Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Về quê Đức Phật

Nguyễn Phú tại Nepal năm 2018
NP: Hôm rồi lang thang trên mạng, tình cờ tìm lại được một bài mình viết cách đây 12 năm vẫn còn lưu trên trang Quảng Đức - Australia. Đọc lại thấy những thông tin về quê hương Đức Phật Thích ca vẫn chính xác nên chia sẻ về đây hầu bạn đọc. (Có cập nhật thông tin và bổ sung hình ảnh từ các lần trở lại đây vào các năm từ 2012-2018)
Mùa An Cư Kiết Hạ 2019
_________________________








Về quê Đức Phật 
Nguyễn Phú

---o0o---


I- Đường đến Lumbini

Về Lumbini, khách hành hương thường đi từ Ấn Độ sang sau khi đã thăm viếng các thánh địa Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển), Kausinara (Câu Thi La),  vì Nepal có chính sách visa miễn phí cho các du khách chỉ ở trong vòng 3 ngày. Các công ty du lịch tận dụng điểm này để tiết kiệm chi phí. Tuy vậy, việc tổ chức như thế sẽ làm khách hành hương rất cập rập, lúc nào cũng chạy đua với thời gian, không thể buông xả tất cả đúng theo ý nghĩa một cuộc hành hương. Hơn thế nữa, cũng có thể khách sẽ không có thời gian thăm viếng các thánh tích khác liên quan đến giai đoạn đầu cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như cổ thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), thành phố Butwan - kinh đô cũ của vương quốc Kolya, quê ngoại của Đức Phật. Từ Ấn Độ sang Nepal sẽ qua cửa khẩu Sunauli cách thị trấn Bhairahawa 5km  và Lumbini 30km.
Ngã tư trung tâm Thành phố Bhairahawa - đi về các hướng Lumbini, Sunauli, Butwal, Kathmandu - 2019

Thị trấn Bhairahawa, tên chính thức trong hành chính là Sidharthanagar, nhưng tên Bhairahawa thường dùng hơn, tương đối phát triển so với một số thị trấn và thành phố khác ở Nepal vì là một trong hai cửa khẩu chính xuất nhập hàng hóa của Ấn Độ. Nơi đây có một sân bay nội địa, các khách sạn tương đối tốt (có cả khách sạn bốn sao), hạ tầng viễn thông và dịch vụ đầy đủ. Trước đây du khách quốc tế thường phải nghỉ đêm lại tại thị trấn này vì ở Lumbini không có khách sạn và không an toàn do tình hình chiến tranh. (Hiện tại - năm 2018-2019- xung quanh khu vườn thiêng Lumbini số lượng khách sạn từ 1 đến 5 sao đã hơn gấp nhiều lần Bhairahawa. NP)


 Một đường khác về Lumbini mà các du khách quốc tế ưa thích là bay thẳng đến Kathmandu, thủ đô của Nepal. Tại đây, du khách có thể lấy visa ngay tại sân bay với lệ phí 30$US, thời hạn 60 ngày. Sau khi nghỉ ngơi và thăm viếng các thắng cảnh - di tích của khu vực Kathmandu và núi Tuyết, họ sẽ xuôi về Lumbini bằng máy bay hoặc thú vị hơn là bằng xe bus để tận hưởng phong cảnh đẹp hiếm có dọc theo quốc lộ khi chuyển từ độ cao trung bình 2000m xuống 600m trên mực nước biển.

 Toàn bộ quê hương Đức Phật Thích Ca được Chính phủ Vương quốc Nepal trân trọng đặt tên là LUMBINI (một trong 16 khu hành chính tương đương cấp tỉnh) bao gồm cả Butwan và Kapilavastu. Làng Lumbini (nay là thị trấn) thuộc quận Rupandehi cách Bhairahawa 25km về hướng Tây Nam. Con đường chạy về Lumbini được đặt tên là Đại lộ Sidhartha (Tất Đạt Đa) hai bên có những hàng xoài cổ thụ xanh ngắt. Cây xoài được trồng dọc hai bên đường quốc lộ là một truyền thống có từ thời Đại đế Ashoka (A Dục vương)  mà nhiều nơi ở Nepal vẫn còn lưu giữ. Ngắm những cánh đồng lúa bát ngát hai bên đường, người Việt  sẽ cảm thấy mình thân thuộc hơn với quê hương của Đức Từ Phụ. Nếu đến vùng này vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 2, khi cải mustard (mù tạc) trổ hoa, một thảm hoa màu vàng chanh bao la tận chân trời sẽ là một ấn tượng không thể quên cho du khách.  Cách trung tâm thị trấn Lumbini chừng 2km, một tấm biển vàng bên tay phải đập vào mắt sẽ làm ấm lòng tất cả những người Việt Nam khi đến đây. Tấm bảng kẻ chữ Việt màu đỏ “Cô nhi viện Linh Sơn”. Đây là cô nhi viện do chùa Linh Sơn –Lumbini (trực thuộc Linh Sơn tự của kiều bào Việt Nam ở Pháp) lập ra. Hiện nay đã xây dựng xong nơi ăn ở và học tập, trong tương lai sẽ xây dựng thêm khu dạy nghề cho các trẻ mồ côi trong vùng. Chính cô nhi viện này đã khắc sâu tên Việt Nam vào trí nhớ của người dân vùng Lumbini. Chạy thêm 1km nữa, chúng ta gặp một ngã ba, trên một bệ đá cao 3m là tượng Đức Phật đản sanh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất bằng sa thạch đen. Hướng đi thẳng là về Kapilavastu, rẽ trái là vào Lumbini.
 
