Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

CẶP ĐÔI HOÀN HẢO CỦA THẦN THOẠI ẤN ĐỘ



THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY : BÀI 2

LỜI DẪN: Jade là một chuyên gia về Trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence) từ Singapore đến Nepal để nghiên cứu các văn bản cổ đại ở đây. Cô được Lasta, nữ sĩ quan tình báo Nepal dưới vỏ bọc một Chuyên viên Quan hệ công chúng của một tập đoàn lớn, hướng dẫn thăm viếng các di tích cổ của Nepal... 
CHƯƠNG 16

      Lasta chỉ một cái đền nhỏ, “Đấy là Đền Shiva-Parvati.” Cô dắt tay Jade đi đến ngôi đền ấy.
  Trên các vì kèo và tường của ngôi đền này trang trí các bức chạm gỗ gợi tình (Erotic scenes), mô tả các lạc thú của tình yêu. Jade thẹn đỏ mặt khi nhìn thấy các hình ảnh ấy. Cô nghĩ thầm – “Sao họ có thể làm như thế? Trang trí một nơi thờ phượng tôn nghiêm với các cảnh từ Kama Sutra… Không thể tưởng tượng được!”
Đền Shiva-Parvati trong khuôn viên quần thể khu đền Pashupati thiêng liêng nhất của Hindu Nepal

 
Các hình chạm khắc gợi tình (erotic) của đền Shiva-Parvati

Xin bấm vào hình để phóng to lên




   Như hiểu ý Jade, Lasta liền giải thích, “Đừng hiểu nhầm, cô bạn của tôi ơi. Những bức điêu khắc gỗ này không làm ô uế ngôi đền này đâu. Chúng là những kiệt tác tôn vinh những tình nhân vĩ đại của loài người, những vị thần Sáng Tạo và Hủy Diệt của vũ trụ, Shiva và Parvati. Chúng không phải là những hình ảnh “con heo” 3D đâu, mà chính là những biểu tượng của sự hợp nhất các yếu tố Âm và Dương trong vũ trụ theo Mật tông Hindu. Chúng chỉ xuất hiện ở những ngôi đền của, hoặc liên quan đến Shiva và Parvati-Những vị thần của sự sáng tạo và hủy diệt, yêu thương và hy sinh. Những bức chạm khắc này mô tả triết lý của Vòng Sinh-Tử vô cùng tận.”

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

HOLI FESTIVAL 2013 IN KATHMANDU

Mời các bạn xem tiếp bài viết chi tiết về lễ hội Holi vào ngày mai.

MỜI XEM THÊM CÁC LỄ HỘI HOLI CÁC NĂM TRƯỚC:


Holi Hai! Mấy chú nhóc này xịt nước pha màu vào người bạn


Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

YẾU TỐ ÂM DƯƠNG TRONG MẬT TÔNG HIMALAYA


THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY : BÀI 1

LỜI DẪN: xin trích dịch lại đây vài đoạn trong bản thảo cuốn sách mà mình sắp xuất bản. Sách viết bằng tiếng Anh nên phải dịch lại he he... vì thế giọng văn chắc chắn là không thuần Việt rồi, mong các bạn thông cảm!

Tạm đặt tên cho đoạn này: YẾU TỐ ÂM DƯƠNG TRONG MẬT TÔNG HIMALAYA
 (trong sách đây là chương Ba, không có tên)

CHƯƠNG BA

 
Raj đưa cho Don mảnh giấy mà ông vừa vẽ trên đó, “Cậu có biết cái này là cái gì không?”
Don nhìn lướt qua tờ giấy, trên đó có một hình vẽ ngôi sao sáu cánh
 “Đừng nói với tôi đó là Ngôi sao David mà Dan Brown đã đề cập trong quyển Mật mã Da Vinci nha…” Don cười. Nhưng khi thấy vẻ mặt nghiêm túc của Raj, anh vội vàng nói, “Xin lỗi! Tôi nói đùa…”
  Raj gật đầu, “Không sao. Đấy thực sự là Ngôi sao David, biểu tượng của Do thái giáo và cộng đồng Do thái. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng bởi đạo Hồi, Thiên chúa giáo và các tôn giáo Đông phương khác. Trong đạo Hồi, nó được gọi là Khatem Sulayman-Con dấu của Solomon và Najmat Dawuud-Ngôi sao David. Rất nhiều thánh đường Hồi giáo trang trí ngôi sao sáu cánh này. Anh cũng đã biết rằng, Thiên chúa giáo cũng thờ phụng ngôi sao này.”
   Ông hoàng Nepal ngừng lại, nhấp một ngụm trà xanh, đoạn tiếp tục với một giọng nói chậm rãi, rõ ràng, “Tuy nhiên, ở Lục địa India, trước khi trở thành ngôi sao sáu cánh, biểu tượng này được sắp xếp như là hai tam giác chạm vào nhau như thế này…” Raj vẽ một hình khác:  “”.



