Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

LẠM BÀN VỀ “CHÚ” VÀ “THẦN CHÚ”

Bài quá hay. Cám ơn tác giả Phạm Lưu Vũ và nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, xin phép hai bác được đưa bài này về đây để em lưu làm tài liệu. Kính!
NP 
Link: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/11/16/lam-ban-ve-chu-va-than-chu/
PHẠM LƯU VŨ
Nói đến “chú” (hay “thần chú”), thường dễ bị quy chụp ngay là mê tín dị đoan. Ấy là khi chưa hiểu thực chất của “chú” là gì? kể cả người đọc “chú” lẫn người nghe “chú”, rằng “chú” có từ khi nào?,  ai là người lập ra “chú”?, hiệu nghiệm của nó ra sao?, khi nào có hiệu nghiệm?, tại sao lại có hiệu nghiệm?, v,v… Chưa kể các loại “thầy, bà…” xưa nay thường sử dụng “chú” vào những mục đích không mấy lương thiện của họ, điều này càng làm cho “chú” dễ bị hiểu lầm. 
Lục tự thần chú "Om Mani Padme Hum" của Quán Thế Âm Bồ Tát

Nay bàn về “chú”, trước hết xin hãy gạt những thứ đó sang bên cạnh cái đã.
Trong 6 nguyên tắc biên dịnh Kinh Phật từ Phạn ngữ sang Hán ngữ do pháp sư Huyền Trang đưa ra, có 1 nguyên tắc là chỉ phiên âm mà không dịch khi gặp các trường hợp sau:
1- Những từ có quá nhiều nghĩa lý thâm sâu: ví dụ Bát Nhã, Ba La Mật, Tam Muội…
2- Những câu “chú”, bài “chú”.
Nghĩa là “chú” chỉ được phép phiên âm, mà không dịch. Kể cả những đoạn “chú” nằm trong kinh văn, thì khi đọc tụng, phần kinh văn có thể tụng lời dịch, còn “chú” thì (bắt buộc) phải tụng theo phiên âm.
Đời sau nhiều người vẫn tìm cách dịch nghĩa các câu “chú” hoặc bài “chú” đó. Song cũng chỉ là dịch để biết, biết (1 phần rất nhỏ) nghĩa lý thế thôi, chứ nếu đọc hoặc tụng theo lời dịch thì dứt khoát không có tác dụng. “Chú” (như sau đây sẽ thấy), là một dạng “ngôn ngữ” đã ra ngoài nghĩa lý thông thường vậy.
Xin “mở ngoặc” một tí: Trong cuộc đời đôi khi cũng gặp những trường hợp tương tự như “chú”. Ví dụ những “mật khẩu” dùng trong quân đội chẳng hạn. Đó là những khẩu lệnh của 1 phía nhằm “quy ước” sẽ thực hiện 1 hành động nào đó mà phía bên kia dẫu có nghe thấy cũng không tài nào hiểu được. Đừng tìm cách “giải nghĩa (đen)” của cái “mật khẩu” ấy làm gì, việc đó không những vô nghĩa, thậm chí có thể dẫn đến… mất mạng như chơi (trường hợp Dương Tu giải thích mật khẩu “kê cân” của Tào Tháo trong truyện Tam Quốc là 1 ví dụ). Trường hợp này và những trường hợp tương tự cũng có thể gọi là 1 dạng “chú”, đó là “chú” của phàm trần (gọi là “phàm chú”).
Vậy “chú” là gì?
“Chú” (từ đây có nghĩa là “thần chú” để phân biệt với “phàm chú”), có thể (tạm) hiểu là những MẬT NGỮ do một bậc giác ngộ hoặc một bậc đắc đạo nào đó đưa ra nhằm “chỉ thị” hoặc “ra lệnh” cho những đồ chúng, quyến thuộc… của vị đó ở những cõi giới khác cõi phàm phải thực hiện một công việc gì đó, một “quyền năng” nào đó đã có “nguyện” (hay giao ước) từ trước.
Vậy những bậc nào mới có thể lập ra “chú”?
Chỉ có những bậc đắc đạo, cụ thể là đạt tới thánh vị thứ 3 (A Na Hàm) hoặc tương đương, trở lên mới có khả năng lập ra “chú”. Nói nôm na, đó là những bậc đã đạt tới quả vị: “có thể sai khiến được quỷ thần…”. Tóm lại phải là những bậc đã “chứng” được 1 phần hay chứng được toàn bộ Pháp thân.
