Cùng chủ đề Tết Nepal:
DASHAIN -TẾT NEPAL: NGÀY 1 – BẮT ĐẦU
DASHAIN-TẾT NEPAL: KOJAGRAT PURNIMA ĐÊM THỨC TRẮNG ĐÓN NỮ THẦN THỊNH
VƯỢNG MAHALAXMI
NHẬN BAN PHÚC "TIKA" TỪ TỔNG THỐNG NEPAL
DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 7 PHULPATI
DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 8 DURGA ASHTAMI
DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 9 MAHA NAVAMI - DIỆN KIẾN LIVING GODDESS
KUMARI
DASHAIN- TẾT NEPAL: NGÀY THỨ 10 VIJAYA DASHAMI
*******************************************
CHỢ DÊ NGÀY TẾT
Nepal có địa hình hầu hết là núi trải dài từ đồng
bằng Ganges (sông Hằng) lên đến sườn phía Nam của dãy Himalaya. Ở vùng
đồng bằng phía Nam, bò là con vật dùng để làm việc nặng như kéo xe,
cày ruộng trong khi con trâu chỉ nuôi để lấy thịt. Trên các cao nguyên
từ 3.000m trở lên, người ta sử dụng con bò có lông dài và dày mà tên
địa phương là YAK để thồ hàng hoặc cưỡi. Giá của một con trâu hoặc
bò hoặc yak từ 2-5 ngàn USD (trâu, bò, yak baby cũng phải tối thiểu
500USD/con) , trong khi một con dê con chừng 5 đến 10USD. Vì thế có thể
nói ở Nepal, con dê là đầu cơ nghiệp.
Xe cộ các loại gặp dê hay bất cứ con thú nào trên đường thì phải chờ nó đi qua hay phải tìm cách né- Subcontinent Style of Life he he |
Con dê dễ nuôi
(lá cây gì cũng ăn được) dễ chăm sóc và mắn đẻ. Khắp Nepal, ở đâu
bạn cũng có thể bắt gặp những đàn dê từ vài con đến hàng trăm con
được chăn bởi những ông bà già hay vài em bé. Với dê cái, người ta
cho sinh sản để nhân số lượng, còn dê đực thì bán thịt. Dê thịt cung
cấp hàng ngày cho thị trường nhưng tập trung nhất vào dịp Tết
Dashain. Một con dê con nếu chăm sóc tốt suốt cả năm đến mùa Dashain
có thể cân nặng 25-30kg. Giá dê hơi theo mình khảo sát ngày hôm qua
(09/10/2013) là 500Nepal Rupees/kg (=5USD) . Như vậy một con dê con mua
10USD sau 12 tháng có thể bán 150USD mà hầu như không cần phải tốn
thêm chi phí đầu tư chuồng trại (nếu có chuồng trại càng tốt, nếu
không có thể cột ở gốc cây trước cửa hay cho chúng vào ngủ ngay trong
nhà với người nếu nhà nghèo) hay thức ăn (nếu có thêm bắp lúa thì tốt, còn không thì cứ để chúng ăn lá cây, cỏ hoang). Nếu mùa Dashain, có thể bán được 4-5
con dê thì một gia đình nghèo có thể kiếm được 300-400USD đủ để sắm
quần áo mới cho con cái, mua thức ăn ăn uống no nê trong những ngày
Tết và có tiền để đi thăm bà con họ hàng; còn có thể dành dụm
100-200USD cho những ngày đói kém của năm tới. (Cảnh này làm mình
liên tưởng đến câu chuyện tuổi thơ của Mã phu nhân trong Thiên long Bát
bộ của Kim Dung sếnh sáng).
Những cô người mẫu của mình... |
Cảnh tượng những
đứa bé lùa đàn dê về nhà trên những con đường núi, hay băng qua một
cánh đồng hoa mustard đang trổ hoa vàng rượm cả đất trời lúc hoàng
hôn là ấn tượng mà bạn sẽ khôngbao giờ quên nếu gặp được trong những
chuyến du lịch ở Nepal. Và một cô bé nựng nịu con dê con sẽ là hình
mẫu tuyệt vời cho các bạn mê chụp ảnh tha hồ mà bấm máy.