Tượng Đức Phật đản sinh tại ngã ba rẽ vào Khu Vường Thiêng Lumbini
Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc là ngài U Than - người Myanmar đã khởi xướng kế hoạch phục hưng Thánh địa Lumbini. Sang đến thập niên 70, một cơ duyên nữa đưa đến là việc lên ngôi của Quốc vương Shah Dev Birendra. Ngài đã từng du học tại Nhật Bản và là bạn của Quốc vương Nhật, cho nên đã vận động Nhật đứng ra tài trợ tài chính và nhân sự cho công cuộc khảo cổ và phục hưng quê hương Đức Phật. Một quy hoạch tổng thể đã được các chuyên viên hai nước thực hiện dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư danh tiếng người Nhật: Kenzo Tange, hoàn tất năm 1978. Nepal lập ra Tổ chức Lumbini Development Trust (Quỹ Phát triều Lumbini)có trách nhiệm và quyền hạn tuyệt đối để thực hiện quy hoạch này. Các tổ chức và tự viện Phật giáo trên khắp thế giới có thể xin được cấp từ 1 đến 4 hecta đất để xây dựng chùa trong khu vực quy hoạch với lệ phí trung bình hàng năm đóng góp cho Quỹ Phát triển Lumbini là 2.500$US. Khu vực quy hoạch là 200ha vuông vức tính từ trung tâm là trụ đá Ashoka. Người ta đã xây một hàng rào bê tông và song sắt chắc chắn xung quanh khuôn viên và dời tất cả dân cư trong khu vực ra thị trấn bên ngoài. Đất trong phạm vi quy hoạch là những cánh rừng thưa, tuy nhiên chúng ta có thể bắt gặp ở khu vực phía Đông một khoảnh rừng xoài  thân lớn bằng hai vòng tay người ôm và một cây cổ thụ cực lớn hàng trăm năm tuổi. Tất cả các phương tiện xe cộ đều phải đỗ lại bên ngoài hàng rào. Gần nơi đỗ xe có các khách sạn 4 sao, 3 sao và nhiều nhà nghỉ. Khách hành hương phải đi bộ chừng 1km từ cổng chính để chiêm bái nơi  Đản sanh của Đức Phật. Qua một cây cầu nhỏ bằng bê tông bắc ngang con sông Dầu (Telar River) có nguồn nước vừa ấm vừa lạnh nổi tiếng mà ngài Huyền Trang đã kể, chúng ta  gặp một chiếc hồ bán nguyệt nhân tạo to lớn và tuyệt đẹp. Hồ dài 2km, chỗ rộng nhất chừng 500m. Ngắm hoàng hôn hoặc bình minh trên hồ này là một trong những điều thú vị nhất ở Lumbini. Vượt qua con đường trải đá dăm chính giữa hồ, trụ đá của vua Ashoka cho chúng ta biết đã đến một trong những nơi thiêng liêng nhất địa cầu: nơi Đản sanh của Đấng Toàn Giác.

II- Một ngày ở Lumbini

Ngủ đêm lại bên trong khuôn viên Lumbini tại một trong các chùa quốc tế và sống một ngày trọn vẹn trong thánh địa là một phước báu hiếm người có được. Không khí nơi đây thật trong lành - không biết là do cách xa khói bụi ô nhiễm của thế giới hiện đại hay do trường năng lượng đặc biệt nơi này? Ta có thể hít căng lồng ngực và thong thả thở ra thật chậm, bất giác cảm thấy bước chân mình như nhẹ bổng, mọi nỗi ưu phiền trên đời dường như biến mất. Bình minh, hoàng hôn, trăng rằm ở nơi đây đều đặc biệt, không thể miêu tả vì chẳng đủ lời miêu tả. Tôi đã từng được đón Trung thu ở Lumbini. Vầng trăng như một chiếc mâm vàng lộng lẫy tráng một lớp bạc mờ lên cây cỏ, vòm trời, làm nền cho bóng dáng thanh thoát của những ngôi chùa. Văng vẳng trong không gian tịch mịch là tiếng chuông chùa đưa hồn ta vào cõi vô ưu.
 
Đêm trăng Lumbini
Khoảng ba bốn giờ sáng, tiếng kèn từ chùa Tara - Tây Tạng vang trong không gian tĩnh lặng báo thời công phu khuya. Chừng năm giờ, chùa Trung Quốc nổi trống Bát nhã, tiếng thanh la, não bạt hòa cùng bài kinh sớm như một bản hợp xướng tuyệt vời. Tôi bắt đầu đi kinh hành hướng về trụ đá Ashoka. Khu rừng thưa vẫn còn mờ tối, sương khói từ các hồ nước phảng phất trong các hàng cây làm cho khung cảnh trở nên huyền ảo. Khuôn viên của Lumbini bao giờ cũng tĩnh mịch, hầu như không có bóng người trong khoảnh rừng thưa 4km2. Tôi vừa thả chân dọc theo con đường mòn còn ướt đẫm sương, vừa ngân nga danh hiệu Đức Phật A Di Đà thật lớn, như một bài hát. Khi  đến chiếc cầu Hữu Nghị bắc ngang đoạn phía dưới của sông Dầu, tôi chợt gặp ba người: một ni sư tuổi trung niên dáng người nhỏ nhắn và hai chú tiểu khoảng 6 và 10 tuổi. Họ mặc đồ vải thô màu trắng, Ni sư khoác một chiếc y vàng chéo qua vai trái. Cả ba đều có đeo một chiếc túi vải vuông bên hông và trên tay mỗi người đều cầm một chiếc trống. Trống là một mặt da đường kính chừng 30cm căng trên một cái khung gỗ tròn, bên trên có viết những chữ Hán (sau này tôi được biết đó là mấy chữ: Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh). Không có tang trống nhưng tiếng trống này vang rất xa. Họ đang đọc kinh và chiêm bái mặt trời. Hóa ra đây là người ở chùa Nhật Bản - theo Liên Hoa phái.

 Ni sư nhìn tôi cười,  gương mặt toát ra một thần thái an tĩnh làm người đối diện bất giác sinh lòng kính ngưỡng. Biết tôi là người  Việt Nam, sư bảo chú tiểu nhỏ có gương mặt hết sức dễ thương trao cho tôi một chiếc trống và mời cùng đi kinh hành.