Vậy ma vương có thể lập “chú” không?
Có, thậm chí rất nhiều. Bởi ma vương cũng là những bậc đắc đạo (song vì một lý do hay một nhân duyên nào đó, đã rẽ sang đường khác, không tu hành theo chánh đạo nữa). Ma vương cũng có những bậc đã đạt tới trình độ giải thoát (tiến hóa về trí tuệ) rất cao, thậm chí tương đương với quả vị A La Hán, Bích chi Phật (và cũng chỉ tới đó là tột cùng, không thể tiến thêm được nữa trừ khi vị đó quay đầu phát tâm Bồ Đề, hành đạo Bồ Tát).
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, hạng “ma” này sở dĩ thành tựu là do… tự mình thành ma, không phải “ma” bên ngoài nhập vào. Một hành giả khi bắt đầu chứng được cảnh giới giác ngộ, mà lạc mất chánh đạo thì thường bắt đầu tìm kiếm đồ chúng và quyến thuộc…, và trở thành ma dân, ma vương… Đó là những người tu hành đã đoạn diệt xong 3 uẩn (3 ấm) đầu tiên (gồm sắc ấm, thọ ấm và tưởng ấm), tiếp tục tu hành để đoạn trừ hai uẩn (hành ấm và thức ấm) còn lại. Những hành giả chưa đoạn diệt xong 3 uẩn đầu mà bỏ mất chánh đạo, thì cũng chỉ có thể trở thành đồ chúng hoặc quyến thuộc của ma mà thôi. Vì vậy “ma” thấp nhất là hạng vẫn còn nguyên “hành ấm” và “thức ấm” chưa được đoạn trừ. Từ đó cứ lên cao dần… Tột đỉnh là hạng đã trừ hết ngũ uẩn.
Số lượng (và cả “chất lượng”) đồ chúng, quyến thuộc của ma vương nhiều hay ít, cao hay thấp hoàn toàn tùy thuộc vào quả vị giải thoát (hay đạo hạnh) mà vị ma vương đó đạt được. Vì vậy, “chú” của ma vương cũng tùy theo quả vị cao hay thấp của chính ma vương đó mà có tác dụng mạnh hay yếu, rộng hay hẹp…
Vậy đồ chúng, quyến thuộc của ma vương là những ai?
Là những chúng sinh ở khắp các cõi giới, kể cả cõi phàm trần, bao gồm cả những người đang tu hành hoặc chưa tu hành, song có nhân duyên với vị ma vương đó, do vị đó tìm kiếm và “tuyển mộ” được thông qua năng lực túc mạng thông (có thể soi khắp 80 vạn đại kiếp chúng sinh) của mình.
Vì vậy, “chú” của vị ma vương nào thì chỉ có tác động (sai khiến, nhiếp tâm, hộ trì hoặc chiếm lấy thân, khẩu…) đối với đồ chúng, quyến thuộc của chính vị đó mà thôi. Ngoài ra đều không tác động được.
“Chú” của ma vương lập ra nhằm phục vụ cho những mục đích, quyền lợi riêng của chính ma vương đó, hoặc quyền lợi của các đồ chúng, quyến thuộc thân cận (từ trên thì là các loại “quan”, “đế”, các loại “gia” (nhà)… xuống dưới thì là các loại “thầy”, “bà”… hành nghề truyền bá, mê hoặc từ xưa tới nay). Phần lớn những mục đích này là ngược lại với quyền lợi của tuyệt đại đa số chúng sinh, thậm chí nó nhằm cản trở hay phá hoại mọi quá trình tiến hóa về mặt trí tuệ, nó làm lệch hướng hoặc triệt tiêu mọi kết quả giải thoát (hay ngộ đạo) của bất kì một chúng sinh nào.
Đây chính là chỗ khác nhau căn bản, thậm chí trái ngược (về mục đích) giữa “chú” của ma vương với “chú” trong kinh pháp của chư vị Phật, Bồ Tát.
