Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Ý KIẾN PHẢN HỒI VỀ HIỆN TƯỢNG "PHÁP VƯƠNG"

"pháp vương" Gyalwang Drukpa xuất hiện trên thảm đỏ cùng cựu người mẫu bikini khét tiếng của Playboy- Christie Brinkley- trong một dạ tiệc tại New York năm 2010
_______________________________________
NP: Như trong bài Sơ Kết đã nói, chúng tôi đã tạm thời dừng loạt bài về nhân vật "pháp vương" Gyalwang Drukpa 12. Tuy nhiên, giống như những hòn sỏi ném vào mặt nước hồ, những vòng sóng đồng vọng vẫn còn lan xa sau khi viên sỏi đã khuấy động những vòng sóng đầu tiên.
  Và cũng như chúng tôi đã xác định trong bài Sơ Kết, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin mới về nhân vật này khi có tin tức mới xuất hiện.
 Xin giới thiệu đến các bạn hai ý kiến phản hồi về nhân vật này :
__________________________________________

BAN TÔN GIÁO VIỆT NAM: ÔNG LÀ AI?
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
Hỏi tức là đã trả lời.
Câu trả lời rõ ràng rằng: Ban Tôn Giáo Việt Nam (BTG) là một cơ chế chẳng biết gì hay biết nhưng cố tình làm cho “lấy được” về khái niệm và tinh thần cơ bản sinh hoạt tôn giáo.
Trước hết BTG phải là một bộ phận văn hóa có tầm hiểu biết bao quát về tôn giáo.
Nếu BTG có sự hiểu biết căn bản tối thiểu về đạo Phật thì phải thấy được rằng, kinh điển Phật giáo Nguyên thủy Pali tạng khi nhập vào Trung Quốc đã bị luận giải theo quan điểm Thần Đạo dân gian, Khổng và Lão đến MƯỜI LẦN xa hơn nguyên bản.
Khuynh hướng “Trung Quốc hóa” Phật giáo đã phản ánh rõ rệt qua những nỗ lực kéo dài hàng thế kỷ để dựng lên đức Quán Thế Âm và các vị Bồ Tát là những linh thể đang có trú xứ ở Ngũ Đài Sơn Trung Quốc. Đồng thời, phái Tịnh Độ Tông Phát Triển Trung Quốc đã biến Phật giáo thành một hệ thống mê tín dị đoan thoái trào với những hình thức lễ nghi hỗn loạn âm thanh, lòe loẹt màu sắc, bùa chú lễ nghi và thoái trào giáo lý nhà Phật. Tiếc thay, trong quá trình tiếp thu Phật giáo, Việt Nam đã bị Phật giáo Bắc Truyền “đô hộ”, bê nguyên Hán Tạng mà không có sự chắc lọc, tham cứu, dịch thuật cẩn trọng như Phật giáo Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Tích Lan… Hệ quả đáng buồn là cho đến ngày nay, cái “bóng đè” Trung Quốc vẫn còn ngự trị quá nặng nề trên mạng mạch sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam với hình thức văn tự chữ Hán đang còn ngự trị khắp nơi, từ kinh văn trong sách vở cho đến các công trình trùng tu xây dựng chùa viện cập nhật mọi vùng trong nước.
Gần đây, nhóm Tôn Giáo Trung Ương Trung Quốc đã tạo ra một trò ma mãnh đồng bóng của những diễn viên phường tuồng tôn giáo nhằm đánh bật ảnh hưởng đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị chân tu Tây Tạng do động cơ chính trị. Đó là hiện tượng quái đản tạo ra một kẻ phường tuồng đội lốt tôn giáo được vẽ vời và xưng tụng bằng cái mỹ danh và biệt hiệu cao quý là “PHÁP VƯƠNG” hay “BẬC TOÀN TRÍ TÔN QUÝ”. Truy nguyên để biết rằng, nhân vật gọi là “Pháp Vương” GYALWANG DRUKPA THỨ 12 HOÀ THƯỢNG, thực chất là một thứ BÙ NHÌN TÔN GIÁO TRUNG QUỐC.
Ngay cả những người sơ cơ đối với Phật giáo cũng hiểu rằng, cách tôn xưng kệch cỡm như “Pháp Vương”; cách trang phục và lễ nghi quan cách ồn áo náo nhiệt, lòe loẹt đến độ khôi hài; và lời “pháp thoại” ngông nghênh của đương sự “Pháp Vương” và phái đoàn phu diễn đã là hoàn toàn KHÔNG NHỮNG PHI PHẬT GIÁO MÀ CÒN PHẢN LẠI LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI về mọi mặt: Từ hình tướng đến giới luật căn bản của nhà Phật.
Thế mà thảm hại, vọng động và vô minh thay, Ban Tôn Giáo Nhà Nước CHXHCN Việt Nam đã cúi đầu, nghiêng mình, vận động quần chúng Phật Tử Việt Nam trong nước đón rước gã hề tôn giáo Trung Hoa một cách rình rang, náo loạn với những hình thức tiếp rước, phô trương, tung hê chưa từng thấy.
Qua cuộc phỏng vấn của báo Giác Ngộ với quý Thầy thuộc hàng giáo phẩm trung ương của GHPGVN như HT. Thich Thiện Tánh, HT. Thích Thiện Tâm, HT. Thích Như Niệm, HT. Danh Lung và TT. Thích Nhật Từ, tất cả đều cho là Ban Tôn Giáo Nhà Nước đã tiên phong chủ động dành cho nhân vật G. Drukpa những danh từ và phương vị tôn xưng quá đáng.

