Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

LỄ VU-LAN NGUYÊN THỦY - PHẦN 2


PHN 2:  MATA YA - LỄ ĐÈN MÙA VU LAN
CỦA CỘNG ĐỒNG NEWARI



 ****************

 


   Tôi đến Patan vào lúc 4 giờ sáng 26/8/2010. Trời mưa ngâu lất phất.  
   Patan là thành phố cổ nhất của Kathmandu Valley, nơi đây cũng là thành phố có nhiều gia đình theo Phật giáo nhất ở Nepal, nên được mệnh danh là Thành Phố Phật Giáo (gọi là “thành phố” (city) nhưng thực ra diện tích của Patan chỉ xấp xỉ một phường lớn ở Saigon ). Tương truyền, vào thời cổ đại, thành phố này được quy hoạch theo hình Bánh Xe Pháp – Dharma Chakra với 8 cổng ra vào. Lễ đèn Mata Ya được bắt đầu từ MAHABUDDHA TEMPLE. Đây là một ngôi tháp được xây dựng ở trung tâm khu phố cổ theo hình thức là một bản sao thu nhỏ của Tháp Đại Giác ở Bodgaya -Ấn Độ. Tháp được ốp toàn bộ mặt ngoài bằng gạch nung màu đỏ, mỗi viên gạch có chạm hình một vị Phật đủ các kích cỡ, số lượng lên đến hơn vạn hình Phật. Nguồn gốc của Tháp này là do một người hành hương Sakya sau khi chiêm bái Tháp Đại Giác ở Ấn Độ đã phát tâm cúng dường xây dựng từ hơn ngàn năm trước.  





5 giờ sáng cuộc lễ bắt đầu. Một cô gái Sakya với trang phục cổ truyền tay cầm nến, hông đeo một cái túi nhỏ đựng gạo chéo qua vai trái dùng để cúng dường các bảo tháp, bắp chân đeo lục lạc đồng, đi chân trần bắt đầu kinh hành.

  
  



Hậu duệ của người Kirat trong trang phục cổ truyền dự lễ đèn







Tất cả các tháp (Caitya) và các chỗ thờ Phật đều được thắp đèn để mọi người chiêm bái và cúng dường









Đèn trên tay, Phật tử đi kinh hành vòng quanh tất cả các tháp lớn, tháp nhỏ, điện thờ Phật. Cho đến sau bảo tháp thứ 100 thì tôi không thể nhớ nữa, chân mải miết bước theo đoàn người, mắt căng ra trong ánh sáng lờ mờ để quan sát đường đi trơn trượt, gập gềnh và những khung cửa thấp lè tè trên dưới 1,5m. 



Có khi đi xuyên qua cả những ngôi nhà, những hẻm hóc chật hẹp để đến được những Caitya xưa cổ giờ bị nhà cửa xây dựng bao quanh…





Các em hứơng đạo sinh cũng đến tham gia giữ trật tự cho buổi lễ.





Nhịp kinh hành càng lúc càng nhanh…








Ba cô gái Newar tham gia lễ đèn trong trang phục cổ truyền: tóc thắt bím, cổ đeo dây chuyền bạc và xâu chuỗi san hô đỏ, cổ chân đeo kiềng bạc, tay mang KAMALA (bồn đựng vật thực cúng dường). Từ trái qua: Sakya, Jyapu (cư dân cổ của Kathmandu làm nghề nông) và Shrestha (đây là hậu duệ của vương tộc Kolya – bên mẹ của Đức Phật Sakya; họ đã di cư đến Kathmandu cùng với Sakya của Kapilavastu và chuyển đổi họ sang Shrestha nghĩa là Ưu tú)




Nhạc cổ truyền là món không thể thiếu trong bất cứ lễ hội nào của người Newar.



Một số thanh niên hoá trang thành các quỷ ma đói khát của cõi âm chòng ghẹo mọi người làm không khí buổi lễ thêm phần náo nhiệt.


Trời sáng dần và người tham gia càng đông, ken cứng các con đường nhỏ hẹp của khu phố cổ




Vượt qua cả những con đường lầy lội thế này để kinh hành…

    

Một thanh niên Newar thực hành nghi thức lễ bái ở tất cả các tháp lớn nhỏ để cầu phúc cho người mẹ đã khuất. Đến trước mỗi Caitya anh dừng lại chắp tay cầu nguyện và niệm một câu chú, rồi lấy một nhúm gạo từ chiếc túi bên hông rắc lên tháp. Sau đó anh từ từ quỳ xuống lạy bảo tháp, toàn thân áp sát xuống đất bất kể nơi đó thế nào, trán dập vào nền đất lầy bùn. Người phát nguyện lạy bảo tháp trong ngày Lễ Đèn phải không bỏ sót bất kỳ Caitya nào và  càng thành tâm bao nhiêu thì thân nhân của họ càng được trợ duyên bên cõi âm để thoát cảnh địa ngục.



Giấy in lời cầu nguyện cho người đã khuất và hình ảnh của họ được thân nhân đặt lên các các khay trước mỗi Caitya (xưa kia các tờ giấy này viết tay). Người tham gia Lễ Đèn cúng dường cho họ bằng cách rắc gạo, kẹo bánh hoặc tiền xu vào đó.


Thầy Sato, Trụ trì chùa Nhật Bản ở Lumbini cũng tham gia Lễ Đèn

Vòng kinh hành kết thúc ở Tháp Asoka (Tháp Bắc, một trong bốn Tháp Asoka ở Patan). Tôi ước tính một vòng kinh hành người tham gia có dịp chiêm bái hơn 300 chùa, đền và tháp, vượt qua quãng đường chừng 2 cây số trong vòng hai giờ đồng hồ không được dừng chân. Trời mưa ngâu cũngcó mặt tốt là làm cho người tham gia kinh hành không cảm thấy nóng bức. Từ đây Phật tử có thể lập lại không ngừng các vòng kinh hành theo ứơc nguyện (càng nhiều lần càng tốt).



 
   Tôi cũng cầu nguyện cho cha mẹ đã khuất của tôi mỗi khi đến một Caitya; chỉ tiếc mình không có duyên (nghi thức này chỉ dành cho người có người thân vừa mất trong vòng một năm mà thôi) và sức khỏe để thực hành nghi thức bái lạy mỗi Caitya như anh thanh niên hiếu kính Newar nọ. Trời sáng rõ và tôi sực tỉnh khỏi cơn mơ trong đó tôi thấy mình dường như đi ngược thời gian trở về nhiều thế kỷ trước để tham gia vào một buổi lễ cổ kính của Vulan nguyên thủy.




                                         NGUYỄN PHÚ  -MÙA GŪLA 2010 – Patan -Kathmandu