Trống đánh thong thả từng tiếng “tum-tum-tum-tum-tutum-tùm” và niệm Phật theo tiếng Nhật. Tôi không biết tiếng Nhật, nên lúc đầu tập trung đánh trống cho đúng, kế đó tôi niệm Phật bằng tiếng Việt: “Nam mô A Di Đà Phật”. Tôi đi mà người cứ lâng lâng như bay. Chúng tôi cùng hướng về phía trụ đá Ashoka. Cổng vào khuôn viên đã được mở khóa sẵn cho các vị sư, tăng người Nhật vào cầu nguyện mỗi buổi sáng sớm. Theo chiều kim đồng hồ, chúng tôi vừa gõ trống, niệm Phật vừa nhiễu quanh gốc bồ đề cổ thụ, hồ Maya, trụ đá rồi vào trong Maya Devi Temple (Đền thờ Đức Maya Devi).

Đó là một kiến trúc hình hộp vuông mỗi chiều dài chừng 25m, cao 7m, xây bằng bê tông sơn trắng. Kiến trúc này chụp lên bên trên những dấu tích của các tháp thờ được các nhà khảo cổ khai quật và xác nhận có trước kỷ nguyên Tây lịch. Bên trong là một lối đi bằng sàn gỗ rộng chừng 2m với lan can cũng bằng gỗ cao 1m. Một lối đi cụt được  nối chính giữa cạnh hướng Nam của lối đi và trung tâm của kiến trúc. Nơi đây có một bức tường gạch cổ nhô cao lên, trên đó có đặt bức phù điêu nổi tiếng miêu tả cảnh hoàng hậu Maya đản sinh thái tử Sidhartha. Bức phù điêu này được tìm thấy ngay tại đây vào năm 1899 và được giám định có vào thế kỷ thứ tư. Cuối hành lang cụt, nhìn xuống ta sẽ thấy một hộp kính chống đạn, có gắn đèn chiếu sáng. Giữa hộp là một dấu chân của trẻ em trên đá. Viên đá màu vàng đất này được gọi là “The Marker Stone” có kích thước là 70 x 40 x 10cm, được tin rằng chính là dấu chân của Đức Phật khi Ngài bước đi bảy bước làm chấn động địa cầu và thiên giới. Chúng tôi thành kính chiêm bái và cầu nguyện trước dấu chân và phù điêu, sau đó nhiễu chín vòng theo chiều kim đồng hồ. Trời cũng vừa rạng sáng.

Hôm nay là ngày rằm, theo thông lệ ở Lumbini là ngày có buổi cầu nguyện tập thể trước trụ đá Ashoka. Tất cả các chùa quốc tế trong khuôn viên đều nhận được thư mời từ trước đó 3 ngày có ghi rõ chi tiết giờ giấc, thứ tự cầu nguyện của từng chùa do Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Quốc tế tại đây là Hòa thượng trụ trì chùa Myanmar ký. Lễ cầu nguyện bắt đầu lúc 7 giờ sáng. Tất cả các chùa đều cử người tham dự, Lumbini Development Trust cũng hiện diện. Lần lượt các vị cao tăng của từng nước tụng đọc kinh bằng tiếng nước mình. Myanmar, Thái Lan tụng kinh bằng tiếng Pali; chùa Tara bằng tiếng Tây Tạng. Ba nhà sư Trung Quốc với chuông mõ và giọng tụng hài hòa như hát. Sau hai mươi phút, tất cả các chùa cầu nguyện xong thì  chùa Nhật kết thúc bằng bài kinh tiếng Nhật với số lượng đông nhất cùng tiếng trống Liên Hoa. Nếu bạn đến Lumbini vào đúng ngày rằm, xin đừng để lỡ buổi cầu nguyện này. Không dễ gì có may mắn được tụng và nghe kinh bằng mười mấy ngôn ngữ cùng các vị cao tăng của các nước.

Buổi lễ kết thúc, tôi từ giã các vị Tăng, Ni chùa Nhật để đi tham quan Khu vườn Thiêng liêng (Sacred Garden). 4ha khuôn viên của khu vườn xung quanh Maya Devi Temple được rào bằng lưới mắt cáo. Cổng chính nằm ở hướng Đông. Du khách phải mua vé 50 rupees (khoảng 10.000 đồng VN), miễn phí cho các vị ni và sư. Giữa những nền gạch đỏ phế tích của các tháp đền có niên đại từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch đến thế kỷ thứ VIII sau Tây lịch, các loại hoa cỏ được chăm sóc kỹ lưỡng làm nơi đây bừng lên sức sống mới. Đặc biệt, ta có thể gặp bên các lối đi lát đá xanh những bồn tròn chu vi 1m trồng loại hoa súng có màu vàng hoặc cam kỳ lạ. Theo tay phải, chúng ta len giữa các nền tháp cũ đến hồ Maya, nơi hoàng hậu Maya đã tắm trước khi sinh Đức Phật. Hồ này được xây viền hình vuông bằng xi-măng mỗi chiều 10m. Nước hồ mát lạnh, được tin là thiêng liêng, với lòng thành kính dùng nước này rửa mặt sẽ làm tâm trí sáng láng. Người Hindu tôn sùng hồ thiêng này tương đương với các hồ thiêng khác của họ (họ gọi là Sacred Pond) nên cũng thường dùng nước hồ này để tẩy rửa tội lỗi và chúc phúc. Trong hồ có nhiều cá rất lớn, có cả một cặp quy to chừng tám tấc sinh sống, thỉnh thoảng lên nằm trên thành hồ chầu về phía trụ đá. Cây Vô ưu (Ashok) mà hoàng hậu Maya đã vịn cành để sinh thái tử Sidhartha đã héo chết từ thời ngài Huyền Trang chiêm bái nơi đây (thế kỷ thứ VII). Ở hướng Nam của hồ là một cây bồ đề đại thụ hùng vĩ mọc trên một gò đất cao. Phần gốc của bồ đề này có một khoảng trống hẹp được gọi là “Hope hole” (Lỗ hy vọng). Tương truyền, ai có nguyện ước gì sau khi cầu nguyện dưới cây bồ đề nếu chui lọt qua Hope hole thì nguyện ước sẽ thành sự thực. Từ những nhánh của cây bồ đề này, người ta giăng ra khắp bốn hướng những dãy phướn ngũ sắc in những câu chú và hình Phật. Gió đi qua các lá phướn và rải tung ra bốn phương những câu chú đó như lời chúc phúc cho mọi người.

