Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

LÁ THƯ NEPAL

   Hôm nay rảnh, định mở chủ đề mới lấy tên là "Lá thư Nepal" nên lục lại các bài viết cũ đã gần 3 năm trước. Các bài này tham gia cùng anh Hữu Thiện (bậc đàn anh đáng trọng, đáng quý nhất của tôi) trên Lucky Luke FC. Nhận thấy vẫn còn phù hợp và các bài này có một "giọng điệu" hay hay, có thể thích hợp cho những Lá thư Nepal sắp tới để truyền tải văn hóa, phong tục, cuộc sống, con người Nepal đến bạn đọc nên mình mạn phép lấy lại các bài này làm entry mở hàng. Bài khá dài (vì tổng hợp của 4 bài đã đăng trên Lucky Luke FC, xin mời lướt qua nội dung! NP

***************

LÁ THƯ NEPAL 1-2-3-4

   Đây là các bài đã đăng trên mục FC Dzui  tại LuckyLuke FC.com (các bài này được biên tập bởi Nhà báo Hữu Thiện) 

Lá thư Nepal: Nơi đây có… “cao bồi” thứ thiệt ở châu Á!


Hình như  chỉ ở Nepal là còn có “cao bồi” thứ thiệt của châu Á, ngay cả ở thế kỷ XXI này. Cỡi ngựa lang thang theo họ trên cao nguyên Mustang sẽ biến giấc mơ tuổi nhỏ, dệt từ những trang Lucky Luke, có ngày sẽ thành sự thật…

Kathmandu, ngày 28/2/2011,
Anh chủ nhiệm rất thân mến,
Cái website Lucky Luke của anh quá tuyệt!
Tôi mê anh chàng cao bồi này từ nhỏ, và hình như nhiễm máu “cao bồi giang hồ” từ bộ truyện tranh này.
Dù là truyện cao bồi nhưng không có máu me, không có chết chóc! Mọi chuyện rồi sẽ kết thúc có hậu như ước mơ bao đời của mọi người”. Đó là một đặc điểm trong bộ Lucky Luke mà tôi rất “kết”.
Nhân vật tôi mê lại là chú ngựa Jolly Jumper độc đáo. Dịp Tết vừa rồi về Pokhara, tôi ngụ tại một nông trại thật dễ thương của một gia đình nọ ở địa phương. Trại này đang nuôi tám con ngựa. Dù nghèo nhưng họ lại cưu mang hơn mười trẻ mồ côi trong vùng, có em nay đã vào đại học.
Ở đây hơn mười ngày, ký ức tuổi thơ hiện về: nhớ trang trại ngày xưa của ba tôi, với cuộc sống bình lặng của thôn quê chân chất, với thiên nhiên hiền hoà, hồ nước đẹp như tranh vẽ, rừng thông tĩnh mịch,… Và vì vậy, hình như đang sống lại cái ước mơ hồi nhỏ vẫn mơ được cỡi ngựa lang thang như các chàng cao bồi.
Dịp may bất ngờ đến: mục dân Mustang mang ngựa từ cao nguyên Mustang xuống Pokhara đế tránh rét và bán. Vậy là tôi mua một con ngựa Mustang trắng, giống ngựa thuần chủng nổi tiếng của cao nguyên Mustang ở Nepal. Chú ngựa này mới ba tuổi, giá chỉ 2.000USD. Tôi gọi chú là Arun (tên thần gió trong thần thoại Ấn Độ, mà dịch nôm theo tiếng Anh bồi là Anh chàng chạy (run) nhanh…). Rồi tôi gởi Arun lại, nhờ gia đình Gautam chăm sóc. Tiền thu được từ việc cho du khách thuê (20USD/giờ) sẽ chi phí cho chính cuộc sống của Arun, một phần dùng vào việc bảo trợ trẻ mồ côi ở địa phương. Còn khi nào có thời gian về Pokhara, tôi sẽ có ngựa cỡi. Vậy là một công, ba-bốn việc. Khoái nhất là sở hữu một con ngựa trắng thuần chủng (việc mà ngay cả cao bồi thứ thiệt ở Viễn Tây ngày xưa cũng khó có cơ hội… hì hì). Thế nào rồi tôi cũng sẽ cỡi ngựa lang thang trên rừng núi vùng Himalaya, giữa những cánh rừng rực rỡ hoa đỗ quyên,…

Tác giả Nguyễn Phú bên chú ngựa Arun của mình.
Lại ước mơ tiếp: thế nào cũng sẽ có dịp theo những đoàn “cao bồi” thứ thiệt của thế kỷ XXI (mục dân Mustang nuôi ngựa, trâu yak, hàng năm mang những đoàn hàng trăm con ngựa giống, hoặc dắt hàng đoàn trâu yak thồ muối từ những hồ nước mặn trên cao nguyên, mang xuống bán ở miền xuôi). Lang thang lên cao nguyên Mustang 4.000m trên mực nước biển – giấc mơ tuổi nhỏ dệt từ những trang Lucky Luke chắc chắn sẽ có ngày thành sự thật…