Tất cả hàng Phật tử dân thường đều chia sẻ và cảm thông với sự dè dặt để được yên thân mà tu hành của quý Thầy. Tuy nhiên, sự sai lạc trong hình thức sinh hoạt tôn giáo sẽ dẫn đến tinh thần suy bại đức tin và sự thui chột về hướng tích cực phát huy tôn giáo cho nhiều thế hệ về sau.
Thưa Ban Tôn Giáo Nhà Nước, nếu quý ngài quá trọng vọng Trung Quốc thì trước hết mong hướng về đức Khổng Tử với lời nhắn nhủ: “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, tức là biết vậy.” Các ngài làm công tác Tôn Giáo Vận cho cả một đất nước gần cả trăm triệu dân, xin mời khiêm tốn học hỏi như lời cụ Hồ của các ngài đã nói. Kẻ có trí không làm bừa; kẻ có lòng không tôn xưng điều bất thiện. 

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
(bài do Nam Giao Xưa chuyển đến)

Link: http://thuvienhoasen.org/p122a23995/phan-hoi-ve-bai-ve-ton-xung-phap-vuong
__________________________

Về Christie Brinkley: Cô này là một cựu người mẫu Hottest Bikini khét tiếng của nhiều tạp chí trong có có tạp chí khiêu dâm nổi tiếng Playboy vào thập niên 1980. (NP)
Hình này trích từ báo New York Post 
"Cặp đôi trái ngược nhất, Christie Brinkley và HH Gyalwang Drukpa, bước trên thảm đỏ tại KS Wardorf-Astoria..."

Christie Brinkley trên bìa của Sport Illustrated 02/1980
_______________________________________

Thêm một ý kiến phản hồi:

THÊM MỘT Ý KIẾN SAU KHI ĐỌC CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN TỚI 
“PHÁP VƯƠNG” từ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
(Nguyên Dũng)

