NP: Xin đăng lại bài của Phạm Thị Hoài
đã đăng trên Trẻ Online ngày 01/4/2015.
Xem lại "Bố Già" Lý Quang Diệu 1
_______________________
Thư Lý Quang Diệu gửi Margaret Thatcher về
vấn đề thuyền nhân Việt Nam
Phạm
Thị Hoài
Trong
tác phẩm Bên Thắng Cuộc, chương "Nạn kiều", nhà báo Huy Đức nhắc tới
"Phương án II", "một kế hoạch 'được phổ biến miệng để giữ bí mật',
theo đó: người di tản được đóng vàng để công an mua thuyền hoặc đóng thuyền cho
đi mà không sợ bị bắt hay gây khó khăn. Việc thực hiện Phương án II chỉ do ba
người là bí thư, chủ tịch và giám đốc công an tỉnh quyết định. Công an được
giao làm nhiệm vụ đứng ra thu vàng và tổ chức cho người di tản." [1] Đó là
thời điểm từ giữa năm 1978 đến giữa năm 1979, khi chiến dịch bài Hoa ở Việt Nam
dâng cao và chiến tranh biên giới Việt-Trung bùng nổ. Những người vừa mất nơi
sinh sống, vừa mất hết tiền của vào tay chính quyền để ra đi "hợp
pháp" trong vòng bí mật và không ít cũng sẽ mất mạng trên biển trong kế hoạch
này phần lớn là người Việt gốc Hoa.
Phương
án bí mật, chưa bao giờ được chính quyền Việt Nam thừa nhận này, được đánh giá
từ một nguồn bất ngờ khác: bức thư của cố Thủ tướng Singapore vừa qua đời, gửi
cho cố Thủ tướng Anh ngày 5/6/1979, đăng trên trang Margaret Thatcher
Foundation.
Chúng
ta đã biết rằng Lý Quang Diệu ủng hộ sự xích lại gần nhau của Trung Quốc và Hoa
Kỳ sau Chiến tranh Việt Nam để kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô. Ông cũng biện bạch
cho Pol Pot, rằng Khmer Đỏ là một phương án cần thiết, chẳng qua chỉ bị giới
truyền thông cường điệu lên thành ma quỷ [2]. Về xung đột biên giới Việt-Trung,
ông cho rằng nếu Trung Quốc không dạy cho Việt Nam một bài học thì giờ này Liên
Xô đã bành trướng thế lực ra toàn Đông Nam Á, rằng các nước trong khu vực đều
hưởng lợi từ đòn phủ đầu của người Tàu. Khi ấy, Đặng Tiểu Bình đã coi ông là cố
vấn và mô hình Singapore đã trở thành hình mẫu của Trung Hoa hiện đại. Họ Lý và
họ Đặng gặp nhau hai lần, trò chuyện kéo dài, nồng ấm và trân trọng lẫn nhau,
ngày 12 và 13/11/1978, trong chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại
Singapore. Trước đó một tháng, nhanh chân hơn, ngày 16/10/1978, Thủ tướng Việt
Nam Phạm Văn Đồng cũng đến Singapore tiếp kiến Lý Quang Diệu. Nhưng cuộc trò
chuyện giữa họ Lý và họ Phạm, theo miêu tả của một nhà ngoại giao Singapore chứng
kiến cả ba cuộc gặp mặt [3], diễn ra lạnh lẽo.
Cuối
năm 1978, đầu năm 1979, hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam trở thành một vấn nạn
quốc tế. Khác với nhiệt tình cứu giúp những năm trước, các nước trong khu vực bắt
đầu lo ngại, từ chối, thậm chí xua đuổi và có cả trường hợp nổ súng vào thuyền
nhân Việt Nam. Các nước phương Tây bắt đầu đùn đẩy nhau trách nhiệm bảo lãnh.
Anh quốc đóng một vai trò, vì điểm đến của những nạn kiều gốc Hoa này trước hết
là Hồng Kông, trong khi Anh quốc chỉ sẵn lòng tiếp nhận tổng cộng chưa đầy 2000
người. Trước áp lực của công luận, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thậm chí đã
tính đến việc mua một hòn đảo ở Thái Bình Dương cho thuyền nhân Việt Nam định
cư. Dự định này bị Lý Quang Diệu phản đối, vì lo ngại nó sẽ trở thành một đảo
quốc, cũng của những người Tàu tha phương, cạnh tranh với Singpore [4].