Thịt dê là món
khoái khẩu của người Nepal. Tuy nhiên giá thịt dê khá mắc. Hiện tại
giá thịt dê tại các của hàng thịt ở Kathmandu là 1000NR/kg
(10USD=200.000VNĐ), Ở vùng quê thì rẻ hơn nhưng không dưới 500NR/kg (5USD).
Thế cho nên rất nhiều gia đình chỉ được ăn thịt dê vào dịp Tết
Dashain.
Còn nhớ cuối năm
lớp 12 ở trường Nguyễn Đình Chiểu-Bến Tre, thầy Hòa chủ nhiệm cho
tổ chức bữa tiệc chia tay của lớp mình. Thầy nhờ ba mẹ của thằng
Kiệt là thợ-nấu-đám nấu ăn cho bữa tiệc ấy. Món chính là cà-ri dê.
Mình chứng kiến cảnh ba thằng Kiệt cho con dê uống rượu rồi cột vào
một gốc cây đuổi nó chạy vòng vòng cho ra mồ hôi. Hỏi ra mới biết
đó là bí quyết để thịt dê bớt… hôi mùi dê. Hi hi… Sau này ăn lẩu dê
và nhiều món dê ở nhiều địa phương, nhiều quán ở Việt Nam nhưng bao
giờ thì cái mùi dê vẫn cứ nồng nặc dù các đầu bếp Việt Nam có
tẩm ướp hay dùng chiêu gì đi nữa.
Sang Nepal, mình
khám phá ra món dê từ thôn quê cho đến các nhà hàng sang trọng không
bao giờ bị hôi mùi dê… Kể cả các bà nội trợ chỉ mua thịt từ tiệm
về không cần tẩm ướp mà món dê vẫn không có mùi. Bí quyết?
Con dê khi sợ hãi
sẽ tiết ra chất hôi, càng sợ càng hôi, càng đau đớn mùi hôi càng
thấm đẫm vào thịt. Ở Việt Nam, người ta quần thảo con dê mệt đừ
trước khi giết, rồi thọc huyết hay trấn nước. Như vậy khoảng thời
gian trước khi chết con dê quá sợ hãi. Thế thì làm gì mà thịt dê
không hôi. Trái lại, ở Nepal hoặc India, con dê bị chặt đầu. Người đồ
tể cột đầu con dê vào một cái cọc (hoặc một người nắm đầu), một
người phụ việc nắm lấy mình con dê kéo về phía sau để cái cổ căng
thẳng ra. Người đồ tể sẽ dùng một con đao sống dầy lưỡi mỏng, rất
nặng rất bén (gọi là khukhuri hoặc khadga); ông ta vung dao lên quá đầu
và chỉ với một nhát chém dứt khoát, điêu luyện sẽ chặt phăng cái
đầu con dê. Con dê chết ngay lập tức, không kịp cảm thấy sợ hãi, máu
chảy tràn ra đất. Thịt dê làm theo kiểu này không bao giờ có mùi hôi,
thơm ngon vô cùng. Có thể có bạn người Việt cho là cách làm dê ấy
là dã man, nhưng người Nepal và India cho rằng khi giết con vật để ăn
thịt không cần thiết phải hành hạ nó đau đớn kéo dài, chặt đầu làm
cho nó chết ngay không kịp cảm thấy đau đớn là làm phúc cho nó, giúp
nó đi đầu thai nhanh chóng theo luật luân hồi.