Về vấn đề cơ quan quản lý tôn giáo, đối với Phật giáo là Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ (Ban này lại thuộc Bộ Nội vụ), người viết xin không bàn đến. Là người theo dõi thông tin này từ những ngày đầu tiên khi "Pháp vương" đến Việt Nam, tôi có mấy ý kiến rời rạc sau:
Việc "Pháp vương" đến Việt Nam lần đầu (2007), phải nói là mang một không khí “sôi động” đến cho Phật giáo Việt Nam với sự đóng góp của sắc màu Mật tông liên quan đến Tây Tạng - một vùng đất mà nhiều người Việt Nam mơ ước một lần đến thăm, với hình tượng sống có sức lôi cuốn là Ngài Dalai Lama thứ XIV. Tôi cũng không phân tích sâu nguyên nhân vị này vào Việt Nam (sau hiện tượng lùm xùm ở tu viện Bát Nhã – Lâm Đồng liên quan tới Thiền sư Nhất Hạnh).
Mật tông – Kim cương thừa Tây Tạng hay Bhutan là một cái gì đó rất hấp dẫn, tự thân nó có một sức quyến rũ người quan tâm văn hóa, có cảm tình với Phật giáo và với cả những ai có hướng sống đại loại “tâm linh” chung chung.
Đó cũng do sách vở về văn hóa cũng như số phận của các vùng đất này lưu hành tại Việt Nam, trong sự kiểm duyệt của các nhà xuất bản lẫn không chính thức phải nói là khá lớn, từ trước 1975 tại miền Nam, và sau đó rầm rộ ở miền Bắc, đã quảng bá thành công, với nhiều câu chuyện huyền bí đặc dị phương Đông tạo sự tò mò và gây nhiều hứng thú khám phá, v.v.
Một hiện tượng mà hầu hết ai cũng thấy rõ ràng là, “Pháp vương” vào Việt Nam, với những cái duyên như có sẵn như dọn cỗ trên, lần đầu tiên, cùng với các phong trào hoạt động xã hội có tính thời thượng liên quan tới lối sống, môi trường sinh thái…, một người “đại diện” cho Phật giáo, lại là Phật giáo Mật tông có nguồn gốc Tây Tạng ngang nhiên xuất hiện những nơi công cộng, được đón tiếp trọng thị, vào Văn phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Trụ sở Giáo hội Phật giáo Trung ương, bày binh bố trận hùng hậu tại Văn miếu, lên sóng đài truyền hình Quốc gia – VTV, giao lưu trực tuyến trên các báo điện tử, gửi thông điệp, truyền kinh nghiệm, cầu an lành cho dân tộc và đất nước Việt Nam, cầu siêu cho các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập do dân tộc Việt Nam, v.v. Nói chung nhiều sự kiện dồn dập được được làm truyền thông rất tốt, như thể cơn sóng thần bất chợt quét qua “địa hạt Phật giáo”, tổng lực và toàn diện, làm cho mọi người ngơ ngác, không kịp hoàn hồn.
Những việc đó, phải nói rằng chưa có một vị lãnh đạo nào của Phật giáo hay Giáo Hội hiện tại đã từng làm, có thể làm, được đẩy cao trong truyền thông kể cả các sự kiện lớn của Giáo Hội như đại hội toàn quốc hay các lễ lớn của Phật giáo như đại lễ Phật Đản, Vu Lan, v.v. Ngoại trừ trước đó, Thiền sư Nhất Hạnh về lại quê hương sau nhiều chục năm xa cách cũng có hàng loạt sự kiện giao lưu, gặp gỡ, chào hỏi, v.v., nhưng không rầm rộ và sôi động đầy màu sắc, đặc biệt là các màu sắc huyền bí qua sự ban phước, cầu đảo đáp ứng nhu cầu về tôn giáo của số đông quần chúng.
Lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu và rồi thứ bảy (2015)…, một số người bình tĩnh hơn, đã tự hỏi vậy cơn sóng thần kia xuất phát từ đâu?, có thật không?, “Pháp vương” là ai?, “Nhiếp chính vương” là ai?, “đây là hóa thân chân thật của Bồ tát Quan Âm”, thế những tuyên bố khác, ví dụ như Ngài Dalai Lama là hóa thân Bồ tát Quan Âm hóa ra là không chân thật ư?, v.v., Hàng tá câu hỏi đó nẩy sinh, như sau các cơ thiên tai, sự sống lại bắt đầu trổi dậy.
Những người ở Nepal và Ấn Độ lâu năm bắt đầu lên tiếng. Họ cung cấp nhiều thông tin làm mọi người ngỡ ngàng.
Và rồi nữa, đến một lúc, có một danh xưng khác được phát ngôn bởi Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – cơ quan điều hành cao nhất của Phật giáo có pháp nhân pháp lý được Chính phủ công nhận, lại công bố một danh xưng khác, không gọi là “Pháp vương” mà gọi là “Hòa thượng” trong một buổi tiếp xã giao tại Thiền viện Quảng Đức – Thành phố Hồ Chí Minh (xem bản tin duy nhất và chính thức trên Báo Giác Ngộ Online http://giacngo.vn/thoisu/2015/10/07/1EF008/), đã chính thức tạo nên một diễn đàn, giữa nhóm “Pháp vương” và các vị Hòa thượng thuộc Giáo Hội qua các phát biểu cũng đăng tải trên Báo Giác Ngộ (xem dẫn lại tại đây http://thuvienhoasen.org/p122a23987/ve-ton-xung-phap-vuong).
Chuyện “tôn xưng” dường như là một cái cớ. Có ý kiến cho rằng “ghen ăn tức ở”, cũng có thể có, nhưng không hẳn là vấn đề cốt lõi.
Cái mấu chốt có thể là ở chỗ: sau không khí vui tươi qua hàng loạt các sự kiện, sự hào nhoáng về danh xưng và các nghi thức đàn tràng (quen sợ dạ, lạ sợ áo quần – thành ngữ Việt Nam), đặc biệt là qua các diễn dịch “giáo lý” thành những cái gạch ngang mang tính minh triết phổ thông dễ hiểu (5 điều khuyên…; 8 yếu tố…) hợp thời đại, bình tĩnh quan sát lại, “Pháp vương” đã “cống hiến” gì cho Phật giáo Việt Nam?, chỉ cần làm một sự thống kê và quan sát số lượng người tham dự ở mỗi sự kiện, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Một thực tế rõ ràng, nhu cầu tôn giáo lớn hơn nhu cầu nhận thức. Quan sát các sự kiện mà người ta gọi là “pháp hội” quán đỉnh, cầu an, cầu siêu, cầu trường thọ, v.v., thì sẽ thấy rõ ràng đông hơn quá nhiều lần so với các cuộc ra mắt sách, giao lưu, thuyết giảng, những hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết về căn bản về giáo lý Kim cương thừa như các khóa tu mà Ngài Dalai Lama thường chủ trì, và chính Ngài cũng nhấn mạnh trong nhiều bài giảng.
Trong Phật giáo, sự hiểu biết, nhận thức được đánh giá cao – nếu không có trí tuệ thì sẽ không có từ bi. Các vị đạo sư thường nhấn mạnh, trí tuệ và từ bi như 2 cánh của một con chim. Khuyết tật trí tuệ, hay từ bi sẽ làm con chim không thể tung cánh vào trời cao được.
Nói cách khác, hiện tượng “Pháp vương” cũng theo quy luật có cung – có cầu thông thường. Nghi lễ, cổ xúy sự huyền bí, cùng thêm những tuyên bố về sự ân điển, ban phước, nhất là những trả lời phỏng vấn của “Pháp vương” về việc trao tặng pho tượng đồng thiêng liêng “2000 năm tuổi” (hay 1200 năm tuổi) làm cho giới nghiên cứu văn hóa và Phật học, giới thạo cổ vật “ngớ người”.
