BỔ SUNG CHI TIẾT VỀ VỤ BIỂU TÌNH THÁNG 7-1989 CỦA
SINH VIÊN KTX NGÔ GIA TỰ
KTX NGÔ GIA TỰ ngày nay (hình từ Internet) |
Quá khứ tưởng đã
ngủ kỹ trong ngăn kéo ký ức, và ngỡ rằng sự kiện ấy đã mất tăm như
viên sỏi ném vào dòng sông đầy ắp các diễn biến lịch sử.
Hôm nay đọc phần II-Quyền
Bính (Bên Thắng Cuộc của Huy Đức),
đến chương 13-Đa Nguyên , mục Sinh Viên và Các Phong Trào Tự Phát thấy
tác giả Huy Đức có nhắc qua cuộc biểu tình tháng 7/1989 của sinh viên
KTX Ngô Gia Tự, ký ức tưởng đã vùi quên qua bao nhiêu năm vật lộn mưu
sinh chợt ùa về như thác lũ. Mình
xin bổ sung thêm một số chi tiết về cuộc biểu tình này ở góc độ một quần chúng tham gia trong
cuộc.
Năm 1989 là năm cuối đại học của mình,
cũng là năm Nguyễn Sơn Thủy Hùng tham gia vào Ban Tự Quản Sinh Viên
tại KTX Ngô Gia Tự (đại diện cho sinh viên Tổng Hợp) cùng với Phạm Văn
Chiến, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Phong Thanh đại diện cho sinh viên các trường
Y, Nha, Tài Chính. Hùng là bộ
đội xuất ngũ cùng với Nguyễn Ngọc Vinh của khoa Văn. Hùng cao to, nồng nhiệt với chính trị.
Cùng năm ấy Lê Công Định học năm cuối Đại Học Pháp Lý Bình Triệu, Lê
Vĩnh Trương học năm cuối khoa Anh ĐHTH (cùng ở KTX Ngô Gia Tự).
Tin truyền miệng
giữa các sinh viên quan tâm tới thời sự về việc sinh viên Trung Quốc
biểu tình ở Thiên An Môn tháng 5-6/1989 làm mọi người “ngứa ngáy”. Sự
thất vọng về thể chế cầm quyền cùng với sự không hài lòng về các chủ trương, chính sách kinh tế làm
cho mức sống dân chúng quá
thấp, mà sinh viên là tầng lớp dễ cảm nhận nhất. Ai cũng trông ngóng
một cái gì đó, tuy rất mơ hồ nhưng có thể chắc là khác hẳn hiện
tại.
Cuộc biểu tình tự
phát một tháng trước đó của sinh viên Ký Túc Xá (KTX) Trần Hưng Đạo
(nơi cư trú của sinh viên các trường ĐH Kinh Tế TPHCM, ĐH Dược TPHCM,
Nghệ Thuật Sân Khấu 2) xảy ra đột ngột làm cho nhà cầm quyền TPHCM và
lực lượng công an không hề phòng bị đã để cho lực lượng sinh viên kéo
đến tận quảng trường ngay trước Ủy Ban Nhân Dân TPHCM. Yếu tố bất ngờ
này giúp sinh viên KTX Trần Hưng Đạo giành được thắng lợi và thắng
lợi này đã thổi một luồng sinh khí vào tầng lớp sinh viên Saigon vốn
đã rạo rực với tin tức về cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc ở
Thiên An Môn. Tuy nhiên nó cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho
nhà cầm quyền ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung về khả năng
xảy ra các cuộc biểu tình khác của sinh viên Saigon mà hiệu ứng sẽ
rất tai hại cho nhà cầm quyền dù cho các cuộc biểu tình này hoàn
toàn tự phát và không hề có tổ chức.
Thời điểm ấy những
sinh viên năm cuối đã bảo vệ
luận văn hoặc thi tốt nghiệp
xong, chỉ chờ ngày nhận bằng và bắt đầu kiếm việc làm. Đó
cũng là thời điểm mà các em cấp III vừa thi đại học xong. Thế là
có cảnh anh em đồng hương đứa lớn vừa học đại học xong chuẩn bị rời
thành phố về quê dẫn tụi nhỏ “Hai Lúa” lần dầu về Saigon đi chơi,
giới thiệu quang cảnh Hòn Ngọc Viễn Đông cho các em mình.
Trích Quyền Bính:
“Cuộc biểu tình thứ hai nổ ra gần một
tháng sau giữa sinh viên và bảo vệ Công viên Kỳ Hoà. Sự việc bắt đầu cũng khá
đơn giản: Cuối giờ chiều ngày 6-7-1989, năm sinh viên ký túc xá Ngô Gia Tự và
một số học sinh lên Thành phố dự thi đang chơi ngoài bãi cỏ Công viên Kỳ Hoà
thì trời đổ mưa đột ngột. Họ cùng với những người khách khác chạy vào trú mưa
dưới mái hiên Nhà kính dị dạng. Ít phút sau, bảo vệ công viên đi qua nhìn thấy
một tấm kính bị vỡ nên đã mời số sinh viên này lên phòng Ban Giám đốc giải
quyết. Hai bên đôi co, người bảo vệ phát hiện tấm kính vỡ đã đánh một sinh viên
dập sống mũi. Một sinh viên khác liền chạy về ký túc xá Ngô Gia Tự thông báo.