Chư vị Phật, Bồ Tát (từ Bồ Tát thập địa trở lên) là những bậc đã chứng được toàn bộ Pháp thân. Tất cả mọi cõi giới, tất cả “sum la vạn tượng”… đều “nằm” trong “Pháp thân” của các ngài. Vì vậy “chú” do các vị lập nên, một khi đã tuyên ra, thì ngay lập tức, có thể tác động tới mọi cõi giới, bao trùm mọi cõi giới mà không gặp bất kì một trở ngại nào. Cùng một lúc, nó có thể tác động tới vô lượng, vô biên chúng sinh…
 Song, “chú” của chư vị Phật, Bồ Tát lập ra chỉ là một trong những “phương tiện thiện xảo”. Nó nhằm vào một mục đích duy nhất là “độ” cho tất cả mọi loại chúng sinh được giải thoát hoặc tiến tới giải thoát, cứu vớt mọi loại chúng sinh ra khỏi “nhất thiết khổ ách”…
Vậy ai là những người tuân theo những “chú” đó của chư vị Phật, Bồ Tát? Ai là những người “chấp hành” những “mệnh lệnh” đó?
Tùy theo mục đích, tác dụng chung hay tác dụng riêng biệt được “quy ước” khi lập “chú”, mà mỗi câu “chú”, mỗi bài “chú” sẽ tác động đến những “đối tượng” nhất định trong một vài hoặc vô số cõi giới khác nhau.
Những “đối tượng” chấp hành mà “chú” của chư vị Phật, Bồ Tát hướng tới là những vị thiện thần (các vị thần, thành hoàng, sơn thần, thổ địa…), các chư thiên, các vị thánh, chư vị Bồ Tát, chư vị Phật… nằm trong phạm vi “quy ước”, khi nghe tuyên “chú” sẽ ngay lập tức “có mặt” dưới dạng ẩn thân, hóa thân hay thị hiện bằng cách này, cách khác, làm công việc yểm trợ, hộ trì, nhiếp tâm, cứu độ, v,v… đối với một hoặc nhiều chúng sinh (thậm chí đối với cả một cõi giới…) đang có nhu cầu hộ trì.
Ngoài ra, để hộ trì, bảo vệ chúng sinh, bảo vệ Phật pháp… hoặc những mục đích đặc biệt nào đó không thể nghĩ bàn, chư vị Phật, Bồ Tát còn lập ra những câu chú, bài “chú” có tính chất đặc biệt, giới hạn, có một tác dụng siêu việt nào đó (di dời một quả núi hay cứu chúng sinh ra khỏi các nạn thủy, hỏa, ác thú… chẳng hạn) hoặc nhằm hàng phục một hay nhiều loại ma, từ ma dân, ma nữ… cho đến tận ma vương cao nhất.
Xin lưu ý, “chú” của chư vị Phật, Bồ Tát không chỉ thể hiện dưới dạng là những “mật ngữ” (phát ngôn ra lời chú), mà đôi khi còn được thể hiện (hoặc riêng biệt, hoặc kết hợp với “chú”) dưới dạng những cử chỉ, hành động đặc biệt (ví dụ 42 “thủ nhãn ấn pháp” trong chú Đại Bi của Quán Thế Âm Bồ Tát) mà thế gian quen gọi nôm na là “bắt quyết”…
Vậy tại sao “chú” chỉ đơn thuần là những phát ngôn (nhiều khi vô nghĩa, hết sức vô nghĩa), hoặc chỉ đơn thuần là những động tác… lại có thể có hiệu nghiệm?
Như trên đã nói, trước tiên là người lập ra “chú” (chủ thể của “chú”). Cảnh giới giác ngộ, hay trạng thái giải thoát của những bậc có thể lập ra “chú” nằm ở quả vị từ A Na Hàm (hoặc tương đương) trở lên là những cảnh giới mà những hạng chúng sinh (phàm tục) như chúng ta không thể nghĩ bàn. Đó thực sự là những bậc “siêu nhân loại” đã trừ được một phần cho đến đã trừ hết vô minh, đã khai thông “pháp giới tính”, chứng nhập “Như Lai tạng”, chứng nhập một phần cho đến chứng nhập toàn bộ Pháp thân… Vì thế mà nguyện lực (hay quyền năng) của các vị vô cùng to lớn, vô cùng mạnh mẽ không thể nghĩ bàn. Nói theo khoa học thế gian thì đó là những bậc tuy vẫn tồn tại trong không gian của chúng ta, nhưng trạng thái của họ là trạng thái trực kiến từ không gian 4 chiều trở lên… mà con người phàm chúng ta ở trạng thái không gian 3 chiều không thể cảm nhận được.
