8 giờ sáng nay ngày 13/02/2013, một nhà sư Tây Tạng
đã tự thiêu ngay trước Bảo tháp nổi tiếng Boudhanath ở Thủ đô
Kathmandu, Nepal.
Nhà sư Tây tạng tự thiêu ở Boudhanath ngày 13/02/2013 |
Nhà sư khoảng 20
tuổi (chưa được nhận diện) vào một quán café tưới dầu hỏa ướt đẫm
thân mình rồi đi ra ngay chính diện bảo tháp Boudha bật quẹt tự châm
lửa lên thân mình. Ông hô to mấy câu khẩu hiệu phản đối Trung Cộng
giữa đám lửa phừng phừng bốc cháy từ thân người mình rồi ngã quỵ
xuống đất. Cảnh sát đã dập tắt lửa và chở ông đi bệnh viện để cấp
cứu.
Đây là người Tây
Tạng đầu tiên tự thiêu tại Nepal.
Năm 1959, khi Tây
Tạng bị Trung Cộng chiếm đóng bằng võ lực, hàng chục ngàn người Tây
Tạng đã di tản sang Nepal và được vương quốc theo đạo Hindu này mở
rộng vòng tay cưu mang. Hoàng gia Nepal và Chính phủ ủng hộ sự phản
kháng của người Tây Tạng lưu vong cả trên chính trường quốc tế cũng
như bằng hành động. Nepal đã trở thành căn cứ địa và là cánh cửa
mở rộng cho những người Tây Tạng đào thoát sự cai trị của Trung
Cộng. Có lẽ đó chính là một trong lý do chủ yếu để Trung Cộng
chống lưng, cung cấp võ khí và huấn luyện cho lực lượng Maoist khởi
nghĩa vũ trang chống lại hoàng gia Nepal năm 2002 gây nên cuộc nội
chiến kéo dài suốt 5 năm tổn thất hơn 30.000 sinh mạng.
Năm 2007, hoàng gia
Nepal bị lật đổ. Nepal trở thành một nước cộng hòa lập hiến (tạm
thời). Đảng Maoist tham gia chính trường và thắng lớn nhờ đa số phiếu
của dân nghèo và nông dân ở nông thôn. Chính phủ đầu tiên và chính
phủ hiện tại của nước cộng hòa non trẻ này thành lập bởi liên minh
Maoist với thủ tướng là chủ tịch Maoist Prachanda và hiện nay là phó
chủ tịch Maoist Bhattarai. Kể từ khi Maoist nắm quyền, Nepal đã quay
ngoắt 180 độ trong chính sách với Tây Tạng. Chính phủ Nepal tuyên bố
chính sách “Một nước Trung Hoa” và không công nhận cũng như dung thứ
bất cứ hành vi nào phản đối Trung Cộng của người Tây Tạng ở Nepal.
Chiêu thức của
Trung Cộng ở Nepal hiện nay cũng không ngoài bài bản vung tiền mua đứt
như đã từng sử dụng thành công ở Cambodia và Lào. Tháng 1/2012, trên
đường đi dự hội nghị quốc tế ở Trung Đông, Thủ tướng Trung Cộng Ôn
Gia Bảo dừng chân 5 giờ đồng hồ ở Kathmandu, Nepal. Kết quả của chặng
dừng chân đó là Trung Cộng sẽ cấp viện trợ 300 triệu USD cho Nepal trong
vòng hai năm. Tháng rồi (01/2013) một dự án cấp nước trị giá 90
triệu USD cho Kathmandu được gọi thầu lại (công ty Trung Cộng thắng
thầu lần trước đã bỏ ngang không thực hiện hợp đồng). Trong số 12
công ty quốc tế đăng ký đấu thầu thì có đến 9 công ty Trung Cộng.
Chắc chắn là một trong các công ty Trung Cộng sẽ thắng thầu vì giá
rẻ và đi đêm với quan chức chính phủ Nepal. Thánh địa Phật giáo
Lumbini cũng không thoát bàn tay lông lá của Trung Cộng. Một cưu đại
sứ Trung Cộng thời 1990 đã lập ra một Quỹ Đầu tư trị giá 3 tỷ USD với
chủ tịch Maoist Nepal Prachanda đứng đầu, với kế hoạch biến vùng
Lumbini thành một đô thị hiện đại với sân bay quốc tế, khách sạn….
Tất nhiên là không thể thiếu một Khu Phố Tàu!
Năm 2011, đại sứ
Trung Cộng ở Nepal bị triệu hồi vì “quá nhu nhược với người Tây Tạng
ở Nepal”. Đại sứ mới là một chuyên gia quân sự từng công tác ở Triều
Tiên. Ngay sau khi đại sứ mới nhậm chức lập tức các chiến dịch đàn
áp người Tây Tạng xảy ra khắp nơi ở Nepal, nhất là Kathmandu. Ngay ở
sân bay quốc tế Tribhuvan, một danh sách không được cấp visa vào Nepal kèm
theo hình hàng chục chức sắc và lãnh đạo người Tây Tạng mà đứng
đầu là Dalai Lama dán ngay mỗi quầy cấp visa. Người Tây Tạng ở Nepal
ngày nay không được tụ tập đông người, không được lập hội, ra báo và
dần dần bị tước đi các quyền lợi mà hoàng gia Nepal đã dành cho họ
sau năm 1959. Giờ đây, người Tây Tạng ở Nepal chỉ là “người tỵ nạn”
với thẻ tỵ nạn (Refugee Card) không được cấp thẻ căn cước như trước
và không được vào quốc tịch Nepal. Những người đào thoát chế độ
Trung Cộng từ Tây Tạng vượt biên sang Nepal sẽ bị bắt giữ và trao trả
lại cho Trung Công mà số phận của họ chắc chắn sẽ kết thúc trong
các trại tập trung mở ra ngày càng nhiều khắp Tây Tạng ngày nay.
Với tư cách một người
có lương tri và là một Phật tử , tôi vô cùng phản đối chính sách “DIỆT
CHỦNG VĂN HÓA” mà Trung Cộng đang thực thi ở Tây Tạng đã dẫn đến
làn sóng tự thiêu để phản kháng của người Tây Tạng hiện nay.
Kathmandu, 13/02/2012
(Mùng Bốn Tết Việt và cũng là Tết Tây Tạng-Lhosar)
(Mùng Bốn Tết Việt và cũng là Tết Tây Tạng-Lhosar)