Một số sinh viên, trong đó có Ban Quản lý Ký túc xá đã đến Công viên Kỳ Hoà yêu
cầu lập biên bản.
Cuộc làm việc chưa đi tới đâu thì bảo vệ Kỳ Hoà cho thả chó
bẹc-giê ra cắn hai sinh viên bị thương. Số sinh viên đang đứng đợi dưới nhà,
kêu lên: “Không đàm phán nữa, về kêu sinh viên ra đập chết chó đi”. Một thành
viên trong Ban Tự quản Sinh viên trực tiếp thảo “lời kêu gọi” rồi đọc trên hệ
thống loa phóng thanh của ký túc xá Ngô Gia Tự. Hơn 600 sinh viên, trong đó gồm
cả sinh viên ở ký túc xá Nguyễn Chí Thanh, nghe tin cũng kéo theo, trực chỉ Hồ
Kỳ Hoà. Ban Giám đốc Công viên bỏ chạy. Bảo vệ chối không có chó. Sinh viên bắt
phải tìm ra con chó thủ phạm đã cắn sinh viên. Sẵn cừ tràm của một công trình
đang xây dựng trong Kỳ Hoà, sinh viên bẻ cừ, đập chết con chó đồng thời làm hư
hỏng thêm một số đồ vật khác.”
(Hết Trích)
Tối 06/07/1989, như thường lệ sinh viên sau khi
ăn tối thì tự học ở phòng học hay
giải trí đàn hát ở sân KTX. Khoảng 7 giờ, đột ngột, hệ thống loa
phóng thanh của KTX phát ra lời thông báo sinh viên bị đánh đập và
chó cắn ở Hồ Kỳ Hòa, yêu cầu mọi người đến đó hỗ trợ cứu bạn.
Ngay lập tức sinh viên ơi ới gọi nhau. Các bạn nữ sinh viên không kịp
thay đồ, mặc cả đồ bộ-dép lê chạy đi. Đến trước cổng Kỳ Hòa, hàng
500-600 nam nữ sinh viên đứng chen chúc trước cánh cổng khép kín. Bên
trong hàng rào mấy người bảo vệ (bộ đội phục viên, thương binh) vẫn
còn cầm dây dắt hai con berger sủa ầm ĩ. Hỏi han nhau thì biết là
đại diện sinh viên đang làm việc với quản lý Công viên Kỳ Hòa. Số
lượng sinh viên tập trung ngày càng đông và sự giận dữ mỗi lúc một
tăng. Kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ nữa vẫn không thấy đại diện sinh
viên trở ra. Mọi người đồng thanh hô to “Thả người! Thả người!” vang
dội khắp cả khu vực. Lúc này thì bảo vệ công viên biến mất cùng
với mấy con chó. Không có bất cứ hồi đáp nào từ trong văn phòng. Có
bạn leo lên cửa sắt hô to vào bên trong “Thả người!” Thế rồi nhiều
người khác leo lên, và leo qua cổng kéo chốt cài mở toang cổng cho
lực lượng sinh viên tràn vào. Không thấy bất kỳ một nhân viên nào của
công viên Kỳ Hòa trong khuôn viên. Bỗng nhiên lại nghe thấy tiếng chó
sủa trong mấy căn phòng đóng kín kề với nhà bếp của nhà hàng. Ai đó la lên rằng “Mấy con chó này cắn
sinh viên đó!” Thế là giận cá chém thớt, các bạn mình người thì lột
mấy cái mùng của bảo vệ gần đó, kẻ tìm gậy gộc rồi nhất loạt
xông vào mấy căn phòng nhốt chó dùng mùng túm chúng lại rồi đập.
Tội nghiệp hai con chó berger chỉ biết nghe lời chủ mà chết thảm. Trong cuộc “xung phong” đó có người
đập phá cửa kính, tô-chén-dĩa của nhà hàng. Ngay lúc đó,
chúng tôi phát hiện một số
người không phải sinh viên mà là người đạp xe xích lô và thanh niên sống trong khu
vực lân cận nhân cơ hội này lao vào đập phá và hôi của. Anh em
túm họ lại la lên “Mấy thằng này không phải sinh viên” rồi đẩy họ ra
khỏi cổng sắt, thu đồ họ “hôi của” (nồi chảo inox, đồ ăn) quăng trả
trở lại nhà bếp. Nếu Ban Giám
Đốc CV Kỳ Hòa đừng bỏ trốn, thực tâm đối thoại thì đã không có cảnh bức xúc không thể kềm
chế. Bọn sinh viên chúng tôi lúc đó cảm thấy bị xúc phạm, bị khinh
thường và nhất là bị họ (Ban Giám Đốc) lừa, xem như con nít.
