LINK: ĂN TẾT INDIA-DEWALI Ở NEPAL - PHẦN 1
***********************************************************
Sáng sớm hôm nay (01/01/2013) ngày đầu tiên của
Tihar-Diwali ở Nepal đã bắt đầu. Ngày này được gọi là Kag Puja, với
Kag nghĩa là Quạ, dịch sang tiếng Anh là Crow Worshipping Day (tiếng
Việt không có từ chính xác, chỉ tạm diễn giải gần sát nghĩa là
cúng lễ-tôn vinh-thờ phượng Quạ hay đơn giản là Ngày-Của-Quạ).
Về từ Kag-Quạ:
đây là một từ rất cổ của chủng tộc Mongoloid ở Hymalaya thờ rắn
thần Naga (Rồng). Họ là người Naga, tổ tiên của người hầu hết các
tộc người trải dài từ Hymalayan cho đến Việt Nam; khác với người
Hán, thuộc chủng Mongoloid từ sa mạc Gobi, thờ sói. Đến đây lại tiếc
là không có duyên được gặp và học hỏi ông Bình Nguyên Lộc tác giả
của Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Giá mà ông còn sống,
được mời ông qua đây và theo ông đi nghiên cứu cái nôi của người
Naga-Kirat hay Mã Lai (Mlechha) như cách gọi của ông thì hạnh phúc biết
mấy.Ông là người thầy chưa bao giờ gặp mặt của tôi từ những năm 80
của thế kỷ trước và mong ước lớn nhất của tôi là có thể đi tiếp
con đường mà ông đã khai phá và đặt những viên gạch đầu tiên. Chỉ
riêng từ kag-quạ hoặc như trước đây mình có đề cập sar-sếu trong bài
Sếu đầu đỏ, cũng đã gợi mở rất nhiều vấn đề về mối dây liên quan
của người Việt và người Naga qua ngôn ngữ. Lan man thế là lạc đề rồi
nhỉ he he…
Ngày hôm trước
ngày Kag Puja, các gia đình đã quét tước dọn dẹp nhà cửa, lối đi,
đường đi xung quanh nhà thật sạch sẽ. Vào sáng sớm Kag Puja, các bà
chủ gia đình dùng bột đất đỏ pha loãng vẽ một vòng tròn làm nền
rồi rắc các cánh hoa vạn thọ lên trên tạo hình một mandala đơn giản
để cúng vài món trái cây, vài loại hạt và thắp một ngọn đèn dầu
bơ diyos như là sự bắt đầu của lễ hội Tihar-Diwali ở cổng ra vào hay cửa chính của ngôi nhà. Ngày này là
Ngày-Của-Quạ nên nghi thức quan trọng nhất là cúng lễ quạ. Người ta
sẽ đi đến các quảng trường, công viên … nơi tập trung nhiều quạ. Họ
sẽ làm lễ cúng, cầu khấn các bài cúng bằng Sanskrit rồi sau đó rắc
cho quạ ăn những miếng thịt tươi xắt nhỏ. Mấy năm trước ở Nepal có
một anh chàng được ghi nhận vào sách kỷ lục thế giới Guiness về tài
gọi chim quạ đến. Giữa công viên Ratnapark, anh chúm môi phát ra tiếng
của loài quạ, vài phút trôi qua người ta thấy vài con quạ lượn vòng
trong không trung rồi tản ra. Cứ tưởng tiếng gọi của anh không hiệu
quả, thế rối đột ngột quạ từ bốn phương tám hướng đổ về công viên
đen kịt. Hàng ngàn, hàng chục ngàn con quạ quần đảo trên không, tiếng
quạ kêu rát cả tai. Người ta tha hồ mà cúng dường cho quạ trong
Ngày-Của-Quạ năm ấy.
Cúng dường thức ăn cho quạ trong ngày Kag Puja |
Ngày thứ hai của
Tihar là Kukur Puja, Ngày-Của-Chó. Người Newari thì gọi ngày này là
Khicha Puja (khicha nghĩa là chó trong ngôn ngữ Newar). Vào ngày này
thì tất cả các con chó (dĩ nhiên trừ chó hoang không có chủ) được
cúng lễ, sau đó được choàng một vòng hoa vạn thọ (manla) lên cổ , ban
dấu tika rồi được dâng cho một bữa ăn thịnh soạn ngon nhất trong năm.
Vào ngày này, nếu bạn thấy một con chó có đeo vòng hoa quanh cổ và
những dấu tika trên trán , trên thân mình thì chắc chắc đó là chó có
chủ. Rất nhiều người có lòng từ tâm thì không những worship chó nhà
mình mà còn worship các con chó hoang. Họ mang mâm đèn-hoa đi tìm để
cúng lễ cho các con chó hoang nơi đầu đường xó chợ và tặng chúng
những phần thức ăn ngon lành, tuy nhiên hiếm khi dám choàng vòng hoa
manla lên cổ chó hoang vì ngại… chó cắn. Phong tục cúng dường và bố
thí thức ăn cho các loại chim thú là phổ biến với người Nepal cũng
như India. Nó cho thấy sự thân thiện với tự nhiên theo nguyên tắc cùng
tồn tại hòa bình và tình yêu thực sự đối với Mẹ Thiên Nhiên.
