NP: ʺ Hãy đi đi và hãy trở về, như những con
chim, biết tha những cọng cỏ khô làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mìnhʺ (TVK)
Đây là câu dặn dò các học trò của Trương Vĩnh Ký khi họ lên đường du học, một kim chỉ nam cho bất cứ học trò nào vào thời hiện tại.
Trương Vĩnh Ký là thần tượng không bao giờ phai nhạt của tôi.
Xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Vy Khanh trên Nghiên cứu Lịch Sử tháng 08/2015:
______________
Trương Vĩnh Ký và chuyến Âu‐du 1863‐1864
Nguyễn Vy Khanh
Sau khi ba tỉnh miền Đông mất vào tay
người Pháp (Hiệp ước Bonard 5‐6‐ 1862, vua Tự Đức ký 16‐4‐1863), vua
Tự Đức đã gởi sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình xin chuộc lại
các tỉnh đó. Phái đoàn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ (‘Như Tây chánh
sứ’), Phạm Phú Thứ phó‐sứ và Ngụy Khắc Đản bồi‐sứ, tổng cộng 65
người. Phái đoàn rời kinh thành Huế ngày 27‐6‐1863 trên chiếc tàu Echo
và chính thức rời Sài‐Gòn ngày 4‐7 trên tàu chiến Européen (thuyền
trưởng là Henri Rieunier), chuyến hải‐hành đi qua Tân‐ gia‐ba, Sumatra,
Tích‐lan, Aden, Ai‐cập, Jérusalem, La‐mã, đảo Corse. Khi đến kinh
Suez ngày 17‐8, lúc bấy giờ kinh chưa đào, phái đoàn đổi sang đi xe lửa
từ Suez đến Alexandrie, được cựu phó vương Ismaïl‐Pacha
tiếp đón, ở lại Ai‐cập đến cuối tháng 8‐1863 đổi sang tàu Labrador để
đi Toulon. Ngày 13‐9‐1863, tàu đến Paris sau khi ghé Toulon và
Marseille. Sau gần hai tháng chờ đợi, ngày 5‐11‐1863, phái đoàn mới
được vào triều kiến Pháp hoàng Napoléon III ở điện Tuileries. Từ 10‐11
đến 22‐11‐1863 sứ bộ đến Tây‐ban‐nha thương thảo (Palanca đồng ký
Hiệp ước 1862) rồi lên đường về, ghé Ý‐đại‐lợi. Ngày 2‐12‐1863, Trương
Vĩnh Ký yết kiến Giáo hoàng Pio IX ở Roma. Ngày 18‐3‐1864 phái đoàn
về tới Saigon và ngày 28‐3 đến kinh‐đô Huế. Chuyến đi được xem
như thất bại vì vua Napoléon III và chính phủ Pháp đã không hứa hẹn gì
về việc xét lại hiệp ước! Tháng Tư 1864, triều đình Pháp muốn bỏ rơi
Cochinchine, chính Henri Rieunier đứng đầu nhóm thuyết phục nhà vua
giữ lại (ký bút hiệu H. Abel xuất bản 2 tập La Question de Cochinchine
au Point de vue des intérêts français và Solution pratique de la
Question de Cochinchine ou Fondation de la politique française dans
lʹExtrême‐Orient).Về chuyến Âu‐du này, chánh‐sứ Phan Thanh Giản đã có một số bài thơ trong tập Lương Khê Thi Thảo. Phó‐sứ Phạm Phú Thứ khi trở về đến kinh thành Huế đã dâng lên vua Tự Đức tập Như Tây Sứ Trình Nhật Ký (còn được ghi là Giá Viên Biệt Lục, Tây Hành Nhật Ký và Tây Phù Nhật Ký). Phạm Phú Thứ viết tập Nhật Ký ghi chép việc từng ngày trong chuyến công du, Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản duyệt lại (1). Ông còn là tác‐giả tập thơ Tây Phù Thi Thảo liên hệ đến chuyến đi này.
Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản theo lời yêu cầu của chánh‐sứ họ Phan (2) và có viết một bài về chuyến đi bằng tiếng Tây‐ban‐nha ‐ ʺAlguna reflexions de su viaje por Europaʺ, một bài tiếng Pháp đăng trên tạp chí Paris (Novembre 1863) và theo tương truyền ông còn viết Nhựt trình đi sứ Lang‐sa (1863). Khoảng thời gian đó, một số tạp chí bác học Âu‐châu đã đăng bài của ông như Bulletin de la Société de géographie (1863) (3). Ông cũng được cử làm hội viên của Hội chuyên khảo về Con Người (Société dʹethnographie de Paris), và Hội chuyên học á‐châu (Société asiatique). Năm 1873, Trương Vĩnh Ký đại diện cho Việt‐Nam và là thành viên ban tổ chức Hội nghị quốc tế đầu tiên về Đông phương học (Congrès international des orientalistes) gồm 33 nước tham dự. Đến năm 1889, nhân Hội chợ quốc tế (Expo) tại Paris, Trương Vĩnh Ký lại đại diện Việt‐ Nam dự Hội nghị quốc tế về dân tộc học (Congrès international des sciences ethnographiques).