Chuyện dĩ nhiên không thể dừng lại ở
đó.
Ngay ngày hôm sau 07/07/1989 Ban Tự Quản
Sinh Viên đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm với hơn chục người đại
diện cho các trường, khoa khác nhau đang sống trong KTX. Nhóm chủ chốt
này có hơn mười người hầu hết là sinh viên năm cuối các trường. Bọn
sinh viên chúng tôi thì say sưa với hai kết quả thắng lợi bước đầu
đó, có người còn mơ làm một Thiên An Môn của Việt Nam ngay tại Saigon.
Tinh thần mọi người lên rất cao. Các cuộc họp bàn công khai diễn ra
liên tục trong các ngày sau đó tại phòng của Ban Tự Quản Sinh Viên,
và Nguyễn Sơn Thủy Hùng tự nhiên được mọi người ngầm coi là thủ lĩnh cầm chịch. Ban Tự Quản Sinh
Viên có một máy đánh chữ vốn dùng để soạn thảo văn bản thì nay
được dùng để thảo thư kêu gọi, thông báo… Ai cũng biết vụ Hồ Kỳ Hòa
là chỉ là nguyên cớ trực tiếp thổi bùng ngọn lửa bất mãn đã âm ỉ
trong tâm thức của tầng lớp trí thức trẻ trước vận mệnh nước nhà.
Trích Quyền Bính:
” Sinh viên vẫn đang sùng sục thì sáng ngày 9-7-1989, báo Sài
Gòn Giải Phóng cho đăng “Thông báo của Uỷ ban Nhân dân Quận 10”, đưa kết
luận cuộc họp ngày 7-7-1989 theo hướng bào chữa cho bảo vệ Kỳ Hoà. Ví dụ, sự
kiện thả chó, được nói: “Theo thông lệ, sau khi đóng cổng nhân viên trật tự đã
thả chó ra trong vòng rào công viên. Không may có thanh niên trong số đông còn
tụ tập sát cổng khu vực Kỳ Hoà II đã bị một con chó cào xước nhẹ”. Cũng theo
Thông báo: “Nhiều tốp sinh viên ở ký túc xá Ngô Gia Tự, do nghe tin thổi phồng
về tình hình xô xát đã kéo thêm đến công viên Kỳ Hoà. Một số ít thanh niên
trong các tốp đó đã xông vào đập phá gây thiệt hại về tài sản cho cả các cơ sở
trong hai khu vực Kỳ Hoà I & II”. Thông báo nói rằng: “Cuộc họp đã kiến
nghị điều tra, xử lý nhanh chóng và nghiêm minh những người gây ra xô xát và
đập phá tài sản công cộng”. Số tiền mà Kỳ Hoà dự kiến đòi sinh viên bồi thường
lên tới sáu mươi triệu đồng.
Ngay sáng chủ nhật, 9-7-1989, hàng trăm sinh viên đã kéo tới
Toà soạn báo Sài Gòn Giải Phóng yêu cầu đính chính. Sài Gòn Giải
Phóng không chịu, từ đường Nguyễn Thị Minh Khai, sinh viên kéo ra đường Lê
Thánh Tôn, đến trước trụ sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố. Không chỉ có ký túc xá
Ngô Gia Tự, sinh viên từ các ký túc xá Trần Hưng Đạo, Nguyễn Chí Thanh và từ
Thủ Đức cũng lần lượt kéo lên. Cảnh sát phải chặn sinh viên từ Thủ Đức lên ở
bên kia cầu Sài Gòn. Ngay trong ngày 9-7-1989, chính quyền đã dùng biện pháp mạnh,
bắt bốn người trong Ban Tự quản Sinh viên: Phạm Văn Chiến, Nguyễn Văn Tấn,
Nguyễn Phong Thanh và Nguyễn Sơn Thuỷ Hùng. Đồng thời, để xoa dịu tình hình,
hai bảo vệ của Công viên Kỳ Hoà cũng bị bắt.
Ngày 12-7-1989, báo Sài Gòn Giải Phóng “gặp Phó
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nguyễn Văn Bông”. Phát biểu của ông Bông cho dù vẫn
với thái độ “xử lý nghiêm minh” nhưng lời lẽ rõ ràng là “nói lại cho rõ” những
gì đăng trên tờ báo này hôm chủ nhật. Thay vì nói “mũi của một sinh viên bị xây
xát nhẹ”, ông Bông nói rõ: “Bảo vệ Dương Quang Hiệp của Công viên Kỳ Hoà đã
đánh học sinh Phạm Hữu Nghị gây thương tích ở sống mũi”. Về vụ chó bẹc-giê cắn
sinh viên, ông Bông nói: “Đội phó bảo vệ Nguyễn Văn Lâm đã thả chó ra, chó cắn
hai học sinh bị thương. Theo quy định của Hồ Kỳ Hoà, chỉ khi không còn khách
mới được thả chó ra để bảo vệ”.
