Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 9 MAHA NAVAMI - DIỆN KIẾN LIVING GODDESS KUMARI

Kumari trong một lần ra ngoài dự lễ
  Kumari là Nữ thánh Sống duy nhất không chỉ của Nepal mà toàn thế giới. Chiêm bái Nữ thánh sống Taleju vào ngày Navami, đỉnh của các nghi thức chiêm bái thần linh, đấy mới chính là dân Kathmandu sành điệu!    
   Bước vào bên trong Kumari Ghar, tôi hồi hộp di từng bước chân. Đây là nơi mà các nhà vua trước đây và cả Tổng thống hiện nay cũng phải đến hàng năm vào dịp lễ hội Indra Jatra để nhận tika ban phúc của Kumari như là một sự chuẩn thuận từ Nữ thần hộ quốc cho sự cai trị của họ trong một năm.
 Tôi có lẽ là người ngoại quốc đầu tiên vào được căn phòng Kumari ngự và đảnh lễ Nữ Thánh Sống.
Phải mất bảy năm tôi mới thực hiện thành công kế hoạch diện kiến Kumari Kathmandu. Cái giá không phải là quá đắt! 



Hôm này là ngày thứ chín của Lễ Hội Dashain, gọi là Maha Navami – nghĩa là Ngày Thứ Chín Vĩ Đại. Các nghi lễ cúng bái Nữ thần lên đến đỉnh điểm trong ngày này.




  Từ sáng sớm hàng đoàn tín đồ Hindu đã kéo đến cúng bái tại các đền thờ của các nữ thần Dakshinkali, Guheshwari, Maitidevi, Kalikasthan, Naxal Bhagawati, Bhadrakali, Shobha Bhagawati, Bijyeshwori, Indrayani, Naradevi, Bajrabarahi, Raktakali, Bajrayogini and Sankata .Theo phong tục, các tín đồ dâng cúng lễ vật và tụng đọc kinh Durga Saptari.
Xếp hàng cả cây số để vào chiêm bái đền Taleju
Ngày này quan trọng vì Nữ thần Chamunda đã giết chết được quỷ vương Raktabji(một biến thể của huyền thoại Durga và chính Chamunda cũng là một hóa thân của Durga).
Việc hiến tế súc vật tiếp tục diễn ra trong ngày này, đặc biệt là tại các Dashain-ghar và Kot (doanh trại quân đội) và các đền miếu thờ Durga và các hóa thân của bà như Kali, Taleju. Thú vật được hiến tế lên Nữ thần Durga ngày hôm nay để mong sự bảo hộ của Nữ Thần cho xe cộ và người sử dụng chúng.Gà, vịt, dê, cừu, trâu bị chặt đầu khắp nơi để hiến tế. Người không sát sanh thì hiến tế bằng cách đập vỡ một trái dừa (tượng trưng cho đầu Quỷ Vương) , một quả trứng hay một bầu nước.
Cũng vào ngày Navami, Vishworkarma, Thần Sáng Tạo – thần của thợ thủ công và xây dựng, được các thợ thủ công, thợ máy, doanh nhân cúng bái thông qua các công cụ lao động, máy móc, vũ khí, xe cộ.
Đặc biệt trong ngày này ngôi đền Taleju Bhawami nổi tiếng trong quần thể cố cung Hanuman Dhoka của các vua Malla được mở cửa một ngày duy nhất trong năm để dân chúng vào chiêm bái Nữ thần Taleju. Đây là ngôi đền dành riêng cho vua và hoàng tộc (cả Malla và Shah-Gorkha) cúng tế Taleju, hóa thân của Durga và là thần hộ quốc của Nepal. Vị nữ thần Taleju này gắn liền với Mật Tông đặc biệt của các vua Malla và Kumari-Nữ thánh sống nổi tiếng chính là hiện thân của Nữ thần Taleju (xin có bài viết riêng về Mật Tông Malla, Nữ thánh sống Kumari và ngôi đền Taleju sau).
Dân chúng kéo vào đền Taleju để chiêm bái