Nghi lễ là một lĩnh vực rất quan trọng trong bất cứ tôn giáo nào, Phật giáo – với ý nghĩa là một tôn giáo cũng không ngoại lệ. Nhưng lịch sử tôn giáo cũng cho thấy rằng, khi nào nghi lễ trội hơn các hoạt động truyền bá giáo lý được dạy bởi các vị giáo chủ thì chính lúc đó tôn giáo bị suy thoái. Người viết nhớ có đọc một bài nhận định của Hòa thượng Thích Thanh Từ (người chủ trương phục hồi Thiền phái Trúc Lâm) trên báo Giác Ngộ rằng Phật giáo Việt Nam đang bị bao phủ bởi đám mây mê tín, và trong Lời nói đầu của cuốn cẩm nang nhỏ “Bước Đầu Học Phật”, Hòa thượng cũng thẳng thắn nói chủ trương của Ngài là : “một bề đả phá những mê tín đang ẩn náu trong Phật giáo, để cho bộ mặt Phật giáo trắng sạch hơn, không còn những thứ lọ nhơ làm lem luốc”. Vậy, Phật giáo Việt Nam hiện nay đang cần gì? Có cần thêm những hình thức nghi lễ đáp ứng nhu cầu của số đông có tình cảm với Phật giáo là cầu đảo hay là gì nữa? Có cần thêm một nghi lễ nào nữa cho tình hình nghi lễ chưa có sự thống nhất, chưa có được một cuốn kinh nhật tụng phổ thông cho tín đồ cả nước như thông tin cập nhật trên các trang mạng chính thống thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, phản ánh qua các hội nghị, hội thảo lâu nay?.
Một điều băn khoăn nữa, đó là trong các thông tin chính thống, các vị chức sắc cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, như Hòa thượng Thích Như Niệm, Thượng tọa Thích Thiện Thống xác nhận rằng Giáo Hội không mời “Pháp vương” đến Việt Nam (http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2015/10/17/1F7240/, http://giacngo.vn/thoisu/2015/10/07/1EF008/ ) thế nhưng trên trang web chính thức của Ban Thông tin – cơ quan phát ngôn của Giáo Hội, Cư sĩ Giới Minh lại khẳng định là Giáo Hội mời. Trả lời phỏng vấn trên bản tin đài truyền hình Việt Nam – kênh VTV9, chính ngài “Pháp vương” cũng nói rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mời ngài đến Việt Nam. Chỉ một Giáo Hội thôi, sau khi các vị chức sắc cao cấp xác nhận với cơ quan truyền thông Phật giáo – Báo Giác Ngộ Online là không mời, lập tức sau đó, Cư sĩ Giới Minh lại khẳng định là Giáo Hội mời (http://phatgiao.org.vn/y-kien/201510/Phap-Vuong-va-chuyen-thi-phi-19859/ ). Vậy lời của ai là đúng đây?
Đó là chưa nói đến những nhận định có thể hiểu nhiều nghĩa, chưa kể tới sự liên tưởng đến lịch sử Phật giáo Việt Nam (Phật hoàng Trần Nhân Tông và Bồ tát Thích Quảng Đức) trong trường hợp này, thật là khó hiểu !
Người viết thiết nghĩ, các vị chức sắc phát biểu công khai trên truyền thông là có nhận thức và trách nhiệm của mình trước phát biểu đó. Nói như Cư sĩ Giới Minh mọi người đang “thị phi”: “Nếu thấy hiện tượng khơi khơi mà chỉ trích “quá sâu”, hoặc nhân danh truyền thống mà “nặng lời” với đồng đạo thì e rằng đó không phải là truyền thống của Phật giáo Việt Nam.” (sic) thì e rằng Cư sĩ Giới Minh đang lên lớp dạy đời các vị chức sắc Giáo Hội, hoặc những ai đó có ý kiến ngược lại, rằng cần phải suy nghĩ kỹ càng trước lúc nói.
Không biết những lời trên có bị xem là “thị phi” của ngoại đạo không, nhưng dẫu gì tôi cũng thích cách nói của Hòa thượng Thích Thanh Từ, trong Lời nói đầu của “Bước Đầu Học Phật”: “Tinh thần tồi tà phụ chánh, chúng tôi chịu trách nhiệm những gì chúng tôi đã nói và hoàn toàn chịu trách nhiệm với những ai không hài lòng phiền trách chúng tôi.”
Nguyên Dũng