Nguyễn Sơn Thuỷ Hùng nhớ lại: “Khoảng bốn giờ chiều ngày
9-7-1989, chúng tôi được mời lên công an thành phố. Với sự chứng kiến của thầy
hiệu phó và thầy Lý Chánh Trung họ đọc lệnh bắt, đưa lên xe u-oát chở về 3C Tôn
Đức Thắng”. Lệnh bắt nói là “tạm giam bốn tháng” nhưng, người bị giữ lâu nhất
là mười ngày, còn ba người còn lại chỉ bị giữ một tuần rồi cho về. Giám đốc Sở
Công an, Đại tá Nguyễn Hữu Khương đã gặp bốn sinh viên ngay sau khi họ được thả
ra. Ông Khương huấn dụ: “Luật không cấm các em biểu tình, nhưng biểu tình thế
là nguy hiểm, là không kiểm soát được tình hình. Các em chớ dại”. (Hết
trích).
Cuộc biểu tình
diễn ra không phải vào buổi sáng mà vào tối ngày Chúa nhật 09/07/1989.
Sáng 09/07/1989, báo SGGP đăng tin. Lập
tức KTX Ngô Gia Tự sôi lên như chảo
dầu. Ai cũng giận dữ đòi báo SGGP phải đính chính.
Khoảng 06 giờ tối
thì sinh viên bắt đầu tụ tập mỗi lúc một đông ở sân bóng chuyền
cạnh nhà ăn. Bất ngờ hệ thống loa phóng thanh của KTX vang lên lời kêu
gọi đại ý: chúng ta đã không
làm gì sai chỉ bảo vệ bạn mình bị tấn công ở Hồ Kỳ Hòa. Nay báo
SGGP nói sai về sự kiện đó, chúng ta hãy đến tòa soạn báo SGGP yêu
cầu họ phải đính chính và xin lỗi sinh viên KTX Ngô Gia Tự.
Thế là ồn ào như
đàn ong vỡ tổ. Rồi tất cả ùn ùn tuôn ra cửa kéo đến trụ sở báo
SGGP ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đối diện bệnh viện Từ Dũ. Lúc bắt
đầu bọn tôi không ai nghĩ đó là một cuộc biểu tình gì cả. Chúng tôi
kéo nhau đi như đi hội. Có người còn dắt theo cả xe đạp để … sau khi
tan hàng đạp về cho nhanh!
Từ KTX Ngô Gia Tự,
chúng tôi băng qua bùng binh Ngã Sáu rồi vào đường Nguyễn Chí Thanh.
Ở đây chúng tôi đứng dưới đường hô vọng lên kêu gọi sinh viên KTX
Nguyễn Chí Thanh tham gia… cho vui. (KTX Nguyễn Chí Thanh gồm sinh viên sư
phạm, hệ B Tổng Hợp và sinh viên dự bị). Thế là có thêm hàng trăm
người tham gia vào đoàn để biểu thị tình đoàn kết sinh viên.
Hết Nguyễn Chí
Thanh, chúng tôi ra đường Trần Phú rồi đến Ngã sáu Cộng Hòa. Thế là
đã đến trước tòa soạn SGGP. Chúng tôi đứng tràn ra cả lòng đường
trước tòa soạn và la to đòi báo SGGP đính chính tin tầm bậy. Chỉ là
tự phát chứ có ai tổ chức đâu. Hô chán, rồi có người bắt nhịp hát
“Dậy Mà Đi”, “Lên Đường” rồi cả “Tiểu đoàn 307”. Kéo dài đến 10 giờ
đêm, chẳng có đại diện nào của báo SGGP thò đầu ra nói lời phải
trái. Chỉ có công an làm hàng rào chặn ngang đoạn đường XVNT hướng
về trung tâm thành phố.
Bọn chúng tôi tụm
năm tụm ba thành từng nhóm lố nhố trước tòa soạn không biết phải
làm gì tiếp theo. Thế rồi một một chú mặc đồ thường phục dáng to
ngang, được hộ tống bởi một vài anh cũng mặc thường phục mặt mày
nghiêm trang lạnh lùng, len lỏi vào đám sinh viên chúng tôi. Ông này
nói đại khái : Thôi về đi, lo học hành đừng làm rối nữa. Có bạn
nóng máu quát lại rằng : Ông là ai mà nói tụi tui làm rối? Tụi tui
chỉ đòi công bằng thôi! Anh lính hộ tống trợn mắt vặc lại: Thủ
trưởng của tôi nói đàng hoàng mấy anh không nghe thì lãnh hậu quả
đó. Nghe cãi nhau, sinh viên bu lại. Thấy không êm mấy thầy trò ông này
lẳng lặng bỏ đi. Sau này tôi mới biết đó là Nguyễn Hữu Khương, Giám
đốc Công an TPHCM.
Đến khoảng 10 giờ,
mọi người bắt đầu sốt ruột. Có ai đó bảo: Họ (báo SGGP) không nghe
tụi mình thì tụi mình lên cấp cao hơn. Rồi có tiếng hưởng ứng: Ừ
kéo lên Ủy Ban đi! thế là rùng rùng kéo nhau đi tiếp.