Những nguyện lực (hay quyền năng) đó ở ma vương thể hiện ra thành sức mạnh của tham vọng thống trị một bộ phận cho đến thống trị toàn bộ chúng sinh, nó cản trở hay phá hoại con đường tiến tới giác ngộ, giải thoát của từng người cho đến tuyệt đại đa số chúng sinh…
Những nguyện lực (hay quyền năng) đó ở chư vị Phật, Bồ Tát thể hiện ra thành sức mạnh của lòng từ bi. Vì một khi đã chứng được Pháp thân thì bất cứ chúng sinh nào cũng đều nằm trong Pháp thân của các ngài, là một phần Pháp thân của các ngài…
Thứ đến là những đối tượng “chấp hành” những “chú” đó.
Đối với ma vương, đó là những đồ chúng, quyến thuộc ở khắp các cõi giới kể cả cõi phàm trần. Những hạng này, tùy theo căn cơ, đạo hạnh, cũng có một nguyện lực (hay quyền năng) nhất định, hoặc thậm chí sẽ được gia trì, nhiếp tâm để (tạm thời) tăng thêm sức mạnh của nguyện lực trong khi thực hiện những “chỉ thị” quy ước của câu “chú”, bài “chú”…
Đối với chư vị Phật, Bồ Tát, chấp hành “chú” là những người đã chứng được ít nhất từ một đến nhiều cảnh giới khác cảnh giới của cõi phàm trần (các vị thần), là những vị có phước báo rất dày (chư thiên), những bậc đã đắc đạo giải thoát (các vị thánh, chư vị Bồ Tát… Phật). Pháp thân của các vị trùm khắp mọi cõi giới, tựa như các vị luôn luôn “có mặt” khắp mọi nơi, bất kể không gian và thời gian vậy. Nguyện lực (hay quyền năng) của những bậc này hoặc có sẵn, hoặc được gia trì là không thể nghĩ bàn.
Vậy điều kiện nào để “chú” có hiệu lực?
Có vô vàn cách thể hiện cũng như cách hiểu và giải thích vấn đề này. Chỉ riêng “chú” của ma vương xưa nay vốn đã nhiều như cát sông Hằng. Nhưng mục đích chính của nó là hại đời, phá đạo, nên phần lớn đều thể hiện dưới dạng những “mật chú”, chỉ những đệ tử, quyến thuộc thân cận lắm của ma vương thì mới được trao. Ví dụ câu chuyện sau đây:
Trần Đại tiên người xứ Thanh Hóa thuở chưa đắc đạo là một người tu hành có đức hạnh rất cao, mỗi lần ông nhập sâu vào định thì ma vương trú ở quả núi gần đó lại cảm thấy quả núi rung chuyển như muốn lún sâu xuống. Ma vương vì thế kinh sợ, mấy lần muốn phá mà chưa được. Bèn cho một đệ tử đến cất nhà bên cạnh, giả làm một người hàng xóm tốt bụng để theo dõi. Trong nhà treo một cành phan nhúng sơn lòe loẹt, lại giao cho mật chú đựng trong túi gấm, dặn rằng khi nào thấy cành phan rung động thì có nghĩa là Trần sắp đắc đạo, hãy lập tức mở túi gấm, trong đó có một mảnh thẻ tre, một mặt màu đỏ, một mặt màu trắng. Đọc 3 lần câu thần chú chép trên mặt màu đỏ để khiến Hỏa thần tới phóng hỏa đốt chết Trần. Khi thấy cành phan hết rung nghĩa là Trần đã chết, lúc đó hãy đọc câu chú chép ở mặt trắng để Hỏa thần rút đi. Hôm ấy Trần có việc đạo ở làng bên cạnh, giao cho một con khỉ nhỏ ở lại trông nhà. Con khỉ này Trần nuôi đã lâu, tính rất nghịch ngợm. Tối hôm đó, nhân lúc chủ vắng nhà, con khỉ bèn vượt rào chạy sang ngó vào nhà gã hàng xóm. Thấy giữa nhà treo cành phan xanh đỏ tím vàng nom rất vui mắt, nó bèn tìm cách chui vào rồi nhảy tót lên cành phan đùa giỡn. Gã đệ tử đang mơ màng, bỗng dưng thấy cành phan rung tít bèn lật đật mở túi gấm, lấy