>>>>>>>>>>>>>>
LOẠT BÀI VỀ NHÂN VẬT "PHÁP VƯƠNG": 

1/CHUYỆN TAI NGHE MẮT THẤY VỀ "PHÁP VƯƠNG" GYALWANG DRUKPA
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/09/chuyen-mat-thay-tai-nghe-ve-uc-phap.html

2/MA ĐƯA LỐI CHO QUỶ VÀO NHÀ
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/09/ve-drukpa-viet-nam-phan-2-ma-ua-loi-cho.html

3/"PHÁP VƯƠNG" GYALWANG DRUKPA CÓ QUAN HỆ MẬT THIẾT VỚI NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/09/uc-phap-vuong-gyalwang-drukpa-co-quan.html

4/PHÁP BẢO ĐẶC DỊ CỦA DÒNG DRUKPA
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/09/phap-bao-ac-di-cua-dong-drukpa_26.html

5/"PHÁP VƯƠNG" CÓ PHẢI LÀ PHÁP VƯƠNG?
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/09/phap-vuong-co-phai-la-phap-vuong_28.html 

6/"PHÁP VƯƠNG" LỪA ĐẢO: TƯỢNG PHẬT 2000 NĂM TUỔI
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/phap-vuong-gyalwang-drukpa-12-lua-ao.html

7/CHÂN TƯỚNG "PHÁP VƯƠNG" GYALWANG DRUKPA 12
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/chan-tuong-phap-vuong-gyalwang-drukpa-12.html 

8/"PHÁP VƯƠNG" LẠI QUẢ CHO GIÁO HỘI QUỐC DOANH
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/phap-vuong-lai-qua-cho-giao-hoi-quoc.html 

 9/PHÁP VƯƠNG HÁM DANH
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/phap-vuong-ham-danh.html

 10/GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN LÊN TIẾNG VỀ "PHÁP VƯƠNG"
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/giao-hoi-phat-giao-vn-len-tieng-ve-phap.html 

11/GIÁO HỘI PGVN KHÔNG CHẤP NHẬN DANH XƯNG "PHÁP VƯƠNG"
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/giao-hoi-pgvn-khong-chap-nhan-danh-xung.html

12/ SƠ KẾT VỀ NHÂN VẬT "PHÁP VƯƠNG" GYALWANG DRUKPA 12
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/so-ket-ve-nhan-vat-phap-vuong-gyalwang.html
   
13/ Ý KIẾN PHẢN HỒI VỀ HIỆN TƯỢNG "PHÁP VƯƠNG"

http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/10/y-kien-phan-hoi-ve-hien-tuong-phap-vuong.html#more 

14/"PHÁP VƯƠNG" LÀ KẺ VÔ DANH TIỂU TỐT TRONG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
 http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/11/phap-vuong-vo-danh-tieu-tot-trong-phat.html

15/THÍCH MINH HIỀN - CHỦ CHÙA HƯƠNG VI PHẠM PHÁP LUẬT BẢO VỆ DI SẢN VĂN HOÁ QUỐC GIA 
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/11/thich-minh-hien-chu-chua-huong-vi-pham.html

16/BẢO THÁP TÂY THIÊN CỦA LIÊN DOANH CHÙA HƯƠNG-DRUKPA CẦU ĐẢO CÁI GÌ?
http://nguyenphunepal.blogspot.com/2015/11/bao-thap-tay-thien-cua-lien-doanh-chua.html
__________________________________