Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Singapore, thế lực lớn ở châu Á

Bài này từ Phụ Nữ Today

Singapore được biết đến là một trong các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á và có ngân sách quốc phòng cao nhất khu vực. Do đó, không ngạc nhiên khi quốc đảo sư tử sở hữu nhiều vũ khí tối tân, mạnh nhất Đông Nam Á đồng thời đang ngày càng khẳng định được thế lực mạnh mẽ ở châu Á.
TIN LIÊN QUAN
Lực lượng quân đội hiện đại nhất Đông Nam Á
Toàn bộ lực lượng vũ trang Cộng hòa Singapore chỉ có quân số khoảng 71.000 người, nhỏ hơn rất nhiều so với nhiều nước khác trong khu vực. Nhưng đội quân này lại trang bị những vũ khí hiện đại nhất khu vực được nhập khẩu từ những nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến (Mỹ, Đức, Israel).

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockolm (SIPRI) năm 2012, Singapore hiện đang là quốc gia nhập khẩu thiết bị vũ trang lớn thứ năm thế giới, chỉ đứng sau nước "trùm" vũ khí - Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan - và Hàn Quốc.

Mua sắm nhập khẩu vũ khí của Singapore chiếm 4% tổng chi tiêu nhập khẩu vũ khí của thế giới. Chi tiêu quốc phòng trên đầu người cũng cao hơn hầu hết các quốc gia khác, trừ Mỹ, Israel và Kuwaitl. 

Quân đội Singapore khoe sức mạnh quân sự mừng quốc khánh
Quân đội Singapore khoe sức mạnh quân sự mừng quốc khánh

Năm 2011, Singapore chi 9,66 tỉ USD cho quốc phòng, vượt xa Thái Lan (5,52 tỉ USD), Indonesia (5,42 tỉ USD), Malaysia (4,54 tỉ USD) và Việt Nam (2,66 tỉ USD). Xếp đầu danh sách mua sắm là tàu chiến, tàu tuần tra, radar và chiến đấu cơ. Gần đây, tàu ngầm và tên lửa đối hạm được chú trọng nhiều hơn do khả năng bảo vệ các tuyến đường biển hữu hiệu – khác hẳn với nhiều thập kỷ trước đây, Đông Nam Á hầu như chỉ chi tiền mua súng ống và xe tăng loại nhỏ để đối phó với những bất ổn nội bộ.


Lục quân Singapore hiện đang sở hữu xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2SG (Đức) hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Đây là biến thể cải tiến từ dòng Leopard 2A4 trang bị module giáp tổng hợp AMAP (dùng vật liệu gốm na nô và hợp kim thép – titan),cho phép bảo vệ xe trước mọi mối nguy hiểm từ hỏa lực chống tăng, thiết bị nổ tự tạo. Xe tăng Leopard 2SG trang bị hỏa lực pháo 120mm L44 kết hợp hệ thống nạp đạn tự động, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.

Pháo binh Lục quân Singpore còn có 18 khẩu pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất. Đây là loại pháo phản lực tiên tiến, tầm bắn xa, độ chính xác cao. Pháo phản lực HIMARS có khả năng bắn đạn rocket cỡ 227mm đi xa 30-45km, hoặc 70km với đạn chính xác cao dẫn đường bằng hệ định vị vệ tinh GPS (GMLRS).

Tuy Hải quân Singapore không sở hữu nhiều tàu chiến nhất Đông Nam Á (họ chỉ có 37 tàu các loại), nhưng đó đều là những con tàu hiện đại như khinh hạm tối tân nhất Đông Nam Á lớp Formidale, tàu vận tải đổ bộ đa năng lớp Endurance....

Không quân Cộng hòa Singapore là lực lượng được thành lập muộn nhất nhưng sở hữu nhiều “hàng khủng” nhất trong lực lượng vũ trang nước này. Singapore là quốc gia duy nhất khu vực sở hữu tiêm kích đa năng hạng nặng F-15SG. Đây là loại tiêm kích rất mạnh của Mỹ, có khả năng mang tới 10,4 tấn vũ khí (lớn hơn cả khả năng mang tải của Su-30MK/MK2). 

Ngoài ra không quân hiện đại của quốc đảo còn có: khoảng 60 chiếc F-16C/D Block 52/52+, trực thăng chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á AH-64D Aapache Longbow, với hệ thống radar mạng pha quét chủ động EL/W-2085 có thể theo dõi 100 mục tiêu ở cự ly 370km, 

Singapore cũng là một trong 5 quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu máy bay tiếp dầu trên không cỡ lớn KC-135 của Mỹ. Máy bay có khả năng mang tới 90,7 tấn nhiên liệu, tầm bay 2.419km. Nước này cũng rất mạnh trong trang bị máy bay do thám không người lái. Hiện, nước này có hơn 100 chiếc UAV trinh sát lớn, nhỏ do Israel sản xuất, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Nổi bật trong số đó là máy bay do thám không người lái tầm trung IAI Heron có tầm bay tới 350km, trần bay 10.000m.

Kho vũ khí trang bị cho chiến đấu cơ của Singapore cũng nổi bật với loại bom lượn tiên tiến hàng đầu thế giới AGM-154A-1/C JSOW. Loại bom này có giá tới 282.000 USD/quả, tầm bay (nếu phóng ở trần bay cao) lên tới 130km, độ chính xác tấn công mục tiêu cực cao.