Hai mươi mét về hướng Bắc hồ Maya là trụ đá Ashoka. Năm 1896, các nhà khảo cổ căn cứ theo kinh sách và hồi ký của ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đã tìm lại trụ đá mà Đại đế Ashoka sau khi hành hương đến đây đã cho dựng để đánh dấu nơi Đản sanh của Đấng Toàn Giác. Trụ đá đã mất phần tượng hình ngựa trang trí trên đầu và nứt vỡ vì sét đánh (theo lời ngài Huyền Trang). Ngày nay phần trên của trụ đá cao chừng 6m được niềng lại bằng vòng sắt và dựng thẳng đứng bên cạnh phần gốc nhô lên khỏi mặt đất chừng 1m. Hàng ngày có rất nhiều người từ các quốc gia và tôn giáo đến chiêm bái và cầu nguyện trước trụ đá. Để tránh tình trạng hủy hoại di tích, người ta đã làm một hàng rào sắt cao ngang đầu người vây quanh trụ đá.

 Trước khi đến Lumbini, tôi đã hình dung nơi đây hương tàn khói lạnh vì nằm trong vùng dân chúng theo Hindu giáo nên thật ngạc nhiên khi thấy cảnh lễ bái tấp nập của người địa phương. Những phụ nữ mặc sari sặc sỡ mang chiếc đĩa bạc có thực phẩm, bột màu đỏ, đèn bơ đến trước cây bồ đề và trụ đá thành kính lễ bái và cúng dường. Vào những ngày lễ, số lượng có thể lên đến hàng ngàn người, mà ở Nepal và Ấn Độ lễ hội tháng nào cũng có. Tìm hiểu thì mới biết Hindu giáo tôn thờ Đức Phật Thích ca Mâu Ni là hóa thân thứ chín của thần Vishnu (vị thần tối cao của Hindu giáo) và Đức bà Maya Devi được tôn thờ là Rupa Devi - vị nữ thần Mẹ của Lumbini (Mother Goddess of Lumbini). Vì thế ở tất cả các đền thờ của Hindu giáo tại Nepal đều có tôn tượng của  Đức Phật Thích Ca... Thậm chí trên cổng chào của thành phố nghỉ mát nổi tiếng nhất Nepal là Pokhara cũng có tượng của Đức Phật và Thần Shiva ngự ở hai bên. Người Nepal tự hào là họ có thể có bất đồng về chính trị nhưng không hề có xung đột tôn giáo. Sự giao thoa giữa Phật giáo và Hindu giáo thật hài hòa làm cho tín ngưỡng nơi đây có một sắc thái đặc biệt phù hợp với tinh thần khoan dung của Đại đế Ashoka đề xướng. 

Đứng trước trụ đá nhìn về hướng chính Bắc sẽ hiện ra trước mặt chúng ta một ngọn tháp trắng tinh khiết giữa nền trời xanh ngọc.  Đây chính là Đại tháp Hòa bình Thế giới do Nhật Bản xây dựng, ở vị trí đặc biệt nhất trong khu vực Lumbini. Tháp Hòa bình Thế giới cùng với chùa Nhật Bản được xây dựng bên ngoài khuôn viên Lumbini, cách trụ đá chừng 4km. Nếu kẻ một đường thẳng thì điểm đầu là trụ đá Ashoka đánh dấu nơi Đức Phật ra đời,  kế đó là Ngọn Lửa Hòa bình Vĩnh cửu, kế tiếp là Đại tháp Hòa bình. Điểm cuối trong trục thẳng, đó chính là những đỉnh núi tuyết của Hymalaya.

Theo con đường chính giữa hồ bán nguyệt nhân tạo, tôi đi về hướng Bắc của khuôn viên Lumbini, nơi được quy hoạch dành cho các chùa quốc tế. Cách trụ đá 1km là Ngọn lửa Hòa bình Vĩnh cửu (Peace Eternal Flame). Ngọn lửa đốt bằng khí gaz hừng hực cháy suốt ngày đêm trên đài sen đặt trên bệ đá hoa cương trắng cao hơn mặt đất chừng 1m. Bên tay phải là Đại hồng chung Hòa bình có đường kính hơn 1m. Sau lưng Ngọn lửa Hòa bình là con kinh đào rộng 10m chạy thẳng tắp cả cây số hướng về Đại tháp Hòa bình chia khu vực chùa thành hai  khu Tây và Đông. East Zone Monastery (Khu chùa Đông ) bên tay phải  dành cho các chùa theo Tiểu thừa như: Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ,  Thiền viện Vipassana, Sri Lanca… West Zone Monastery (Khu chùa Tây) bên tay trái dành cho các chùa theo Đại thừa như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Tạng, Áo, Linh Sơn tự (Hội Phật giáo Việt kiều ở Pháp), Việt Nam Phật Quốc tự (Việt kiều ở Úc - chùa tư nhân), Nepal… Tùy theo sự tự lựa chọn của các nước (riêng Việt Nam là của tư nhân) mà Lumbini Development Trust sẽ giao cho từ 1 đến 2 hoặc 4ha để cất chùa. Có một thực tế đáng buồn cho người Việt Nam khi tìm hiểu về các ngôi chùa quốc tế nơi đây. Trong khi các quốc gia khác ngôi chùa là đại diện cho hình ảnh của quốc gia nên do chính Giáo hội Phật giáo và chính phủ đứng ra xây dựng. Điển hình như Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và Tây Tạng. Các ngôi chùa này thật hoàn mỹ về kiến trúc, mang nét đặc sắc của văn hóa quốc gia và được xây dựng tuân thủ nghiêm nghặt bản vẽ thiết kế tổng thể. Chùa Thái Lan như một hoa sen trắng tinh tuyền, dưới tầng hầm đặt những pho tượng vàng khảm hồng ngọc lễ vật của Nhà vua Thái Lan. Chùa Myanmar với ngọn tháp vàng mô hình thu nhỏ của Tháp Vàng nổi tiếng của Miến Điện và ngôi chùa chạm trổ hoa văn tinh tế ẩn hiện giữa cây xanh. Chùa Trung Quốc là mô hình thu nhỏ của Thiếu Lâm tự với hoa viên tuyệt đẹp và Đại Hùng bảo điện uy nghiêm. Chùa Tara Tây Tạng với trang trí cầu kỳ, tường vách được vẽ những bức thangka vĩ đại, chăm chút từng góc tường, lan can, tay vịn. Phật Quốc tự là chùa Việt Nam, xây dựng không theo một kế hoạch tổng thể, nên nhìn vào những kiến trúc chỉ có cảm giác lộn xộn, chắp vá, chưa xứng tầm với truyền thống kiến trúc chùa tháp đặc sắc của Việt Nam.
 
