BÀI NÀY ĐÃ ĐĂNG TRÊN
NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ
NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ
SỐ 195 - THÁNG 6/2012
PHẦN 2
III - NHỮNG GHI
NHẬN TRONG LỊCH SỬ VỀ BẢO THÁP RAMGRAM
Sau
khi xây dựng bảo tháp thờ phượng Xá-lợi Phật Thích-ca, Ramgram trở
thành trung tâm hành hương và chiêm bái của toàn cõi Diêm-Phù-Đề (Ấn
Độ).
Như đã
trình bày trong Phần 1 của bài này, chuyến viếng thăm Bảo tháp
Ramagrama nhằm thu thập xá-lợi của Đại đế Ashoka đã được ghi nhận
bởi hầu hết các sử liệu cổ đại. Đồng thời các sử liệu cũng ghi
nhận một trong những Phật sự lớn lao của Asoka là xây dựng 84,000 bảo
tháp. Trong số các bảo tháp đó, bảo tháp Sanchi tại bang Madhya
Pradesh trung tâm lục địa Ấn Độ đã vượt qua sự khắc nghiệt của thời
gian tồn tại cho đến ngày nay. Theo các nghiên cứu khoa học, bảo tháp
Sanchi được xây dựng bởi chính Asoka vào thế kỷ thứ 3 trước Công
Nguyên [chúng tôi sẽ có bài riêng về bảo tháp này trong loạt bài về
Asoka]. Vào thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên, bốn cổng bằng đá chạm khắc
tinh xảo được thêm vào cấu trúc của bảo tháp Sanchi. Thật may mắn cho
tôi, khi nghiên cứu thực địa tại bảo tháp Sanchi đã tìm thấy tại đấy
một phù điêu mô tả bảo tháp Ramagrama. Duyên lành! Thế là chúng ta có
được một chứng cứ lịch sử bằng hình ảnh đã hai ngàn năm tuổi về
hình dáng của bảo tháp Ramagrama. Phù điêu này (ở cách xa Ramagrama trên
2,000km) đã chứng tỏ địa vị và sự nổi tiếng của Ramagrama trong lịch
sử Phật giáo cổ đại. Phù điêu này chính là một sử liệu độc đáo
và vô giá về sự tồn tại của bảo tháp Ramagrama.
(Xin bấm vào hình để phóng to lên) |
Hình: Bảo
tháp Ramagrama trên phù điêu tại Sanchi – Ấn Độ.
Nguồn
sử liệu khác đề cập đến Ramagrama đến từ các nhà chiêm bái Trung
Hoa. Trong Phật Quốc Ký của Ngài Pháp Hiển vào thế kỷ thứ 4 sau Công
Nguyên và Tây Du Ký của Ngài Huyền Trang thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên
đều có đề cập đến Ramagrama. Chúng ta hãy đọc lại các hồi ký này:
Phật Quốc Ký – Pháp Hiển, Chương 23:
Rama [grama] và bảo tháp của nó.
Phía Đông của nơi Đức Phật đản sinh [Lumbini]
ở khoảng cách 5 do-tuần có một vương quốc gọi là Rama. Vua của nước
này đã được chia một phần xá-lợi Phật, mang về nước an trí và xây
một bảo tháp bên trên, đặt tên là Bảo tháp Rama. Bên cạnh bảo tháp
có một cái hồ, trong hồ có một vua rồng thường xuyên canh giữ bảo
tháp và cúng dường xá-lợi cả ngày lẫn đêm.
Tây Du Ký – Huyền Trang, Quyển
thứ sáu, Phần 3:
3) Nước Lam Ma (Rama) bây giờ đã
hoang phế không còn dấu vết gì, thành ấp đã đổ nát xiêu vẹo, người dân thưa thớt.
Thành xưa ở phía đông nam có một Bảo Tháp lợp ngói cao gần 100 chi [Chi
= gang tay, 100 gang tay vào khoảng 20m –
chú thích của NP].