Làm thịt dê |
Khadga |
Khukhuri |
Chia thịt cho các gia đình đã cùng nhau hùn tiền mua dê (hoặc trâu) hiến tế |
Mùa tết Dashain,
dê là con vật được hiến tế nhiều nhất. (Mở ngoặc: chỉ có gà trống,
dê đực, trâu đực mới bị chặt đầu hiến tế thôi… vì Quỷ Vương là con
đực hi hi….). Gà thì quá thường và giá cũng đã 400NR/kg. Còn trâu
thì vài tạ một con nên phải vài ba gia đình hùn nhau lại mới có thể
làm lễ hiến tế lớn nguyên cả con trâu. Như vậy một con dê 20-50kg giá
chừng 10.000NR-25.000NR (100-250USD) là lựa chọn lý tưởng cho một gia
đình.
LỄ HIẾN TẾ DASHAIN CỦA CÁC SĨ QUAN CAO CẤP NHẤT QUÂN ĐỘI NEPAL NĂM 2006 - ĐỨNG ĐẦU LÀ TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI
Nepal có nhiều
giống dê, nhưng họ thích dê India to con, lông ngắn, thịt nhiều, mỡ ít
(ở Việt Nam thường gọi là dê Bắc Thảo). Dê từ các vùng núi phía
Bắc lông dài và dày, nhiều mỡ thì ít được chuộng hơn. Mùa này có
những chiếc xe tải chở hàng trăm con dê từ Bắc India lên tận Kathmandu
để bán.
Mùa Dashain mỗi năm, ở xa lộ
vành đai Ring Road xung quanh Kathmandu có vài chợ dê mở từ ngày đầu mùa lễ hội kéo ngày
đến ngày thứ 10; bao gồm Kalanki, Balaju, Bagbazaar, Maitighar and Tinkune,
trong đó chợ dê Kalanki là lớn nhất. Chợ dê ở Kalanki |
Theo thông tin từ
Ủy Ban Hành Chính Thủ Đô Kathmandu, cho dến ngày 08/10/2013 đội giám
sát (gồm các bác sĩ thú y và nhân viên hành chính) đã kiểm tra xong
15,500 con dê để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân (thấy mà ham,
ước gì Ủy ban Nhân Dân các tỉnh thành VN làm được như vầy mỗi mùa
Tết). Những con dê lành mạnh được sơn màu xanh lá cây lên sừng, và
chỉ có 53 con bị sơn màu đỏ do bệnh tật thì cấm bán. Nếu các con dê
này phục hồi thì chúng vẫn có thể bán sau khi đội giám sát kiểm
tra lại. Lúc nào cũng sẽ có ít nhất một nhân viên của đội giám sát
trực ngay tại chợ dê để nhận khiếu nại của người mua hoặc phát giác
sự vi phạm của người bán.
Dê khỏe mạnh được đánh dấu xanh lá cây lên sừng |
Dê phía Bắc: lông dày; cùng với cừu |
Chú bé này đang hy vọng bán được con dê đã chăn suốt năm qua để có tiền mua quần áo mới |
Cũng giống chợ
hoa Tết ở VN, ở chợ dê mấy ngày đầu giá khá cao nhưng đến những
ngày cuối giá cả mềm hơn (không có chuyện cho không đâu nhé! He he…).
Kinh nghiệm cho thấy rằng, mua vào những ngày từ thứ 3-7 của lễ hội
thì dễ kiếm được dê khỏe mạnh, thịt ngon và giá cả tốt. Đây là dịp
mà hầu hết các gia đình ăn thịt (vì có những gia đình chỉ có thể
ăn thịt vào dịp Tết này trong suốt cả năm).
Mùa Tết Dashain
mỗi năm, chỉ riêng thủ đô Kathmandu người ta hiến tế và ăn thịt
50,000-60,000 con dê đực (không đánh máy sai đâu: năm sáu chục ngàn con
dê đực). Tính chung cả nước Nepal thì vào khoảng 100.000 con dê đực và
vài ngàn con trâu đực sẽ bị làm thịt trong dịp Tết.
Bạn nào thích ăn thịt dê thì mời đến Nepal vào dịp
Tết Dashain. Bảo đảm treo đầu dê bán thịt dê hi hi
Bhe be he he….
Kathmandu, Tết
Dashain 2070 theo lịch Nepal (2013AD)
Phú Nepal