Đại tháp Hoà bình - Peace Stupa
Tôi hướng thẳng về phía Đại tháp Hòa bình sau khi vào thăm víếng các ngôi chùa Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan của khu Đông - khoảng cách khá xa, đến tận ba bốn cây số, nhưng là dịp để đi bộ rất tốt, huống chi có thể ngắm nhìn động vật hoang dã trong các khoảnh rừng thưa nơi này. Trong khuôn viên Lumbini, vì được bảo vệ tốt, không có dân cư sinh sống nên các loài thú hoang tìm về ngày một nhiều. Chúng ta có thể gặp nai, vượn bạc má, khỉ, chó rừng... Chim chóc thì nhiều vô cùng. Nepal có số lượng chim chiếm đến 8% toàn thế giới nên Lumbini cũng không là ngoại lệ. Một trong các loài chim được Chính phủ Nepal và Hiệp hội Hạc thế giới bảo vệ tại đây là hạc xám (tác giả của cuốn sách “Khi hồng hạc bay về” đã nhầm về chi tiết này!). Loài hạc này có bộ lông xám, cao gần hai mét. Chúng sinh sống trên những cánh đồng lúa của Lumbini từ rất lâu đời và hoàn toàn thân thiện với con người nơi đây. Những mảnh ruộng nào có chim hạc làm tổ đều được chủ ruộng tận tâm bảo vệ vì họ xem đó là điềm lành cho gia đình và thôn xóm. Hạc xám có một tập tính rất đáng yêu là chung thủy, không chỉ với bạn đời mà với cả mảnh đất mà nó sinh sống. Khi đã chọn nơi làm tổ rồi thì năm nào nó cũng về đúng ngay nơi đó để làm ổ lại. Chính vì thế trên mảnh ruộng hoang nằm giữa khuôn viên các chùa Tara - Linh Sơn - Phật Quốc tự có một cặp hạc năm nào cũng về đẻ trứng.  

Đến khuôn viên của Đại tháp Hòa bình, tôi bỏ dép bên ngoài, để đôi chân trần cảm nhận được hơi lạnh tinh khiết từ những phiến đá thô lát dọc con đường vào tháp. Chúng tôi bước dần lên  các tầng trên của tháp. Tháp là một kiến trúc  hình bán cầu, đường kính đáy khoảng 60m, chiều cao cũng xấp xỉ. Tháp gồm có ba phần, đáy theo kiểu Nhật, phần giữa hình vòm là phong cách của Ấn Độ, đỉnh là một tháp nhỏ năm vòng tròn đồng tâm nhỏ dần lên trên là kiến trúc của Nepal. Bốn mặt của tháp khoét lõm vào đặt bốn cụm tượng khoảng 3m x 4m mạ vàng chói lọi, thể hiện bốn giai đoạn cuộc đời Đức Phật : Đản sinh - Thành đạo - Truyền pháp - Nhập diệt. Trên nóc tháp là một chóp nhọn mạ vàng biểu trưng ngọn lửa - mặt trời - hoa sen. Khi đến phía sau Đại tháp, tôi như choáng ngợp trước khung cảnh đang hiện ra trước mắt. Giữa đồng bằng mênh mông, một khung cảnh không thể nào quên trở thành sự thực ngay trước mắt tôi. Cao vượt trên dãy núi xám cuối chân trời nổi lên uy nghi, ngạo nghễ những đỉnh trắng toát mà chân thì một màu xanh trùng với màu trời. Đó chính là những đỉnh núi tuyết của Hymalaya, chỉ có thể thấy vào những hôm trời trong, quang đãng. Dù cách xa đến 600km nhưng ấn tượng về vẻ huy hoàng của núi tuyết tại đây khắc sâu vĩnh viễn trong tôi. Sau này có nhiều dịp ngắm núi tuyết từ các địa điểm khác nhau ở  Nepal, nhưng không nơi nào cho tôi cái cảm giác bình an như ở Lumbini. Cứ như những đỉnh ấy là thiên giới, giờ thì tôi tin là kinh tả sự thực về những cung trời. Tôi ngất ngây trước núi tuyết.

 Sau khi nhiễu ba vòng và niệm Phật trên tháp, chúng tôi vòng xuống lễ Phật tại ngôi chùa khiêm tốn của người Nhật. Chúng tôi vào chùa Nipponzan Myohoji - Ngôi chùa thật nhỏ nhắn, khiêm cung bên cạnh Đại tháp. Chỉ có một gian chánh điện 30m2 và hai dãy tịnh xá trệt. Ở giữa các kiến trúc là những mảnh vừơn nhỏ kiểu Nhật. Có cả những vườn đá trải sỏi theo phong cách Thiền đạo Nhật Bản. Chúng tôi cùng các Ni sư và Sa di tại đây tụng một thời kinh. Ni sư ý nhị bảo Sa di Monju (Văn Thù) lấy cho tôi cuốn kinh Nhật phiên âm La-tinh. Thế là tôi ê a đọc kinh bằng tiếng Nhật. Chia tay mọi người, vốn liếng tiếng Nhật tôi học vỡ lòng hơn 10 năm trước chỉ còn có mấy chữ: “Arigato – sayonara!” (Xin cám ơn - Tạm biệt). Sa di Monju cứ đứng nhìn theo, cười toe toét phô cả hàm răng sún.