Sau
Ngài Huyền Trang không có thêm bất kỳ ghi nhận nào về Ramagrama. Lịch
sử và nơi tọa lạc của Ramgram bị rơi vào quên lãng.
IV – TÁI KHÁM PHÁ
BẢO THÁP RAMAGRAMA
Hơn 1000 năm
trôi qua, vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19, trong cơn sốt nhằm
tái khám phá các Phật tích ở Ấn Độ của những nhà nghiên cứu lịch
sử, các “nhà khảo cổ” – thực chất là những kẻ cướp lăng mộ Tomb
Raider, những kẻ hám danh muốn ghi tên vào lịch sử bằng những phát hiện
chấn động… các “nhà khảo cổ” chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp
của Anh sau khi càn quét Ấn Độ đã bắt đầu lấn bước sang biên giới Nepal.
Tại
Nepal, vào thời điểm ấy có một dòng họ quý tộc nắm hết quyền bính
vượt cả quyền vua – dòng họ Jung Bahadur Shumsher Rana, gọi tắt là
Rana. Họ tộc này thực hiện liên tiếp những vụ thảm sát đẫm máu
trong cung đình hoàng gia Nepal để chiếm giữ quyền lực thực sự qua
danh vị Thủ tướng truyền đời biến nhà vua thành kẻ bù nhìn trong
suốt 100 năm.
Giai
đoạn hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, do tranh đoạt quyền bính trong
gia đình, Tướng Khadga Shumsher Rana bị em ruột mình đày đi làm Phó vương
Tansen-Palpa cai quản vùng Tarai vốn là vùng rừng thiêng nước độc vào
thời điểm ấy.
Khadga
Shumsher Rana là một người có tài lại rất quyết tâm hấp thụ văn hóa
Tây phương, nhất là Anh Quốc, có thể coi như người có học vấn Tây
phương tốt nhất Nepal lúc ấy. Tiếp xúc, giao du rộng rãi với giới
chính trị và học giả của thực dân Anh tại Ấn Độ, ông ta có tham
vọng trở thành người đứng đầu Nepal trên mọi lĩnh vực một ngày nào
đó. Khi cơn sốt khảo cổ Phật giáo cổ đại bùng lên khắp Ấn Độ,
tướng Khadga cũng chớp lấy thời cơ, mong gắn tên mình vào một sự
kiện chấn động thế giới nhằm đánh bóng tên tuổi, chuẩn bị cho cuộc
mưu bá đồ vương ở Nepal. Chính ông chứ không phải Tiến sĩ Fourer là
người tái khám phá Lumbini và tìm ra cột đá Asoka ở đấy [Xin có một
bài viết riêng về scandal này sau]. Khadga cũng chính là người tìm ra
hai trụ đá Asoka khác ở quê hương Đức Phật Thích Ca tại Gotihawa và
Tilaurakot.
Tháng
Hai 1889, tướng Khadga mời hai nhà khảo cổ của chính phủ Anh Quốc thuộc
địa tại Ấn Độ đến thăm một khu vực khảo cổ mới mà ông ta đang khai
quật. Nhận lời mời, ngày 11/02/1889 Tiến sĩ Hoey và Bác sĩ Waddell
tháp tùng Tướng Khadga Shumsher Rana từ Lumbini đi về hướng Đông Bắc
đến làng Saina-Maina (ngày nay đặt tên lại là Devadaha), 56km về phía
Đông Bắc Lumbini. Tướng Khadga đã tìm thấy 1 tượng Phật nhỏ và một
pho tượng phụ nữ đang cho con bú tại khu vực này, làm cho ông ta tin
rằng ông đã tìm ra Devadaha, thành phố thủ đô của người Kolya, nơi
Hoàng hậu Maya Devi nằm mơ thấy một con voi trắng nhập thai vào bụng
bà và cũng là nơi Thái tử Siddhartha đã trải qua những tuần đầu tiên
tại nhà ông ngoại là Vua Suprabuddha.
