao. Nghe này , Bitexco hiện đang đầu tư tuyến
đường Dầu Giây – Phan Thiết dự kiến sẽ là tuyến cao tốc với bốn làn xe, nơi các lái
xe có thể chạy ở tốc độ 100 km/h. Đấy, cao tốc mà mới chỉ
100km/h thôi nhá. Cheap đừng có ngu mà cố tỏ ra nguy hiểm. Ở Nepal có
những đoạn đừơng vắng và bằng phẳng thì có thể phóng xe lên đến 80-90km/h
nhưng chắc chắn không phải là đoạn đường đèo từ Thankot đến Naubise.
Quay lại cái mà
CHEAP chém gió là "đi vòng quanh Nepal". Xem kỹ cả 3 chương
Cheap kể thì hành trình "vòng quanh Nepal" trong mấy ngày ấy
chỉ là chạy từ Kathmandu xuống thành phố Pokhara (Đà lạt của Nepal),
sau đó chạy xuống Chitwan (ngay ở ngã ba Bharatpur) tổng cộng 520km đi và về. Má ơi! Chưa
được một vòng miền trung Nepal mà quăng bom là "vòng quanh
Nepal" đúng là thánh Cheap! Mời các bạn xem qua bản đồ:
Trước tiên nói về
đoạn Kathmandu-Pokhara: Hành trình này là hành trình mà hầu hết
khách du lịch nào đến Kathmandu cũng sẽ thực hiện. Ngay cả trong thời
chiến con đường Kathmandu-Pokhara (ngoại trừ đoạn đèo Thankot) vẫn là
con đường tốt nhất và dễ đi nhất vì du lịch mang lại hơn 60% ngoại
tệ cho một nước thuộc top nghèo nhất thế giới như Nepal.
Một đoạn đường
200km mà chạy gần hai ngày mới tới thì không biết đoạn trên Cheap
chém gió là phóng hơn 100km/h có phải là Cheap đã tự vả vào mồm
của mình không nhỉ? Hơn nữa , ở chỗ đèo dốc quanh co, đường hư hỏng
đầy ổ trâu ổ voi như đèo Thankot mà phóng được hơn 100km/h thì sau thị
trấn Naubise đến Pokhara đường rất tốt thì bọn liều mạng này còn
phóng nhanh đến cỡ nào? Thế mà 2 ngày chỉ đi có 200km? Chém gió như thánh ! Cứ như là trải qua
vạn dặm đường hoang vu vậy…
Rồi còn tả cảnh
thế này: "cánh rừng với những hàng bạch dương rì rào trong gió."
Lạy Cheap, ở Nepal làm gì có rừng bạch dương? Có chăng vài hàng cây
bạch đàn thôi ạ! Chém gió cứ như Huyền Diệu quăng bom về chuyện
"hồng hạc" vậy! Không biết thì hỏi, mắc cỡ thì tự tra
google, chém gió như thế là "ngu mà tỏ ra nguy hiểm" đấy.
Rồi: "Văng
vẳng từ đâu đó xung quanh, tiếng chó sói hú vang làm chúng tôi sởn hết gai ốc."
Thôi đi má. Ở vùng Terai làm gì có chó sói (wolf)? Có chăng mấy con
chó rừng(dingo) nhỏ cỡ con chó Nhật kêu eo éo như mèo hay như con nít
khóc. Thứ này bạn nào có ngủ đêm ở Lumbini thì chắc chắn có biết.
Rồi: "Trời ạ,
hai mươi tuổi bẻ gãy sừng trâu như tôi còn thấy nặng vậy mà cụ già thế này rồi
vẫn phải ngày ngày vác củi từ dưới núi vác lên. Tôi thương cụ vô cùng."
Má ơi má, Sarangkot là núi và có rừng ở đấy, dân địa phương nếu có
kiếm củi thì từ chân núi (khu dân cư) leo lên lưng chừng núi tỏa ra thu
lượm củi rồi đi xuống núi về nhà. Làm gì có chuyện "vác củi
từ dưới núi vác lên"? Người ta nói vác củi về rừng là cái
kiểu này đây. Đúng là quăng bom vào kho xăng!
Rồi: "Buổi đêm, nằm trên bãi cỏ, ngửa
mặt lên trời, bạn có thể thấy mặt trời đỏ rực như hòn lửa ngang tầm mặt."
Trời, buổi đêm thì mặt trời ở đâu mà đỏ rực như hòn lửa ngang tầm
mặt? Chắc Cheap mệt quá nên ngủ mớ hay có thằng liều mạng nào chơi
cắc cớ soi đuốc vào mặt lúc em đang ngủ?
Rồi: "Hơi trà
ấm ấm trong tay, hơi lạnh trên núi ran rát mặt, sương đọng trên cỏ thơm nức mũi (?). Uống trà trên đỉnh Himalaya,
đời có mấy khi thú được như thế." Cheap ơi là cheap! Mới ngồi trên
Sarangkot cao có 1592 m mà em đã nổ là uống trà trên đỉnh Himalaya thì
không biết lên tới 5000m-8000m em sẽ còn nổ tới mức nào?