Cúng lễ chó trong ngày Kukur Puja |
Đeo manla |
Cho ăn thức ăn ngon |
Chó cảnh sát trong ngày Kukur Puja |
Cúng lễ cho chó hoang trong ngày Kukur Puja |
Tết Tihar của
người Nepal có một huyền thoại khác hẳn với người India. Theo đó thì
Yama Raja (Diêm Vương) hàng năm sẽ nghỉ làm việc trong 5 ngày và đến
thăm nhà chị gái của mình. Chị của Yama Raja hân hoan tổ chức các lễ
lạt linh đình suốt năm ngày để mừng đón em trai. Ngày thứ nhất là
Kag-Puja để tôn vinh chim quạ-sứ giả của Diêm vương. Ngày thứ hai tôn
vinh chó-kẻ canh cổng địa ngục.
Hai ngày Kag Puja
và Kukur Puja là phong tục độc đáo ở Nepal. Người ta thấy nó được thực
hành rất nghiêm túc ở Kathmandu. Ở
vùng Terai, tức giáp với Bắc India thì cũng thấy thực hiện nhưng
hình như chỉ làm cho có lệ.
Ở India, người ta ăn mừng hai ngày đầu
tiên của Diwali khác hẳn.
Theo huyền thoại
Khuấy Biển Sữa (xin mời xem ở đây), thì khi Amrit-Bình thuốc trường
sinh nổi lên từ đáy Biển Sữa Thần y Dhanavantri của phe Thần nhanh
chóng vớt được bình Amrit. Ngày ấy được gọi là ngày Dhanteras-Ngày
may mắn. Đây là ngày đầu tiên của lễ hội Dewali của người India. Để
mừng Ngày may mắn, người India trang hoàng cửa hàng, công sở, nhà cửa
thật lộng lẫy và vẽ những dấu chân tượng trưng cho Nữ thần Lakhsmi
khắp nơi trong nhà.
Ngày thứ hai của
Tết Diwali được gọi là Chhoti Diwali (Tiểu Diwali). Ngày này xem như
ngày Diwali thu nhỏ , người ta cũng cúng lễ, đốt đèn và pháo nhưng
với số lượng tượng trưng
Huyền thoại về
nguồn gốc của Diwali bên India ngoài chuyện trở về Ayodhya của Rama như
đã nhắc đến trong phần 1 thì còn có một huyền thoại khác cũng thú
vị không kém.
Thời xa xưa ấy
có một Quỷ vương tên là Narakasur sau một thời gian tu luyện đã được
các chúa thần ban cho một ân huệ: "không bao giờ bị đánh bại bởi
bất kỳ người đàn ông nào".Hắn nhờ vào quyền phép vô song đã
đánh bại Thiên vương Indra chiếm lấy những chiếc hoa tai của Nữ thần
Mẹ Aditi, đồng thời bắt nhốt hết 16.000 người con gái của hầu hết
các vị thần. Nàng Satyabhama, vợ của thần Krishna, nổi trận lôi đình
vì sự xúc phạm đến giới nữ của Narakasur đã yêu cầu chồng giúp
mình. Krishna liền đánh xe chở vợ đến tấn công Narakasur. Trong trận
chiến kinh hồn đó, để hóa giải ân huệ tối thượng mà các chúa thần
ban cho quỷ vương, Krishna chuyển hết quyền phép của mình cho vợ-một
người đàn bà – trong giây phút sinh tử của cuộc chiến. Và Satyabhama
đã giết được con quỷ mà không người đàn ông nào có thể giết được.
Vợ chồng Krishna
đã giải thoát hết tất các cô gái bị quỷ vương bắt cóc và thu lại
được đôi hoa tai của Nữ thần Mẹ. Như một cử chỉ tượng trưng, Krishna
dùng máu của quỷ vương bôi lên mặt mình để đánh dấu chiến thắng
trước cái Ác. Cái ngày mà vợ chồng Krishna đánh bại Quỷ vương là
ngày Dhanteras, và họ trở về kinh thành vào sáng sớm ngày thứ hai.
Khi đó họ được các phụ nữ tắm để tẩy uế những bùn nhơ của chiến
trận và xức lên người các loại dầu thơm. Vì thế ngày thứ hai của
Diwali của người India còn được gọi là Narakachaturdashi-Ngày giết
chết Narakasur. Phong tục của ngày thứ hai Tết Diwali của người India
là thực hiện một nghi thức tắm vào lúc mặt trời mọc chính là bắt
nguồn từ huyền thoại này.
Huyền thoại này một lần nữa lại gắn Diwali với thần Vishnu (Krishna và cả Rama đều là các hóa thân của Vishnu).
Huyền thoại này một lần nữa lại gắn Diwali với thần Vishnu (Krishna và cả Rama đều là các hóa thân của Vishnu).
Chúng ta có thể
thấy rằng dù bắt nguồn từ văn hóa Hindu nhưng những phong tục lễ hội
Hindu sau khi du nhập lên Thung Lũng Kathmandu đã biến tướng và cải hóa
rất nhiều. Có nhiều lý do mà một trong những lý do là người Newar
của Thung Lũng Kathmandu là người theo đạo Phật. Hy vọng chúng ta sẽ
có dịp bàn về chủ đề tôn giáo của Thung Lũng Kathmandu vào một dịp
lành nào đó.
Sáng mai các bạn
nhớ tặng cho các con chó ở nhà mình và láng giềng những phần thức
ăn ngon nhé! Để chúng đỡ tủi với đồng loại ở India và Nepal he
he.
Tạm biệt và mong
gặp lại trong những ngày tới. Happy Tihar-Diwali
Kag Puja, ngày đầu
tiên của Tihar-Diwali 2013