Chúng tôi theo
đường Cao Thắng băng qua Nguyễn Trãi rồi nhắm hướng KTX Trần Hưng Đạo
mà tiến. Lúc này lực lượng đã bị hao hụt một nửa vì có bạn đã
trở về KTX Ngô Gia Tự để sáng mai đi học. Khi đến KTX Trần Hưng Đạo
chúng tôi được các bạn ở đó hoan hô vang dội từ… trên các tầng lầu.
Cửa lưới sắt ra vào KTX đã bị kéo kín và khóa rất nhiều khóa.
Đứng án ngữ ngay bên trong cửa sắt là Hiệu trưởng Đại Học Kinh Tế
(hình như là Đào Công Tiến) với sự hổ trợ của lực lượng bảo vệ dữ
dằn. Thế thì có cho kẹo các bạn sinh viên ở đây cũng chả dám xông
ra, vì hơn 2/3 sinh viên ở đây là sinh viên ĐH Kinh tế.
Chúng tôi đứng
dưới lòng đường hô vọng lên kêu gọi KTX Trần Hưng Đạo hổ trợ. Bên trên
các bạn cũng la to “Ủng hộ Ngô Gia Tự. Hoan hô Ngô Gia Tự.” Nhưng không
một ai có thể ra gia nhập với chúng tôi.
Lúc này đã hơn 11
giờ đêm. Thế là chúng tôi lại đi tiếp. Băng qua chợ Bến Thành, vào
đường Lê Lợi để hướng đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân TPHCM. Đoàn người
lúc này chỉ còn trên dưới 200. Vẫn có bạn dắt xe đạp hồn nhiên đi
lẫn trong hàng. Đến bùng binh Lê Lợi-Nguyễn Huệ lực lượng công an đã
bố trí sẵn sàng và chặn chúng tôi lại.
Thời ấy, con đường
Lê Lợi còn có một hàng rào sắt phân đôi hai tuyến trái phải của làn
xe hơi chính giữa. Hàng trăm công an đứng dọc theo hàng rào này chặn
không cho chúng tôi tràn qua phía rạp Rex. Bên cánh đối diện cũng có hàng
trăm công an với khiên mây và dùi cui đứng ken dầy không cho chúng tôi
dạt vào lề đường phía Cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp (Thương xá Tax).
Còn ngay đầu bùng binh, công an với khiên mây , nón sắt cũng chen chúc
như cá mòi. Thế là chúng tôi bị chặn cả 3 phía chỉ trống có sau
lưng.
Vốn dĩ là một
cuộc tuần hành tự phát nhưng vì áp lực ngày một tăng từ phía nhà
cầm quyền nên sự phản ứng của sinh viên cũng tương ứng với sức ép
của họ. Chúng tôi đứng lỳ ra đó nhất quyết không chịu quay về nếu
báo SGGP không ra mặt xin lỗi. Trong hàng ngũ sinh viên có bạn bắt
nhịp cho các bạn mình hát Dậy Mà Đi, rồi lại đồng thanh hô to yêu
cầu báo SGGP cải chính. Lực lượng công an chỉ án binh bất động, có
lẽ chờ cho chúng tôi mệt mỏi tự giải tán.
Thế nhưng họ lầm!
Càng khuya chúng tôi
hát hò, hô khẩu hiệu càng hăng.
Đến Ba giờ sáng.
đột ngột từ bùng binh một công an cầm loa lên tiếng yêu cầu sinh viên
giải tán nếu không lực lượng công an sẽ dùng biện pháp mạnh. Họ cho
chúng tôi 05 phút để tự giải tán.
Sinh viên vẫn không
quay đầu, không lùi bước. Các bạn nữ ĐH Tài Chính còn chen lên đứng ở
hàng đầu bảo với công an rằng chúng tôi chỉ yêu cầu xin lỗi là về
thôi.
Hết 5 phút, tên
cầm loa lại nói: Yêu cầu sinh viên giải tán! Tôi đếm đến 10 đấy!
Hắn đếm.
Vừa dứt tiếng
“Mười” của hắn, đột nhiên lực lượng công an cầm khiên mây dạt ra hai
bên để cho một lực lượng nãy giờ ém kỹ phía sau tràn lên. Bọn này
hung hãn xông vào đám sinh viên chúng tôi, những kẻ tay không ốm yếu,
như là xung trận với kẻ thù của nhân dân. Tên nào cũng to khỏe và
đặc biệt là mỗi tên cầm một cây roi điện dài gần cả mét phụt ngọn
lửa điện xanh lè đến hơn 3 tấc cùng với những âm thanh có tần số
quái dị làm tê liệt ý chí con người. Thế là bọn hung thần tung
hoành. Các bạn nữ sinh viên đứng ở hàng đầu bị roi điện chích té
lăn xuống đường bất tỉnh. Những người ở phía trước bỏ chạy thì vấp
vào các chiếc xe đạp một số bạn dắt theo trong hàng té lỏng chỏng.