Mới đây, Singapore đã yêu cầu chính phủ Mỹ bán cho họ 100 tên lửa không đối không AIM-120C7 và 20 tên lửa không đối không AIM-9X-2, để trang bị cho các máy bay chiến đấu F-15SG mà họ đã đặt mua của Mỹ.

Có khả năng trở thành trọng tài xử tranh chấp biển Đông

Về mặt chính trị, Singapore là đất nước trung lập, không có tranh chấp, và hầu như cũng không có mâu thuẫn trực tiếp với các bên có tranh chấp trên biển Đông nên 'tiếng nói' luôn có sức ảnh hưởng nhất định trong khu vực.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp tiếng nói của Singapore có sức nặng chính là việc nước này có khả năng trở thành trung tâm trọng tài quốc tế. Với những ưu thế về vị trí địa lý, nền tư pháp phát triển và những nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trên nhiều phương diện, vai trò trung tâm trọng tài quốc tế của Singapore đang ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Hiện nay các phán quyết của tòa án trọng tài Singapore được chấp hành tại 140 quốc gia trên thế giới. Chính những nỗ lực này khiến cho vị thế của Singapore ngày một nâng cao. Ngoài ra, nếu xét về tổ chức trọng tài quốc tế được lựa chọn nhiều nhất thì Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore xếp vị trí thứ 4. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố và nâng cao vị thế trung tâm trọng tài quốc tế của mình.

Vấn đề nổi cộm hiện nay trong khu vực chính là tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa 5 nước, 6 bên (Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan) đã và đang trở thành một điểm nóng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bất ổn do những mối xung đột lợi ích cộng với những toan tính độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy, chiến lược phát triển trung tâm trọng tài quốc tế của Singapore có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực, nó không chỉ có lợi cho bản thân quốc đảo này mà ở mức độ nào đó Singapore sẽ có khả năng đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Singaporore Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 12.

Trong phát biểu tại diễn đàn an ninh thường niên của khu vực, Đối thoại Shangri-la lần thứ 12 vào tháng 6/2013, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Ng Eng Hen đề xuất quân đội các nước châu Á phải xây dựng lòng tin để làm giảm căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

“Quân đội các nước cần xây dựng lòng tin trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông”, ông Ng Eng Hen kêu gọi sau khi bày tỏ quan ngại về những trở lực đối với khu vưc do tình trạng gia tăng căng thẳng ở hai vùng biển trên.

 “Các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á có thể cản trở phát triển kinh tế trong khu vực. Do đó, các bên cần thúc đẩy hợp tác thiết thực, đặc biệt giữa quân đội các nước, nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau", người đứng đầu Bộ Quốc phòng Singapore quả quyết.

Không phải ngẫu nhiên, và cũng không phải đợi đến thời điểm này cả Mỹ và Trung Quốc mới nhận ra vai trò, vị thế của Singapore và tìm mọi cách tác động, ảnh hưởng đến “trọng tài trung lập” này.

Mới đây, vào cuối tháng 6, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm Singapore. Ngoài các nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ông Biden sẽ thảo luận với các lãnh đạo Singapore về phương hướng tăng cường hợp tác an ninh Mỹ-Singapore; đặc biệt là “quan hệ đối tác an ninh gần gũi” giữa hai nước, mà biểu hiện gần đây nhất là việc Singapore đồng ý cho Mỹ đồn trú luân phiên 4 chiến hạm gần bờ. 

Trước đó, Mỹ cũng đã tuyên bố muốn đẩy mạnh hợp tác quân sự hơn nữa với Singapore trong lúc Washington thực hiện chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á, nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 3/2013.

Trong khi đó với mong muốn tranh thủ sự ủng hộ của Singapore, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2013, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chọn quốc đảo sư tử là một trong những điểm đến.

Tại đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp kiến Thủ tướng Lý Hiển Long, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng An ninh quốc gia và Nội vụ Teo Chee Hean, Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu và hội kiến với người đồng cấp K Shanmugam. Trung Quốc sẽ nâng Singapore lên hàng đối tác hợp tác quan trọng và sẵn sàng thúc đẩy phát triển quan hệ song phương với đảo quốc sư tử.

Về vấn đề Biển Đông, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore nêu rõ: "Hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc hợp tác chủ động giữa ASEAN và Trung Quốc trên con đường tiến tới việc sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) dựa trên sự đồng thuận."

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 3/5
Trước đó, vào tháng 5/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Lương Quang Liệt đã có buổi tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tổ chức tại Phnom-penh, Campuchia và tuyên bố: “Trung Quốc sẽ trước sau như một ủng hộ vai trò mang tính xây dựng đặc biệt mà Singapore đã phát huy trong các sự vụ của khu vực cũng như quốc tế, đồng thời (Trung Quốc) cũng hy vọng phía Singapore ủng hộ Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến lợi ích to lớn của Trung Quốc”.

Từ những diễn biến mới hiện nay có thể thấy rằng Singapore đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực biển Đông mà dù muốn hay không, Bắc Kinh và Washington đều phải thừa nhận, với tư cách trung lập, không có tranh chấp, và hầu như cũng không có mâu thuẫn trực tiếp với các bên tranh chấp nên có khả năng Singapore dễ được các bên chấp nhận hơn.
  • An khanh (Tổng hợp)