 Trên đường về, tôi tạt vào quán ăn nhỏ trong khuôn viên Đại tháp ăn quấy quá cho xong bữa trưa. Món ăn phổ thông nhất tại Nepal là chowmen (mì xào theo kiểu Nepal - Ấn Độ) và momo (há cảo). Sau khi ăn xong, tôi thả bộ về khu vực các chùa bên trong khuôn viên Lumbini. Bên cạnh chiếc cầu Hữu Nghị bắc qua dòng sông Dầu là một kiến trúc đầy ấn tượng. Đó là bảo tàng và thư viện Lumbini nằm trong Cultural Zone (Khu vực quy hoạch dành cho văn hóa). Kiến trúc trang trí bề mặt bằng gạch đỏ, hình dáng như những ống tròn chồng lên nhau biểu tượng cho sự giao lưu văn hóa. Vé vào cửa là 50 rupee. Bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật quý giá do các nhà khảo cổ tìm được tại Lumbini; đáng chú ý nhất là một phù điêu bằng gốm tạc hình thái tử Sidhartha và công chúa Yasodhara. Thư viện có chừng 20.000 đầu sách, trong đó sách về Phật giáo chiếm đa số.

 Rời Bảo tàng thì đã gần bốn giờ chiều. Tôi trở lại khu vực trụ đá Ashoka để ngắm hoàng hôn. Đang ngồi mơ màng trên thảm cỏ của hồ bán nguyệt, chợt phía sau lưng có tiếng kêu mừng rỡ. Ông Nepal - đại diện của Lumbini Trust tại Lumbini đang ngồi trên xe đạp vẫy tay rối rít. Tôi chạy vội ra, hỏi thì ông chỉ cười rồi hối tôi đạp xe thật nhanh. Ra khỏi khuôn viên Lumbini, đến  dãy nhà chính của thị trấn, ông bảo tôi dựng xe đạp ở đó rồi dắt tay tôi đi tiếp. Thật bất ngờ, tôi được gặp một con hạc xám nơi đây. Hạc thong thả đến trước cửa từng nhà, dừng lại chờ chủ nhà cho thức ăn rồi chậm rãi bước sang cửa nhà kế cận, cốt cách thanh tao như một nhà sư đi khất thực. Tôi cũng mua vội mấy miếng biscuit bẻ nhỏ rồi đưa đến trước mặt hạc. Nó dùng chiếc mỏ dài và sắc khéo léo nhặt từng vụn bánh trong tay tôi. Sau khi ăn xong, hạc nhìn thẳng vào mắt tôi gật gật đầu mấy cái rồi mới sang nhà bên cạnh. Bộ lông xám của hạc đã có nhiều đốm bạc, không biết đã được bao nhiêu tuổi. Ngày hạnh phúc ở Lumbini đã khép lại với hình ảnh của hạc xám trong bóng chiều sương khói.

III- Cổ thành Kapilavastu

Từ Lumbini, chỉ cần đi chừng 20km, chúng ta sẽ đến được cổ thành Kapilavastu. Trước đây Ấn Độ cho rằng Kapilavastu nằm trên lãnh thổ của họ căn cứ vào chiếc bình đựng xá lợi Phật Thích Ca tìm thấy  tại Pipràvà năm 1898 bên trong chứa phần xá lợi được chia cho bộ tộc Thích Ca. Phần xá lợi sau đó được người Anh tặng cho Quốc vương Thái Lan, còn chiếc bình hiện nằm trong Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện tại các nhà khảo cổ đã khẳng định rằng: kinh đô Kapilavastu thực sự nằm ở Tilaurakot thuộc Nepal, còn địa danh Kapilavastu ở Pipràvà Ấn Độ là nơi những hậu duệ của bộ tộc Thích Ca sau khi trốn khỏi cuộc thảm sát của Vidudhaba ( Tần Bà Lưu Ly) xây dựng nên. Chính phủ Nepal đã chính thức đổi tên quận Tilaurakot thành quận Kapilavastu để khẳng định vị trí của cổ thành.

Đường về Kapilavastu hiện nay là đường nhựa tương đối tốt tuy hơi hẹp. Mặc dù có nhiều bót gác dọc theo đường và kiểm tra chặt chẽ do nơi đây nằm sát biên giới Ấn Độ và là vùng hoạt động của du kích Maoist, nhưng với những đoàn khách hành hương thì không có vấn đề gì. Phong cảnh nơi đây thật gần gũi với người Việt: những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, hàng đàn cò trắng chập chờn trên những rặng cây.

Ngoài Lumbini, Lumbini Development Trust còn phụ trách việc quản lý và phục hưng các địa danh khác như: Kapilavastu, Arorakot (sinh quán của Đức Phật Kanakmuni-Ca Diếp), Niglihawa (nơi có trụ đá của Ashoka đại đế đánh dấu nơi sinh và thành đạo của Đức Phật Kanakmuni), Devadaha (cổ thành của bộ tộc Koliya, quê hương của Đức Mayadevi, Prajapati và Yasodhara), Ramagrama ( nơi có tháp thờ một trong tám phần xá lợi Phật được chia lần đầu tiên sau khi Phật nhập Niết bàn, đây là phần chia cho Quốc vương Ramagrama),…Vì phải tập trung tại khu vực chính là Lumbini, nên các khu vực khác hiện nay chưa được trùng tu và bảo vệ kỹ lưỡng.