Tha hồ cho bọn hung thần thong thả chích điện từng người lăn quay. Tôi
cũng bị một nhát vào bắp tay, lăn đùng ra mặt đường không thể nào
đứng dậy nổi, cánh tay cả tháng sau vẫn còn tê còn vết sém do lửa
điện mấy năm sau vẫn chưa hết.
Chỉ trong vòng 5
phút, lực lượng hàng ngàn công an vinh quang vũ trang đến tận răng của
thành phố mang tên Bác đã đè bẹp 200 sinh viên ốm đói đòi công bằng
bằng mồm. Chúng tôi thất thểu ra về. Trời đã rạng sáng. Dọc đường,
xe công an hú còi ầm ĩ chạy vòng quanh các tuyến đường trung tâm để
thị uy, mỗi khi chạy ngang qua nhóm sinh viên nào thì bọn hung thần cũng
nhứ dùi cui điện phụt lửa xanh lè ra hù dọa.
Cuộc tuần hành của sinh viên KTX Ngô Gia
Tự thất bại. Là thất bại đầu tiên của sinh viên Saigon. Cho đến khi
ấy, các cuộc biểu tình của KTX Trần Hưng Đạo và Bách Khoa luôn luôn
thắng lợi (Bách Khoa còn biểu tình trước cả Trần Hưng Đạo và “gấu”
hơn nhưng ít ai nhắc đến). Chúng tôi thất bại vì không có tổ chức,
không lường được công an trấn áp như thế (chắc học kinh nghiệm từ
Đặng Tiểu Bình đàn áp Thiên An Môn) và nhất là bất ngờ vì vũ khí
hiện đại của công an: Roi Điện.
Nhưng chúng tôi vẫn
chưa chịu thua.
Ngay sáng hôm đó,
thư ký của Ban Tự Quản đã dùng máy đánh chữ thảo lời kêu gọi rồi
anh em chia nhau đi KTX các trường ĐH Pháp Lý Bình Triệu- Nông Lâm- Sư
Phạm Kỹ Thuật ở Thủ Đức, Bách Khoa ở Q.10 (rất gần với Ngô Gia Tự)
hẹn nhau tụ họp tuần hành để phản đối công an đàn áp sinh viên.
Chiều hôm ấy,
Nguyễn Sơn Thủy Hùng và Ban Tự Quản Sinh Viên KTX NGô Gia Tự bị bắt
nguội.
Tối hôm đó
(10/07/1989) các chiếc xe chở sinh viên từ Thủ Đức về của ĐH Nông Lâm,
Sư Phạm Kỹ Thuật, Pháp Lý bị chặn ở cầu Saigon, cầu Bình Triệu và
cầu Bình Lợi. Lực lượng công an ép các tài xế phải quay đầu.
Lực lượng sinh viên
Bách Khoa bị hơn tiểu đoàn công an chặn ở ngay cổng, không thể ra
ngoài đành lên lầu cao lấy chai lọ vật cứng ném như mưa xuống bọn
chó săn.
Ở KTX Ngô Gia Tự,
hàng tiểu đoàn công an khóa chặt cổng và áp sát hàng rào. Có anh em
sinh viên leo lên cổng hoặc hàng rào hô to phản đối là lập tức bị mưa
dùi cui quật té vào trong.
Một lần nữa bạo
lực cách mạng lại thắng mấy chàng thư sinh trói gà không chặt.
Chúng tôi đành
chịu thua khi Ban Quản Lý KTX ra lệnh không cho phép sinh viên các lớp
đã tốt nghiệp được ở lại KTX như thông lệ các năm trước. Còn sinh
viên các lớp dưới phải về quê nghỉ hè lập tức. Thế là tan hàng. KTX
Ngô Gia Tự lập tức vắng như chùa bà Đanh.
Nguyễn Sơn Thủy
Hùng bị treo bằng tốt nghiệp, còn các sinh viên khác ở trường Y,
Dược trong Ban Tự Quản bị lưu ban 1-2 năm, có người bị đuổi học.
Có lẽ sự kiện
này và tinh thần của sinh viên Saigon đã vọng đến tai ông Trần Xuân
Bách dẫn đến việc ông chọn KTX Ngô Gia Tự để nói chuyện với sinh viên
Saigon chỉ 02 tháng sau khi sự kiện này xảy ra. Tác giả Huy Đức viết là “Còn một cuộc nói chuyện công khai
nữa của ông Bách ở Ký túc xá Ngô Gia Tự, Sài Gòn, thì ngay cả những người giúp
việc cũng không biết đến. Theo ông Kiều Xuân Long, vụ phó Vụ Công tác phía Nam
của Ban Khoa giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh, người đưa ông Trần Xuân
Bách xuống Ký túc xá Ngô Gia Tự: “Chuyến đi của ông Trần Xuân Bách làm cho
Thành uỷ và nhiều người không thích. Về sau ông Bách bị quy kết là đã thực hiện
mục đích lôi kéo sinh viên”. Tiếc là ông đến quá muộn! Lớp sinh viên máu
lửa hầu hết đã ra khỏi KTX và lực lượng công an vinh quang đã hoàn
thành công tác ngăn ngừa bạo loạn trong sinh viên. Kể từ đó, không ai
còn thấy có bất kỳ vụ sinh viên Saigon phản kháng nào nữa.