Đã có kinh nghiệm nhiều năm trước và có mục tiêu đặc biệt trong năm nay nên tôi chọn buổi xế chiều để đến quần thể cố cung Malla.
 Có một quy định rất khắc khe là cấm người ngoại quốc vào bên trong các ngôi đền thiêng Hindu; chủ yếu là Tây phương mắt xanh mũi lỏ, nhưng để khỏi bị khiếu nại nên cấm luôn ngoại quốc da vàng mũi tẹt.
 Ngay từ năm đầu tiên sống ở Nepal tôi đã tìm ra cách lách qua cái quy định buồn cười này. Rất nhiều lần tôi đứng trước cổng đền và bị chặn lại, phải ấm ức quay về. Cho đến khi một anh chàng họa sĩ Nepal đùa vui tếu táo: “You look like Nepali 100% - Mày giống hệt một thằng Nepali.” Tôi nảy ra ý tưởng và áp dụng thành công cho đến bây giờ.
Bảo vệ canh gác cẩn mật cổng vào đền Taleju

  Tại sao tôi bị chặn lại? Phải chăng vì cái dáng bộ lơ ngơ, nghiêng nghiêng, ngó ngó, tay lăm lăm cái máy ảnh thấy gì cũng chụp? Cái dáng bộ ấy cách xa hàng cây số đã ngửi ra là một thằng ngoại quốc, hay khách du lịch. Chỉ cần là ngoại quốc là đủ.Có ai hỏi quốc tịch đâu?  
   Thế là tôi đóng vai một anh chàng câm (vì đâu có biết nói tiếng Nepali hay Hindi) tay bưng đĩa lễ vật ready-made mới mua của người bán rong, mắt nhìn thẳng không láo liên xung quanh,cứ đàng hoàng đi qua trạm gác và mấy anh chàng bảo vệ hách xì xằng vào thẳng trong các đền cấm. Bằng chiêu người-câm này tôi đã lọt vào tất cả các đền thiêng ở Kathmandu, kể cả Pashupatinath là ngôi đền canh giữ cẩn mật nhất bằng cả một đại đội cảnh sát dã chiến.
   Tôi đã vào cúng bái đền Taleju hầu như mỗi năm khi ngôi đền này mở cửa cho công chúng lần duy nhất trong năm vào ngày Navami, (năm nay tôi có mục tiêu khác nên đến đây vào buổi chiều). Thời điểm tốt nhất là sáng tinh mơ, chừng 5 giờ, giờ chỉ có tín đồ ngoan đạo mới đi trong sương lạnh vào cúng sớm. Giờ này thì mấy anh chàng trật tự mới khởi động nên cũng không gay gắt lắm, cái gì cũng cho qua. Vả lại họ sẽ không đề phòng khách du lịch hay người nước ngoài chịu khó dậy sớm chen lẫn vào đền. Tôi cứ câm nín lẳng lặng đến xếp hàng vào đoàn người rồng rắn di chuyển từng bước một theo cạnh tường ngôi đền để lọt qua cổng đền. Sau đó leo từng bậc thang đá lên ba tầng cấu trúc như Kim tự tháp Nam Mỹ. Cuối cùng đến được ngôi đền hoàn mỹ trên đỉnh. Cũng chỉ có một cửa phía Bắc mở ra cho dân chúng, ba phía còn lại vẫn đóng kín. Mỗi người chỉ có chưa đến 1 phút để liếc qua cái khám thờ nhỏ ngăn riêng ra cho dân chúng ở giữa là cái bệ thờ phủ vải đỏ trên đó đặt một mặt nạ cổ bằng đồng chân dung của Taleju, cùng với bình nước thánh. Tín đồ đứng ngoài bệ cửa dâng lễ vật qua tay mấy ông Brahmin và hướng về bàn thờ khấn vái, rồi phải dời đi ngay lấy chỗ cho người kế tiếp.
  Sau khi cúng bái Taleju, mọi người lại phải xếp hàng đi qua cửa hông thông với cố cung, xuyên qua các hành lanh của các cung để ra ngoài thông qua cổng chính của hoàng cung là Hanuman Dhoka (Cổng Thần Khỉ).
  Lối ra này có đi xuyên qua một cung gọi là Mul Chok. Đấy một cung điện kiến trúc theo lối Newar (văn hóa của cư dân gốc Newari của Thung Lũng Kathmandu) với bốn dãy nhà bao quanh một cái sân hình vuông 12x12m lát đá. Đấy là nơi hiến tế Taleju vào nửa đêm giữa Ashtami và Navami. 54 con trâu và 54 con dê đã bị chặt đầu tại đây vào đêm này hàng năm. Đầu và thân của chúng đã được mang đi trước khi tín đồ đầu tiên vào cổng đền Taleju. Bột mùn cưa thấm đẫm máu của chúng tạo thành một thứ bùn đặc nâu sẫm trên khoảnh sân lát đá. Máu bắn cả lên các bức tường. Tôi bước chậm lại, miệng lầm rầm niệm chú đại bi cầu nguyện cho vong hồn của chúng sớm được siêu sinh.
   Cái cung điện Mul Chow này cũng chính là nơi diễn ra nghi lễ bí mật cuối cùng để lựa chọn một Kumari mới. Cô bé gái bị đặt ngồi một mình trong căn phòng tối nhìn ra khoảnh sân ngập máu giữa hàng trăm chiếc đầu mắt mở trừng trừng của đàn súc vật vừa bị hiến tế. Nếu cô không sợ hãi, bình thản ngồi trong im lặng chết chóc đó cho đến khi các thầy tư tế hoàng gia hoàn thành buổi cầu nguyện bên đền Taleju quay trở lại, cô đã vượt qua cái test cuối cùng để trở thành Kumari, hiện thân sống của Taleju-Durga, Nữ thánh sống bảo hộ cho Thung lũng Kathmandu.
   Thế nên, với dân Kathmandu chính gốc, đến chiêm bái Nữ thánh Taleju sống, Kumari, mới chính là tột đỉnh của các nghi thức cầu nguyện nữ thần trong ngày Navami cũng như như suốt mùa Dashain.
   Kumari Ghar thì nằm ngay quảng trường hoàng cung, cách đền Taleju khoảng hơn trăm mét. Đây là một kiến trúc cổ Newari nửa chùa nửa nhà ba tầng. Rất nổi tiếng đối với du khách ngoại quốc như là Cung điện của Kumari. Hàng ngày, lối 4 giờ du khách ngoại quốc chen chúc trong cái sân bên dưới ngóng cổ nhìn lên khung cửa sổ 3 phần liên hoàn để thấy Kumari ló mặt ra nhìn xuống trong vài giây rồi biến mất. Nghiêm cấm chụp hình, và quy định này được giữ rất ngặt nghèo bởi mấy anh chàng bảo vệ Kumari Ghar đứng lẫn với du khách. Thoáng thấy cái bóng đỏ của Kumari rồi thì đám du khách đành phải tiu nghỉu ra về.
Xếp hàng vào bên trong chiêm bái Kumari -Cái biển đỏ viết "NO ENTRANCE FOR FOREIGNERS", anh chàng bảo vệ chỉ cho mỗi lượt 5 người vào sau khi có 5 người ra

