Có rất nhiều cứ liệu chứng
tỏ rằng người Việt nhận nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn không kém
gì văn minh Trung Hoa. Nghiên cứu văn minh Ấn, so sánh đối chiếu để
khám phá lại các vết tích văn minh-văn hóa Ấn trong tâm thức Việt để
hoàn thiện “bản sắc Việt” cũng là một con đường “thoát Hán” hiện
nay cho người Việt.
.........................
Ấn Độ đầy bí ẩn và huyền hoặc có thể làm choáng ngợp
bất cứ ai mới tiếp xúc với nền văn minh thâm hậu này. Một trong
những vấn đề làm rối nhiều “người ngoài” chưa quen thuộc với văn hóa
Ấn nhất chính là hệ thống thần linh Hindu.
Tầng tầng lớp lớp các
vị thần, nhiều đến mức có vị thần có đến chục vạn tên gọi và hóa
thân…nhiều đến nỗi các Brahmin thông thái nhất cũng không thể nào nhớ
hết tên các vị thần của điện thờ Hindu… nhiều đến mức có người nói
rằng số lượng các vị thần Hindu còn nhiều hơn cả dân số Ấn Độ…
Không thể “cảm” được văn hóa Ấn nếu không “hiểu” được hệ thống thần
linh Hindu. Tham vọng của tác giả trong loạt bài về chủ đề này là
“giản dị hóa” hệ thống thần linh Hindu để độc giả có thể đặt bước
chân thành kính đầu tiên vào ngôi đền Ấn Độ giáo. Thiết nghĩ nghiên
cứu Hindu (Ấn Độ giáo) là một việc rất đáng quan tâm với người Việt
ta. Ở phía Nam,
đã từng có những nền văn minh Óc Eo, Chân Lạp, Cát Tiên, Champa chịu ảnh
hưởng sâu đậm và trực tiếp từ văn hóa Hindu. Ở phía Bắc, có nhiều
hiện vật và phong tục của người Việt mang đậm tính chất Hindu. Ở
miền Trung, suốt 500 năm qua, qua sự chung sống cùng nhau giữa người
Chăm và người Việt, rất nhiều các yếu tố Hindu đã xâm nhập vào tâm
thức người Việt sinh sống trên lãnh thổ xưa của Champa cho đến tận
mũi Cà Mau. Với giới nghiên cứu, rất nhiều cán bộ, quan chức ngành
văn hóa-bảo tàng tại các nơi có di tích Hindu (hầu như khắp từ Đà
Nẵng cho tới Kiên Giang) rất cần trang bị kiến thức về Hindu để có
thể “hiểu” và “cảm” các hiện vật vô giá của các nền văn minh Hindu
đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ tại Việt Nam như Óc Eo, Chân
Lạp, Cát Tiên, Champa, để có thể bảo tồn các giá trị tinh thần độc
đáo ấy. Ngay cả tôn giáo có nhiều tín đồ tại Việt nam hiện nay là
Phật giáo thì cũng xuất phát từ vùng đất Hindu-Ấn Độ và Phật giáo
đã truyền từ Ấn Độ sang Việt Nam trước khi đổ bộ lên Trung Hoa. Để
hiểu Phật giáo sâu sắc hơn, theo thiển kiến của tác giả, có lẽ phải
nghiên cứu Hindu để nhìn thấy lại “cái nền” mà trên đó Sakya Muni
(Bậc thông tuệ họ Sakya- tức Phật Sakya) đã sử dụng để xây nên ngôi
nhà Phật giáo (có thể thấy qua Jataka-chuyện tiền thân Phật), cũng
như tránh các lầm lạc “tam sao thất bổn” do du nhập Phật giáo không
chính thống từ Trung Hoa phải qua ít nhất hai lần phiên dịch và bị
Hán hóa sâu nặng suốt cả ngàn năm nay. Có rất nhiều cứ liệu chứng
tỏ rằng người Việt nhận nhiều ảnh hưởng của văn minh Ấn không kém
gì văn minh Trung Hoa, nếu không muốn nói là sâu đậm hơn. Nghiên cứu văn minh Ấn, so sánh đối chiếu để
khám phá lại các vết tích văn minh-văn hóa Ấn trong tâm thức Việt để
hoàn thiện “bản sắc Việt” cũng là một con đường “thoát Hán” hiện
nay cho người Việt.
*****************
THẦN THÁNH CŨNG BIẾT… CƯỜI
THƯ GIÃN CUỐI TUẦN: THẤY VẬY CHỚ HỔNG PHẢI VẬY BÀI 3
Một đặc điểm của người Ấn (hay người thuộc văn minh
Ấn) là tính hài hước, hóm hỉnh. Ngay cả các vị thần cũng không
sống ngoài không gian hóm hỉnh đầy thông tuệ của người Ấn. Có thể
nói các vị thần Hindu rất “người”!
1/ INDRA-THỦ LĨNH CÁC VỊ THẦN-BỊ MANG NGHÌN
“CON MẮT”
Thủ lĩnh các vị
thần trong hệ thống Hindu là Indra –Thần Mưa, Hán gọi là Đế Thích.
Cần nhớ rõ Indra chỉ là thủ lĩnh của các Deva (bán thần) chỉ cai
trị cung Trời (Svargaloka- heaven); thấp hơn God (Thần), và ba vị thần
tối cao Trinity là các God cai trị cả vũ trụ: Shiva, Vishnu và Brahman.
Indra vốn rất ham
thích sắc đẹp phụ nữ. Một hôm, cầm lòng không đặng nên Indra đã
quyến rũ một phụ nữ xinh đẹp đã có chồng. Chồng của phụ nữ này
là một rishi (hành giả Hindu) tên
là Bhrigu. Nổi cơn ghen vì bị cắm sừng, vị rishi này bèn rủa Indra rằng: “ Vì ông bị ám ảnh bởi thân
thể phụ nữ ông sẽ mang một ngàn “âm hộ” trên khắp cơ thể ông!”