Đến thị trấn Tilaurakot, chúng tôi rẽ sang đường đến làng Niglihawa trước. Đến nơi thì đây là một gò đất cao nổi bật giữa khung cảnh bằng phẳng của vùng đồng bằng. Những gò đất như thế theo các nhà khảo cổ chắc chắn chứa đựng những di chỉ kiến trúc cổ xưa bên dưới. Chúng tôi đến chiêm bái và cầu nguyện trước tôn tượng Phật Ca Diếp, sau đó vào tham quan trụ đá Ashoka tại đây. Trụ cũng đã gãy làm hai đoạn và phần trang trí trên đầu tượng cũng đã mất. Phần gốc nhô khỏi mặt đất hơn 1m, thân trụ được đặt nằm dài trên mặt đất. Người ta đã dựng tạm một nhà che để bảo vệ trụ này. Tôi lấy dụng cụ mang theo tỉ mẩn đồ hình lại những dòng chữ và hình chim trên thân trụ. Dù không đọc được nhưng cảm giác những dòng chữ này do chính Đại đế mộ đạo truyền lại làm cho tôi vui sướng tột cùng.

“Đại thành phía Tây Bắc hơn 60 dặm lại có một thành cũ, nơi mà trong hiền kiếp nầy con người thọ đến 20 ngàn tuổi, và cũng là nơi mà Đức Phật Ca Diếp sanh ra. Thành ở phía Nam cũng có một bảo tháp. Đây là nơi mà sau khi thành Chánh giác, Đức Phật đã gặp phụ thân lần đầu. Thành phía Bắc cũng có một bảo tháp, nơi đây thờ toàn thân xá lợi của Đức Phật Ca Diếp; tất cả đều do vua A Dục dựng nên. Từ phía Đông Nam này, đi hơn năm trăm dặm đến nước Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ (Kapilavastu)”. 

 Đó là những lời trong Đại Đường Tây Vực ký của ngài Huyền Trang mô tả về nơi này. Đọc lại những lời này tại đây lòng không khỏi bồi hồi cảm xúc trước công nghiệp vĩ đại của Đại sư. Người đã vượt hàng ngàn ki-lô-mét bằng đường bộ xuyên qua biết bao hiểm nguy, gian khó.
 
cổng vào cổ thành Kapilvastu
Chúng tôi quay về hướng cổ thành Kapilavastu. 400m trước cổng vào cổ thành là Bảo tàng Kapilavastu. Bảo tàng này mở cửa vào hàng ngày trừ thứ Ba và thứ Bảy, vé vào tham quan là 20 rupee. Trong nhà che ở sân khuôn viên bảo tàng là một số hiện vật tìm được tại cổ thành. Những đầu máng nước, chân cột, phù điêu, tượng... bằng đá hoa cương tuy hư hao vì thời gian nhưng vẫn có thể thấy vẻ tinh xảo của tay nghề điêu khắc xa xưa. Các nhà khảo cổ đã cho biết có những hiện vật có từ thế kỷ thứ VIII trước Tây lịch, tương đương thời kỳ huy hoàng của văn minh Hy Lạp. Bên trong bảo tàng là những tủ kính trưng bày rất nhiều hiện vật quý. Tiền xu, hạt đá mã não, nữ trang, dụng cụ sinh hoạt: bình, lọ, tô, chén, cối bằng đất nung, đá, ngọc…, dụng cụ sinh hoạt: lưỡi câu, chì, xẻng, đục, cày… Tuy các hiện vật quý nhất đã được đưa về Bảo tàng Quốc gia về Phật giáo ở Kathmandu bảo quản vì vùng này có chiến tranh và sát biên giới với Ấn Độ, nhưng chỉ với những hiện vật còn lại cũng có thể cho ta hình dung sự phồn thịnh của nước cộng hòa Shakya xưa kia. Du khách nếu thích có thể yêu cầu nhân viên bảo tàng đưa vào phòng video (100 rupee/người), tại đây sẽ được xem một video trong 1 giờ về quá trình khảo cổ, các hiện vật tìm được, kể cả minh họa đời sống trong cổ thành xa xưa.
 
Bảo tàng Kapilvastu
Khuôn viên cổ thành nay đã được quy hoạch lại, dời dân cư sinh sống trong đó ra ngoài và rào tạm bằng dây thép gai. Tuy không bán vé tham quan nhưng Lumbini Development Trust có lập một  loại sổ để khách ký tên lưu niệm và quyên cúng tiền. Đường vào khu cổ thành dẫn đến cổng Tây thành. Cổng thành cũng như tất cả các kiến trúc tại đây ngày nay chỉ còn được nhận ra qua các lớp gạch trên mặt đất. Lối đi của cổng Tây rộng 6m, các vách gạch cao hơn mặt đất chừng 1m, cổng bị hư hoại ít nhất. Một đoạn bờ thành rộng 3m và dài 6m cũng còn hiện diện gần đó. Cổng Tây này chính là cổng thái tử Sidhartha xuất thành và chứng kiến các cảnh Sinh-Lão-Bệnh-Tử.


Di tích cổ thành Kapilvastu



Theo con đường mòn ngoằn ngoèo, chúng tôi vào đến trung tâm cổ thành. Nơi đây những nền gạch rêu phong cùng với các chân vách là tất cả những gì còn lại của nơi thái tử Sidhartha đã sống trong 29 năm đầu đời. Không biết đâu là nơi của các cung điện mùa hạ, mùa đông, mùa mưa mà Quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn) đã cho xây cất dành cho thái tử yêu quý của mình? Trong khu vực hoàng cung còn có những cây cổ thụ chu vi hai  ba vòng tay người ôm, những hồ nước  rộng…. Có lẽ đó là di tích còn lại của vườn thượng uyển. Vài trăm mét về hướng Bắc của hoàng cung có một đền thờ nhỏ cổ xưa và hư hỏng nhiều, mái đã sụp, một cây bồ đề mọc trùm lên, rễ xuyên vào các vách tường vừa giữ các vách tường không đổ sập xuống vừa hủy hoại dần chúng đi. Đó là đền thờ nữ thần Somaya Mai của Hindu giáo. Sách Đại Đường Tây Vực ký của ngài Huyền Trang chép rằng:

"« Nước Ca Tỳ La Vệ chu vi hơn bốn ngàn dặm. Cung thành đa số đều bị hoang phế. Vương thành cũng không biết lớn là bao nhiêu, chỉ còn thành nội chu vi là 14.5 dặm. Nơi đây chỉ còn sót lại gạch ngói giống như vườn không nhà trống lâu nay chẳng ai vào, chẳng có ai là thủ lãnh của thành. Đất đai nơi đây cũng tốt, cày cấy lúa, khí hậu điều hòa, phong tục sáng sủa. Có hơn 1.000 ngôi già lam, mà nơi cung thành chỉ có một ngôi mà thôi. Khoảng hơn 3.000 Tăng sĩ, tu theo Chánh lượng bộ thuộc Tiểu thừa. Đền thờ có hai cái, ngoại đạo sống rất hỗn tạp.