Tiến sĩ Hoey đồng ý với lý thuyết của
Tướng Khadga rằng con sông chảy ở phía Tây làng Saina-Maina chính là
con sông cổ đại Rohini – biên giới tự nhiên giữa hai vương quốc Sakya và
Kolya. Trong thời gian lưu lại làng Saina-Maina, Tiến sĩ Hoey được Tướng
Khadga cho biết rằng dân địa phương có đề cập đến một gò đất tên là
Bhaghaura. Vốn là một học giả về ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại và nhất là
lịch sử Phật giáo cổ đại, Hoey có linh tính rằng cái gò đất đó
chính là bảo tháp Ramagrama tại địa phương có tên gọi nguyên thủy là
Byaghapura. Đối chiếu với những ghi chép của các nhà chiêm bái Trung
Hoa : cà hai đều đi về hướng Đông từ Lumbini đề đến Ramagrama, Hoey đề
xuất ý tưởng rằng cái gò đất Bhaghaura chính là phần di tích còn
sót lại của bảo tháp Ramagrama.
Giao lộ Parasi, nơi Dr. Hoey định hướng để tìm đến Bhaghaura |
Sông Rohini, biên giới tự nhiên giữa Sakya và Kolya |
Đường về Ramgrama |
Giao lộ đánh dấu lối rẽ vào Ramagrama đang xây dựng năm 2011 |
Cổng chào vào Ramagrama đang xây dựng năm 2011 |
Hai ngày sau, Tiến sĩ Hoey chào từ biệt Tướng Khadga để quay về
Ấn Độ – Bác sĩ Waddell đã đi Kapilavastu mấy ngày trước đó. Hoey đi
theo hướng Đông Nam
để đến một cái chợ nhỏ tên Parasi. Cách 7km phía Nam của thị trấn, Tiến
sĩ Hoey xúc động nhìn thấy trên bờ con sông Jhalari ngự một gò tháp
rộng lớn và không bị xâm phạm. Với kinh nghiệm của một học giả và
nhà khảo cổ Ấn Độ cổ đại, Hoey kết luận rằng đó chính là Bảo
tháp của người Kolya tại Byaghapura.
Ramagrama trải qua 2000 năm chỉ còn là một gò đất hoang tàn |
Suốt nhiều thập niên sau đó Ramagrama
lại nằm im không được chú ý bởi giới nghiên cứu khảo cổ trong và
ngoài Nepal .
Mãi đến năm 1964, nhà nghiên cứu S.B. Deo của Ấn Độ khảo sát khu vực
này và ghi nhận nó là một gò đất đáng để khai quật khảo cổ.
Năm
1972, Nhà khảo cổ Babu Krishna Rijal của Cục Khảo cổ Nepal và các viên
chức của Lumbini Development Trust thăm viếng nơi này và thừa nhận đây
chính là Ramgram căn cứ vào các đặc điểm địa lý cùng với các ghi
chép của các nhà chiêm bái Trung Hoa.
Năm 1997
một nhóm các nhà địa vật lý từ Đại học Bradford – Anh Quốc
khảo sát khu vực này và tìm thấy một vài chứng tích khảo cổ bên
dưới mặt đất xung quanh khu gò đất.
Tác giả tại Ramagrama năm 2009 |
Các
khảo sát thực địa vào những thập niên cuối thế kỷ 20 cho thấy rằng
đó là một gò gạch cao 7m bị đất phủ kín trên bờ con sông Jharahi
(một trong những nguồn của sông Hằng). Liệu đấy có phải là Bảo tháp
nổi tiếng Ramagrama không thì chỉ có khai quật khảo cổ mới có thể
xác định được.
(Còn tiếp)
Tháng 06/2012
NGUYỄN PHÚ
(Kỳ tới: Khai Quật Khảo Cổ Ramagrama đầu thế kỷ 21)