"Ở lại đây mấy ngày, no đủ khí trời rồi, chúng tôi lại
rong ruổi trên con ngựa sắt. Kỷ lục của Kralis đã lên đến 122km/h." Lại chém gió. Từ Pokhara muốn đến rừng
quốc gia Chitwan thì một là đổ đèo xuống Butwal rồi theo xa lộ
đông-tây chạy về Bharatpur như mình đã đi năm 2005. 360km. Chắc chắn nhóm
liều mạng này không đi đường này mà ngược từ Pokhara về Mugling
(100km) sau đó từ Mugling đổ xuống Chitwan chỉ thêm 60km nữa. Dù cho
đoạn đường từ Pokhara đến Mugling rất tốt có đoạn có thể phóng hết
tốc độ nhưng có chiếc xe máy 150cc nào có thể phóng đến 122km/h nhất
là xe thuê rất cà tàng? Rồi bọn liều mạng luôn phóng xe 100km/h tông
vào một người đi xe đạp mà người lái xe chỉ bị xây xước còn chị
Nepal bị tông thì không sao? Tin nổi không? Cứ hỏi các chú cảnh sát
giao thông lập biên bản tai nạn xem với tốc độ đó người tông và người
bị tông sẽ ra sao. Đúng là xêm xêm với vụ xe chạy 100km/h tông gãy ống
đồng ở Kathmandu! Thực ra mình nghĩ là cũng có thể tai nạn nhẹ vì
bọn này đi từ Pokhara xuống Chitwan có 160km mà chạy cả ngày 8-9
tiếng đồng hồ như thế chắc chắn chẳng bao giờ phóng lên quá 50km/h.
Mấy cái số liệu tốc độ là do Cheap ngu chẳng biết gì về xe cộ mà
lại thích quăng bom thế thôi.
"Chúng tôi đang đến gần tiến đến rừng quốc gia Chitwan,
nơi mà mới cách đây mấy tuần Asher đã lẻn vào viện bảo tàng ăn trộm một đầu lâu
tê giác chỉ để đặt lên tàu dọa khách du lịch một phen hết vía." Cái bọn
này hết ăn cắp lại ăn trộm. Mà nên biết thế này: ở Nepal hiện giờ
tê giác là con vật được bảo vệ tuyệt đối dù sống hay chết. Sở hữu
chỉ một mảnh da cũng có thể bị bắt. Thế nên hành động ăn trộm cả
một cái đầu lâu tê giác (dù cố tình hay chỉ để giỡn chơi) nặng thì
bị bỏ tù vài năm, nhẹ thì ít nhất cũng xộ khám vài ngày sau đó
trục xuất khỏi Nepal không bao giờ cho nhập cảnh lại. Mà nhất là cái
đầu lâu tê giác thường có cái sừng nên khó mà chống chế rằng hành
vi ăn trộm này là chỉ để giỡn chơi. Chuyện này, một là Cheap quăng
bom chém gió, hai là nếu có thật thì Cheap đã vô tình khuyến khích
các khách du lịch vào viện bảo tàng ăn trộm (theo giọng văn thì rõ
ràng Cheap thích thú tán thưởng hành vi ăn trộm này của Asher).
Đoạn cuối hành
trình: "Cả nhóm đoàn tụ, tinh thần chúng tôi phấn chấn hơn bao giờ hết.
Chúng tôi đi qua cánh đồng, khi đi qua vách đá, đi qua cánh rừng, đi qua con
sông, đi qua không biết bao nhiêu là ngôi đền, bao nhiêu làng mạc. Xe Paxton
càng ngày càng cà tàng, hết hỏng phanh đến lủng lốp, gần về đến Kathmandu thì
hỏng hẳn. Chúng tôi phải nhờ một xe tải đưa xe về thành phố, còn Kralis đèo
anh." Má ơi má! Từ Chitwan về lại Kathmandu có 160km thôi mà má
tả như rằng cả một hành trình ghê gớm lắm vậy. Đây là đoạn đường
thông thường nhất, bắt buộc phải đi nếu từ đồng bằng Terai lên
Kathmandu.
Túm lại trong
khoảng 1 tuần, bọn liều mạng này chạy cà rịch cà tang hết khoảng:
200km Kathmandu-Pokhara + 100km Pokhara-Mugling +60km Mugling-Chitwan+160km
Chitwan-Kathmandu = 520km. Làm sao mà có thể nổ là "đi xe máy vòng
quanh Nepal" được hả Cheap? Mà
ngồi yên sau "đu gió" theo mấy thằng Tây liều mạng mới biết
chạy xe làm sao có thể vơ vào là mình đi xe máy vòng quanh được hả
Cheap? Cao lắm thì em có thể nói rằng "mình có quá giang mấy
bạn chạy xe máy. Tụi mình thăm thú được hai địa điểm du lịch nổi
tiếng của Nepal là Pokhara và Chitwan". Thế nhé Cheap ạ!
Mời xem lại bản
đồ:
Đường màu đỏ: lượt đi từ Kathmandu tới Pokhara 200km- Đường màu xanh: đi từ Pokhara tới Chitwan 160km-Đường màu tím: lượt về từ Chitwan tới Kathmandu 160km |
Mình không rành
các nơi khác mà Cheap kể trong xách ba_o lên và đi. Riêng với Nepal thì
ít nhất những địa điểm mà Cheap kể, mình đã từng lăn lóc nhiều năm,
nhiều lần. Entry này không nhằm hạ thấp Cheap, nhưng muốn nhắn rằng
dù có đi bụi cũng hãy tự trọng đừng chém gió như thế. Ngày nay,
hầu như chỗ nào cũng có người Việt sinh sống hay đi qua. Đừng nghĩ
mình là Thánh mà muốn chém gió gì thì chém, quăng bom hay lựu đạn
gì cũng được. Đừng nghĩ mình làm chuyện xấu nhỏ là hay ho mà khoe
khoang như chiến tích, những chuyện xấu xa ấy chỉ bôi bẩn hình ảnh
người Việt trong mắt bạn bè các nước. Loại du khách liều mạng, ăn
trộm ăn cắp vặt, luồn lách lươn lẹo trốn vé thì không một quốc gia
nào hoan nghênh chào đón!
(Còn nữa)