Tại cung nội, còn một nơi là điện đường của vua Tịnh Phạn, trên đó có dựng một tịnh xá và bên trong có tượng của vua. Gần đó không xa còn một di tích của bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Đạt Thuật). Trên đó cũng dựng một tinh xá và trong đó có tôn tượng của phu nhân. Tinh xá này là nơi mà Bồ tát Thích Ca đã giáng thần vào thai mẹ. Nơi đó cũng có một tượng Bồ Tát giáng thần".
 
Đền Somaya Mai
Có lẽ đền thờ Somaya Mai ngày nay chính là tinh xá Bồ tát Thích Ca giáng thần mà ngài Huyền Trang đã kể, trải qua hàng ngàn năm biến động đã trở thành đền thờ Hindu giáo. Bên trong đền thờ này tôi vẫn còn thấy mấy pho tượng đá  hình nữ thần, hình voi.

Cổng phía Bắc và phía Nam nay đã không còn dấu tích. Dòng suối cung tên nay đã cạn khô, ao tắm của dòng họ Thích nay là một hồ nước cỏ hoang mọc đầy, tuy vẫn còn lác đác hoa sen  gợi nhớ cảnh « nước trong như gương, hoa thơm đầy rẫy" Tinh xá của hoàng phi Yasodhara (Da Du Đà La) và hoàng tử Rahula (La Hầu La) ở cổng Nam nay cũng không còn, trên mặt đất chỉ vương vãi những mảnh gạch vụn nhắc ta lẽ vô thường của cõi nhân gian.

Cổng phía Đông còn di tích giống như cổng phía Tây. Đây là cổng thái tử Sidhartha đã cỡi ngựa Kanthaka (Kiền Trắc) vượt thành xuất gia cầu đạo.  Cổng này ngày nay hướng ra một cánh đồng bao la. Đền thờ Tự Tại Thiên nơi cầu nguyện cho các chú bé họ Thích Ca và cung điện làm nơi học tập cho các vương tử cũng đã hòa vào những thân lúa xanh ngăn ngắt kia rồi. Dẫu biết có sinh ắt có diệt, nhưng sao trong lòng vẫn cứ rưng rưng.

Không đủ thời gian để thăm viếng các di tích khác như: nơi thái tử Sidhartha ngồi xem cảnh cày cấy và nhập định lần đầu tiên, nơi dòng họ Thích bị tàn sát, nơi Đức Phật độ cho phụ vương, nơi Ngài nhận cà sa của di mẫu và độ cho 800 vương tử và 500 người họ Thích Ca.,...chúng tôi đành quay về Lumbini khi trời ngả về chiều. Tôi thầm cầu nguyện cho hòa bình mau trở lại trên vùng đất linh thiêng này khi thấy cảnh binh lính mang vác súng ống đi tuần hai bên đường. Chiến tranh đã hủy diệt cổ thành này, tàn sát biết bao nhân mạng. Vì sao đến tận thế kỷ XXI, con người vẫn cứ dùng bạo lực để giải quyết các bất đồng ? Hỏi mà không thể có câu giải đáp, lòng buồn day dứt.

Ngày còn bé, tôi đã được đọc sự tích Đức Phật, ngắm những bức tranh minh họa cuộc đời Ngài tại các chùa. Ngay cả khi đã đi làm, có dịp đến các ngôi chùa Khmer cổ ở vùng Trà Ôn - Vĩnh Long, những hình ảnh về cuộc đời Đức Phật vẫn cứ làm tôi rung động. Tôi đã vẽ một vài ảnh tượng của Ngài và lòng thầm ao ước được đến chiêm bái quê hương Đức Từ Phụ. Không ngờ nay ước vọng lại thành sự thực, còn nỗi hạnh phúc nào hơn. Cuộc đời không biết còn có những gì, nhưng với phước báu đã được hưởng, tôi nguyện trước di tích thiêng liêng sẽ gắng thanh lọc thân tâm và hiến tất cả sức lực phụng vụ mọi người. Cầu nguyện Ánh sáng An lạc sẽ soi sáng tất cả chúng sinh.

 Lumbini, mùa Phật đản 2630



1. Buổi cầu nguyện sáng ngày rằm trước trụ đá Ashoka (không phải ngày Phật Đản)

2. Khung cảnh khu vườn thiêng (Sacred Garden)

3. Tháp Vàng chùa Myanmar

4. Chùa Thái Lan tại Lumbini

5. Chùa Trung Hoa

6. Chùa Tara của Tây Tạng

7. Đại tháp Hòa bình

8. Hạc xám đi khất thực ở Lumbini

9. Bên trụ đá Ashoka đánh dấu nơi sinh và thành đạo của Đức Phật Ca Diếp

10. Cổng Tây cổ thành Kapilavastu

11. Di tích Hoàng cung Ca Tỳ La Vệ

12. Cổng Đông cổ thành Kapilavastu.

Link bài này: http://www.tuvienquangduc.com.au/Thanhtich/28vequeducphat.html?fbclid=IwAR35oDgkNeNC9Yx4--WRDv3ZxYW4-PxmGY26phSXpnJoaq1cbEgczJS04ps