24 năm đã trôi
qua. Xin cám ơn tác giả Huy Đức đã giúp tôi nhớ lại kỷ niệm đẹp
những ngày cuối cùng của tôi ở Đại học, một trong những kỷ niệm đẹp
nhất của thời sinh viên. Chúng tôi đã thua, nhưng không thất bại. Vì
chúng tôi đã tỏ rõ cho nhà cầm quyền biết rằng: sinh viên là những
người quý trọng sự công bằng và không hãi sợ cường quyền. Sinh viên
sẽ mãi là lực lượng tiên phong đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi
quyền bình đẳng, đòi dân chủ và các quyền mà Tạo Hóa đã ban cho con
người.
Rằm tháng Giêng
năm con Rắn
24/02/2013
PTN –Cựu sinh
viên đã ở KTX Ngô Gia Tự năm 1989
(Bài này kể lại theo góc nhìn chủ quan của tác giả
như là người trong cuộc của một bạn gửi đến nhờ đăng. Xin các bạn
sinh viên đã từng tham gia vào sự kiện này cung cấp thêm cái nhìn của
các bạn. Có thể sẽ khác, rất khác hay ngược lại hoàn toàn cái
nhìn của tác giả. Trân trọng.
Tác giả cũng đã
tự nhận trước là bài này ăn theo Bên Thắng Cuộc, để đỡ mất công các
“dư luận viên” bươi móc…hi hi)
CẬP NHẬT:
Nguyễn Phú chắc là có bạn sinh viên ở Bách Khoa! Năm 1989, mình học năm thứ nhất ĐH Bách Khoa và tham gia đầy đủ các cuộc biểu tình ở Bách Khoa. Vụ biểu tình của SV ở KTX Ngô Gia Tự và Trần Hưng Đạo thì mình có mấy đứa bạn học KT ở bên đó nên thường xuyên được cập nhật.
Các cuộc biểu tình của SV Bách Khoa vào lúc đó có hơi hướng “tổ chức” và chính trị cho nên được CA “chiếu cố”. Một lúc SV phải chia thành nhiều nhóm đi vào các con hẻm vì các đường lớn bị chặn. Mình nhớ là nhóm mình bị chặn tại một con hẻm vào lúc khoảng 8 giờ tối, với một lực lượng cảnh sát cơ động rất đông đứng ở đằng sau. Phía trước là thành phần “chính uỷ” thuyết phục SV đại khái “lo học hành đừng có dính với chính trị”, lúc đó chưa chế ra câu “có Đảng và Nhà Nước no!”. Nhóm mình bị đẩy về và vào bên trong KTX. Đúng như Nguyễn Phú nói là có một tiểu đoàn CA bao vây xung quanh KTX Bách Khoa và những gì đã xảy sau đó thì mình còn nhớ rõ. Các kế hoạch xách nhiễu SV Bách Khoa sau đó không có kết quả vì không biết ai là những “kẻ cầm đầu”. Vào thời điểm đó thì CS kiểm soát XH rất chặt và sự bưng bít thông tin rất là cao, chỉ biết thông tin thế giới qua “đài địch”. Đứa nào biết tiếng Anh thì nghe BBC Service rồi thuật lại, khó bị phát giác là nghe đài địch, chỉ nói là học tiếng Anh.
Trong nhóm SV biểu tình ở Bách Khoa mình được biết thì cũng có nhiều thằng bạn có “máu chính trị” muốn làm một “Thiên An Môn VN”! Hồi tưởng lại thì lúc ấy không sợ, một phần là sự “lãng mạng chính trị” của tuổi trẻ!
Một cựu SV Bách Khoa.
Trước khí thế và sự Đông đảo của đoàn biểu tình, đám công an cầm súng đã sợ hãi lùi sát vào chân tường. Một chàng công an do quá sợ hãi đã cướp cò súng, nổ một viên đạn. Sau khoảng 5 giây chết lặng sững sờ đoàn biểu tình đã phẫn nộ tiến lên đòi giết anh công an này. Anh công an chỉ huy bèn giơ tay tát một phát như búa bổ vào mặt người công an lỡ cướp cò rồi rối rít xin lỗi. Sau đó, theo yêu cầu của SV một ông Phó chủ tịch UBND TP HCM đã đứng ngay trên bậc thềm trụ sở UB xin lỗi và hứa sẽ giải quyết các yêu sách của SV, trong đó có yêu cầu về dân chủ.
Nhưng hoá ra đây là một quả lừa. Sau đó là cuộc biểu tình của KTX Bách khoa và Ngô gia Tự và đã bị đàn áp …
Nay những SV biểu tình ngày nào theo tôi được biết vẫn luôn sục sôi tinh thần yêu nước, yêu tự do dân chủ và đang ẩn mình chờ đợi thời cơ tiến lên vì giá trị của độc lập tự do Chánh hiệu.