   Tôi đến Kumari Ghar cũng tầm 4 giờ chiều. Cũng lẳng lặng xếp vào hàng dăm chục người rồng rắn đi vào bên trong. Phía bên tường của hoàng cung đoàn người xếp hàng vào đền Taleju kéo dài cả cây số cho đến tận ngoài đường New Road. Tôi ung dung lần bước trong đoàn người địa phương men theo hành lang để vào cái cửa nhỏ thấp, trong khi bên dưới sân thì đám du khách như mọi hôm chen chúc nhau vô vọng ngóng lên cái cửa sổ nổi tiếng nhất Nepal mà không biết rằng hôm nay Kumari bận ban phúc cho mọi người nên không đến bên cửa sổ. Còn cách ba mét tới cái cửa vào thì tôi suýt bị lộ. Lần đầu tiên từ khi sử dụng mánh người câm này. Một người đàn ông to lớn bệ vệ từ trong Kumari Ghar lách người bước qua cửa để ra sân sau khi chiêm bái Kumari. Ông xoay người, nhận ra tôi và kêu lớn mừng rỡ : “Oh, Mr. Phu.” Giọng nói vang vọng của ông làm ai cũng quay lại nhìn. Tôi tỉnh như không giả vờ quay nhìn mấy người phía sau mình rồi quay lại đặt một ngón tay lên môi ra vẻ như bảo ông giữ im lặng (thực ra là ra hiệu cho ông giữ bí mật). Ông ớ người và chợt hiểu, lắc lắc đầu giả vờ như nhìn nhầm người rồi quay người băng qua sân đến cánh bên kia tòa nhà nhìn sang.  Ông cười vui vẻ và vẫy vẫy tay chào trước khi rời đi cùng gia đình. Đó là ông Rajesh Kazi Shrestha người Newar chính gốc, cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nepal. Ông hiểu ngay là tôi phải giữ bí mật mà lén vào chiêm bái Kumari. Có vẻ ông rất vui vì tôi đã thực hành nghi thức chiêm bái Kumari vào ngày này (tôi có điện cho ông sau khi rời Kumari Ghar, ông còn ngạc nhiên sao tôi lại biết được bí mật này của dân Kathmandu). Kumari là Nữ thánh Sống duy nhất không chỉ của Nepal mà toàn thế giới. Chiêm bái Nữ thánh sống Taleju vào ngày Navami, đỉnh của các nghi thức chiêm bái thần linh, đấy mới chính là dân Kathmandu sành điệu!    
   Bước vào bên trong Kumari Ghar, tôi hồi hộp di từng bước chân. Đây là nơi mà các nhà vua trước đây và cả Tổng thống hiện nay cũng phải đến hàng năm vào dịp lễ hội Indra Jatra để nhận tika ban phúc của Kumari như là một sự chuẩn thuận từ Nữ thần hộ quốc cho sự cai trị của họ trong một năm.
  