chú ra đọc. Lập tức, bên nhà Trần lửa cháy ngút trời. Lửa cháy lan sang nhà gã đệ tử. Song gã vẫn không dám đọc câu chú chép trên mặt thẻ màu trắng vì thấy cành phan vẫn rung bần bật. Đến lúc gã nhận ra nguyên nhân thì không kịp nữa rồi. Cả căn nhà cùng gã đều bị Hỏa thần thiêu rụi. Riêng con khỉ, tới phút chót nó vẫn kịp phóng qua đám lửa mà chạy thoát ra ngoài… Trần về sau đắc đạo, dùng ngũ thông “quán” khắp các cõi giới. Mới biết con khỉ té ra là một vị A La Hán hóa thân thị hiện để hộ trì ngầm…
“Chú” của chư vị Phật, Bồ Tát vì mục đích hộ trì chúng sinh nên phần lớn không phải “mật chú”, bất cứ ai cũng có thể đọc, niệm hoặc trì chú. Cũng có những “mật chú” của tam thế chư Phật, Bồ Tát, của chư vị Tổ nhằm giúp người tu hành mau chóng khai thông trí huệ, chứng ngộ đạo quả trong các pháp môn tu như Mật Tông, Kim Cang thừa… Tuy nhiên, dù là “mật chú” hay “thường chú”, thì muốn có hiệu lực hay không, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính hành giả, ở chính người đọc hoặc trì chú. Cũng như tất cả các pháp môn tu theo đạo Phật, người trì chú cốt yếu phải có trong tâm của mình 3 món “tư lương”, đó là “tín”; “nguyện”; “hạnh”. Có đức tin rồi, song trong lúc trì chú, vẫn cần thiết phải có cái tâm thanh tịnh, càng thanh tịnh thì hiệu lực của “chú” càng mạnh. Tâm không thanh tịnh thì dẫu có niệm cũng như không, thậm chí gây hậu quả không thể lường được. Câu chuyện niệm “chú biến thực” mà hóa ra toàn… chìa khóa đầy khắp hư không của một vị sư là một thí dụ. Trái lại, niệm chú mà đạt tới trạng thái thanh tịnh tuyệt đối thì cũng tựa như niệm Phật đạt tới cảnh giới “tam muội”, cảnh giới “nhất tâm bất loạn” vậy. Kết quả đạt được từ những cảnh giới đó là điều vô cùng huyền diệu và không thể nghĩ bàn.
Cuối cùng, một điều mà tất cả những người theo đạo Phật cần phải biết, đó là sự gia trì, ủng hộ của các vị thiện thần, chư thiên, của các vị thánh, chư vị Phật, Bồ Tát… đối với đệ tử, con cháu nhà Phật thì không chỉ diễn ra trong lúc niệm chú. Kể cả trong những lúc phật tử tụng kinh, niệm Phật, trong những pháp tràng thuyết pháp của các vị pháp sư… cũng luôn luôn nhận được những sự hộ trì của các vị ấy. Đây là điều đã được “ấn chứng” và phát nguyện ngay trong lúc giảng giải kinh pháp của chính Đức Phật. Hầu hết các bộ kinh, nhất là các bộ kinh điển Đại thừa, đều có sự phát nguyện của chư thiên, của chư vị Bồ Tát… Trước mặt Đức Phật, các vị đều nguyện sẽ bảo vệ kinh pháp và hộ trì cho bất cứ chúng sinh nào ở những đời sau mỗi khi đọc, tụng hoặc truyền bá kinh đó, kể từ… một câu kệ cho đến toàn bộ bộ kinh. Với “nguyện lực” vô cùng lớn lao của các vị, thì những hộ trì này là điều không thể xem thường. Sự thù thắng không thể nghĩ bàn này quả thực đã hằng tồn tại, hằng diễn ra trong toàn bộ đời sống Phật giáo suốt từ xưa tới nay. Nó thường hằng đến nỗi kể cả các phật tử cũng dường như không cảm thấy điều đó tồn tại. Song đó là một điều có thật và vô cùng cần thiết, không chỉ đối với mỗi phật tử nói riêng, mà đối với toàn bộ chúng sinh nói chung, tựa như không khí đối với sự sống vậy…
10/2013