Tất cả vẫn đang dõi theo và ủng hộ những bậc cha chú như giáo sư Tương Lai, Lê Hiếu Đằng …
CẬP NHẬT:
Ba Láp đã nói
24/02/2013 lúc 12:34Nguyễn Phú chắc là có bạn sinh viên ở Bách Khoa! Năm 1989, mình học năm thứ nhất ĐH Bách Khoa và tham gia đầy đủ các cuộc biểu tình ở Bách Khoa. Vụ biểu tình của SV ở KTX Ngô Gia Tự và Trần Hưng Đạo thì mình có mấy đứa bạn học KT ở bên đó nên thường xuyên được cập nhật.
Các cuộc biểu tình của SV Bách Khoa vào lúc đó có hơi hướng “tổ chức” và chính trị cho nên được CA “chiếu cố”. Một lúc SV phải chia thành nhiều nhóm đi vào các con hẻm vì các đường lớn bị chặn. Mình nhớ là nhóm mình bị chặn tại một con hẻm vào lúc khoảng 8 giờ tối, với một lực lượng cảnh sát cơ động rất đông đứng ở đằng sau. Phía trước là thành phần “chính uỷ” thuyết phục SV đại khái “lo học hành đừng có dính với chính trị”, lúc đó chưa chế ra câu “có Đảng và Nhà Nước no!”. Nhóm mình bị đẩy về và vào bên trong KTX. Đúng như Nguyễn Phú nói là có một tiểu đoàn CA bao vây xung quanh KTX Bách Khoa và những gì đã xảy sau đó thì mình còn nhớ rõ. Các kế hoạch xách nhiễu SV Bách Khoa sau đó không có kết quả vì không biết ai là những “kẻ cầm đầu”. Vào thời điểm đó thì CS kiểm soát XH rất chặt và sự bưng bít thông tin rất là cao, chỉ biết thông tin thế giới qua “đài địch”. Đứa nào biết tiếng Anh thì nghe BBC Service rồi thuật lại, khó bị phát giác là nghe đài địch, chỉ nói là học tiếng Anh.
Trong nhóm SV biểu tình ở Bách Khoa mình được biết thì cũng có nhiều thằng bạn có “máu chính trị” muốn làm một “Thiên An Môn VN”! Hồi tưởng lại thì lúc ấy không sợ, một phần là sự “lãng mạng chính trị” của tuổi trẻ!
Một cựu SV Bách Khoa.
Dân đen SG đã nói
24/02/2013 lúc 15:30 Hê hê, ngày đó tôi là một thành viên trong đoàn biểu tình của SV ký túc xá 135 Trần Hưng Đạo. Ký túc xá THĐ là nơi biểu tình đầu tiên, xuất phát từ việc mấy tên công an phường Nguyễn cư Trinh đánh SV. Khoảng 7h tối, sau khi lật xe jeep và đập nát cửa trụ sở công an phường, đoàn biểu tình đi ngang qua KTX và thu hút hầu như toàn bộ SV ở đây, khoảng 1500 SV gồm các trường kinh tế, dược, sư phạm, nghệ thuật sân khấu. Đoàn biểu tình đã tiến thẳng về trụ sở UBND TP hô vang khẩu hiệu đả đảo chế độ thối nát, kém hiệu quả. Khi tới ngay sát cửa UBND TP, chính quyền đã huy động khoảng 1 trung đội tay lăm lăm súng chỉa vào đoàn SV. Bên ngoài khoảng hơn một tiểu đoàn công an, quân đội phong tỏa toàn bộ khu vực trung tâm từ chợ Bến thành.Trước khí thế và sự Đông đảo của đoàn biểu tình, đám công an cầm súng đã sợ hãi lùi sát vào chân tường. Một chàng công an do quá sợ hãi đã cướp cò súng, nổ một viên đạn. Sau khoảng 5 giây chết lặng sững sờ đoàn biểu tình đã phẫn nộ tiến lên đòi giết anh công an này. Anh công an chỉ huy bèn giơ tay tát một phát như búa bổ vào mặt người công an lỡ cướp cò rồi rối rít xin lỗi. Sau đó, theo yêu cầu của SV một ông Phó chủ tịch UBND TP HCM đã đứng ngay trên bậc thềm trụ sở UB xin lỗi và hứa sẽ giải quyết các yêu sách của SV, trong đó có yêu cầu về dân chủ.
Nhưng hoá ra đây là một quả lừa. Sau đó là cuộc biểu tình của KTX Bách khoa và Ngô gia Tự và đã bị đàn áp …
Nay những SV biểu tình ngày nào theo tôi được biết vẫn luôn sục sôi tinh thần yêu nước, yêu tự do dân chủ và đang ẩn mình chờ đợi thời cơ tiến lên vì giá trị của độc lập tự do Chánh hiệu.
Tất cả vẫn đang dõi theo và ủng hộ những bậc cha chú như giáo sư Tương Lai, Lê Hiếu Đằng …