Leo lên hết hai cầu thang bằng gỗ khá dốc để đến tầng thứ ba, tôi thấy Kumari ngồi trên mấy cái gối đỏ dầy giữa căn-phòng-có-ba-khung-cửa-sổ-liên-hoàn. Kumari hiện tại tên là Matina Shakya thuộc họ Thích ca, mới 8 tuổi, lên ngôi từ mùa Dashain 2008. Kumari mặc toàn đỏ, ngồi duỗi dài hai chân ra phía trước, hai bàn chân cũng nhuộm phẩm màu đỏ rực. Cổ cô đeo một dây chuyền bạc to như dây xích với hai tayo (mặt dây chuyền hình thoi- thánh vật Tantric) và một trang sức hình con rắn khảm ngọc đỏ. Kumari mở to đôi mắt vốn rất to kẻ viền đen, đuôi mắt vẽ kéo dài xếch lên màng tang. Trán cô vẽ một vầng đỏ viền vàng hình trăng lưỡi liềm úp ngược. Chính giữa trán gắn một con mắt thứ ba bằng vàng. Tóc cô bới cao, cột túm lên trên với hoa màu đỏ. Lần lượt từng người quỳ xuống trước mặt Kumari cầu khấn rồi vinh dự chạm trán vào hai bàn chân để trần của Nữ thánh Sống. 
Căn phòng với ba cửa sổ liên hoàn này là nơi Kumari ngự để ban phúc cho mọi người

  Được chiêm bái Kumari-Living Goddess, một Royal Kumari của Kathmandu.  
  Thế là mơ ước của tôi đã thành sự thực. Tôi đã được chiêm bái tất cả các Kumari quan trọng của Thung lũng Kathmandu. Từ Cha Bahil, nơi khởi nguồn cho tập tục Kumari cho đến Kumari Patan – cựu Royal Kumari cho đến khi hoàng cung Malla dời sang Kathmandu. Kể cả Bhaktapur, nơi tập tục thờ phượng Kumari bắt đầu trễ nhất (800 năm trước). Trong số các Kumari quan trọng của Cha Bahil, Patan, Bhaktapur, Kathmandu thì diện kiến Kumari của Kathmandu là khó nhất. Đây là Royal Kumari của Nepal hiện nay, người nắm giữ bí mật Tantric của Nepal, sống trong Kumari Ghar dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của Chính Phủ .Tôi có lẽ là người ngoại quốc đầu tiên vào được căn phòng Kumari ngự và đảnh lễ Nữ Thánh Sống.
  Phải mất bảy năm tôi mới thực hiện thành công kế hoạch diện kiến Kumari Kathmandu. Cái giá không phải là quá đắt!     

Hắn dứng bên dưới căn phòng của Kumari - giống hệt một gã Kathmanduist

    Ngày mai sẽ có một cuộc phiêu lưu thú vị khác: nhận tika từ Tổng thống Nepal, xin mời đón xem!