  “Biểu tượng này được tìm thấy trên những lá bùa ở Mohenjo-daro trong cuộc khai quật năm 1920. Trên thực tế, anh đã trông thấy nó trong hình thức thực nếu anh đã từng thăm viếng một ngôi đền Shiva.” Raj mỉm cười.
   “Tôi…” Don ngơ ngác nhìn ông già.
“Linga và Jalari” Raj nhắc.
“Jalari? Bác muốn nói cái bầu đựng nước phía trên mỗi linga?”

“Chính xác! Chúng – Linga và Jalari- chính là hình thức nguyên thủy của các tam giác ngược chiều nhau. Trong Mật tông, chúng chuyển hóa thành muôn hình vạn trạng các sự phối hợp giữa hai tam giác ngược chiều nhau. Như vậy, hơn ba ngàn năm trước, nền văn minh của Thung lũng Indus đã tôn thờ hai tam giác ngược chiều nhau.”

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

VỀ VỚI NGƯỜI THARU

NGÀY 1: dự trù mãi đến khi kết thúc chuyến đi mới post bài vì phải đi vào các làng Tharu hẻo lánh, không có net. Nhưng đi được 400km đến Butwal thì hết xăng nên phải ở lại đây một đêm. May KS có net nên tranh thủ xài ké post vài hình đã chụp bữa nay.

Kế hoạch là khởi hành sớm nhưng hôm nay các đảng chính trị người Madeshi bandha nên mãi tới 8 giờ mới xuất phát được. Kinh nghiệm ở các nước Nam Á là khi có bandha các bạn đừng nên ra đường sớm dù bọn tổ chức nào cũng nói là cho phép xe của phóng viên, khách du lịch nước ngoài, cấp cứu lưu thông. Đừng tin! Sáng nay một chiếc xe của đài truyền hình đi làm tin buổi sáng đã bị tấn công. Vì thế mà dù xe mình có dán "bùa" PRESS phía trước mình vẫn phải chờ vài tiếng đồng hồ cho mấy cái đầu của bọn tiểu yêu nguội bớt.

Chúa nhật này (10/03/2013) là đại lễ hội quan trọng nhất trong năm của Shaivism (một tông của Hindu giáo tôn thờ thần Shiva; tông còn lại là Vaishnavism thờ thần Vishnu). Từ mấy ngày nay, các SADHU (ông đạo Hindu) từ khắp nơi ở Nepal và India lũ lượt kéo về Pashupatinath-ngôi đền thiêng nhất của Hindu ở Kathmandu để tham dự lễ hội này.

Mình thích cái con gấu bông xinh xắn sau lưng tay cua-rơ này!

Mùa này là mùa đẹp để du lịch ở Nepal và Bắc India. Trời mát và không còn sương mù che phủ cả ngày như 2 tháng trước. Đôi vợ chồng người Pháp này đang đạp xe từ Kathmandu về Lumbini

Cơ ngơi của Binod Kumar Chaudary, tỷ phú đầu tiên của Nepal vừa mới lọt vào danh sách của Forbes năm nay. Chaudary là họ phổ thông của người Tharu. Cụm tượng hoành tráng bằng đồng này mô tả tích thần Krishna đánh xe chở Arjun ra trận, một tích trong sử thi Mahabharata của India. Tộc người nghèo nhất Nepal sản sinh ra người giàu nhất Nepal... hi hi có khối chuyện để chém gió đây...